Kể từ đầu năm 2022, Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt các hoạt động quân sự trong đó có cả thử các tên lửa siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo tầm trung bị cấm. Ngày 4/5 vừa qua, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thông báo, Triều Tiên đã phóng vật thể được cho là một tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, hãng Yonhap đưa tin, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một vật thể bay hướng vào Biển Nhật Bản. Đây đã là vụ phóng thứ 14 của Bình Nhưỡng từ đầu năm đến nay, một con số được đánh giá là cao bất thường. Trước đó vào cuối tháng 3/2022, lần đầu tiên kể từ năm 2017, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17. Truyền thông nhà nước Triều Tiên thừa nhận họ đã tiến hành ba vụ thử tên lửa siêu thanh trước đó.

Trong lễ duyệt binh tối 25/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có bài phát biểu khẳng định quyết tâm tăng cường và phát triển năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng với tốc độ nhanh nhất. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, Chủ tịch Kim Jong-un đã cảnh báo mọi lực lượng tìm cách đối đầu quân sự với Triều Tiên "sẽ bị xóa sổ". "Lực lượng hạt nhân Triều Tiên phải luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và thể hiện năng lực răn đe độc nhất vào mọi thời điểm", nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố.

Việc Triều Tiên có các hoạt động quân sự như vậy không phải điều mới mẻ, trong đó nhằm vào hai mục tiêu chính, một là từ những tiến bộ trong quân sự để thúc đẩy tinh thần trong nước, nhấn mạnh, hướng sự quan tâm của người dân về các mối đe dọa từ phương Tây thay vì sự trì trệ của kinh tế trong nước. Thứ hai là yêu cầu sự công nhận của quốc tế đối với Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, đồng thời, gây áp lực tăng cường lợi thế của nước này trong các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc trong tương lai. Triều Tiên rõ ràng không muốn bị cô lập, nhưng vẫn tiếp tục cứng rắn để bước vào đàm phán trên thế có lợi.

Về tính thời điểm, việc Triều Tiên liên tiếp thực hiện phóng các vật thể bay được cho là tên lửa xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất Triều Tiên thường xuyên thể hiện sức mạnh quốc gia trong các dịp lễ lớn của đất nước như vừa qua là kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông Kim Jong-il vào tháng 2, 110 năm ngày sinh của ông Kim Nhật Thành vào tháng 4. Thứ hai, môi trường quốc tế thuận lợi cho Triều Tiên thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí của mình, Mỹ và các nước phương Tây đang phải tập trung giải quyết vấn đề Ukraine, trong khi khó có thể nhận được sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc nếu muốn áp đặt lệnh trừng phạt.

Đặc biệt, việc Triều Tiên tăng cường các động thái làm nóng tình hình ở bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây như việc phát đi một tín hiệu đến Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn vào cuối tháng 5 sắp tới. Triều Tiên đang muốn xây dựng một ưu thế mới, có một thế đàm phán mới nếu nối lại các thảo luận trong vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, người tiền nhiệm của Tổng thống Yoon Suk-yeol là ông Moon Jae-in đã để lại một di sản không thể phủ nhận trong quan hệ liên Triều và quản lý khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Moon Jae-in nhậm chức tại thời điểm căng thẳng tăng lên cao trên bán đảo Triều Tiên, hai bên đình chỉ mọi hoạt động đối thoại khiến bán đảo Triều Tiên có thời điểm dường như bên bờ vực của một cuộc chiến tranh. Do đó, tìm hướng đi cho quan hệ Liên Triều trở thành một trong những trọng tâm đối ngoại mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nỗ lực theo đuổi trong sự nghiệp chính trị của mình. Ngay từ những ngày đầu mới nhận chức cũng như xuyên suốt nhiệm kỳ của mình, vị tổng thống theo "đường lối Ánh dương" này đã nhất quán ủng hộ việc thống nhất hai miền Triều Tiên một cách hòa bình.

Ba mục tiêu lớn của chính sách đối ngoại với Triều Tiên, hướng tới một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và thống nhất hai miền được của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in định hình là: Một là, giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình vĩnh viễn trong đó nhận mạnh “chuyển đổi từ tình trạng đình chiến bất ổn kéo dài liên tục hơn 60 năm sang hòa bình vĩnh viễn, lâu dài”. Hai là, phát triển quan hệ bền vững giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, khẳng định “tôn trọng và giữ gìn những kết quả, nỗ lực đã đạt được trong quá khứ” đồng thời “tiến tới xóa bỏ những mâu thuẫn nội bộ đang phủ vây vấn đề thống nhất và chính sách Triều Tiên, tạo nên sự đồng thuận trong toàn dân”. Ba là, xây dựng cộng đồng kinh tế mới trên bán đảo Triều Tiên hướng đến hình thành một thị trường duy nhất mà hai miền cùng tồn tại và cùng thịnh vượng, tạo ra động lực phát triển kinh tế mới, và hơn nữa là tạo ra cộng đồng kinh tế Nam Bắc vững mạnh.

Để thực hiện mục tiêu đó, chính quyền ông Moon Jae-in theo đuổi bốn chiến lược lớn: Một là, tiếp cận mang tính tổng quát theo từng giai đoạn một cách hòa bình; Hai là, tiến triển song song mối quan hệ hai miền Nam Bắc và vấn đề hạt nhân trong đó nhận mạnh đây là 2 vấn đề không mang tính trước sau hoặc mang tính chọn một trong hai, mà cả hai việc này có thể tiến triển trong vòng tuần hoàn tích cực thông qua việc bổ trợ cho nhau; Ba là, đảm bảo tính bền vững thông qua thể chế hóa bằng việc ký kết các Hiệp ước giữa liên Triều và giữa liên triều với các nước khác; Bốn là, xây dựng nền tảng thống nhất mang tính hòa bình thông qua sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau.

Từ việc hoạch định chính sách, thực tế chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã rất nỗ lực, liên tục chủ động có những động thái kết nối hai miền. Liên tiếp ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều (27/4/2018, 26/5/2018 và 18-19/9/2018) được tổ chức trong một thời gian ngắn với hình ảnh Tổng thống Moon Jae-in phát biểu trước 150.000 công dân Triều Tiên trên sân vận động Rungrado ở thủ đô Bình Nhưỡng hay hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước qua vạch ranh giới ở Làng đình chiến Panmunjeom hay hình ảnh lãnh đạo liên Triều cùng du ngoạn đến núi Paektu – ngọn núi mang tính biểu tượng của dân tộc Triều Tiên, đã đem đến những hy vọng về tiến trình hòa bình, thống nhất hai miền Triều Tiên.

Bên cạnh đó, vượt ra khỏi khuôn khổ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Seul dưới thời Tổng thống Moon Jae-in cũng tăng cường hỗ trợ Triều Tiên vì lý do nhân đạo. Cùng với việc cung cấp vật tư y tế, lương thực thực phẩm, một hiệp định thương mại tự do liên Triều đã được ông Moon đề xuất.

Bên cạnh việc kéo Triều Tiên lại gần với mình hơn bằng những hành động thiện chí, ông Moon Jae-in cũng được xem là người có công lớn trong việc thúc đẩy các cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore và Việt Nam. Chính quyền ông Moon Jae-in cũng nhiều lần đề xuất về "Hiệp định hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên" trong các cuộc thảo luận với Mỹ.

Những nỗ lực ngược dòng này của phía Hàn Quốc đang đem đến hiệu quả nhất định đặc biệt là sự thiện chí từ phía Triều Tiên trong cả quan hệ liên Triều cũng như quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên đã bị đình trệ, một phần do bất đồng về việc dỡ bỏ trừng phạt và mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Vào giữa năm 2020, Bình Nhưỡng đã chỉ trích vai trò hòa giải của Tổng thống Moon Jae In, đồng thời phá bỏ văn phòng liên lạc giữa hai miền Triều Tiên, một trong những biểu tượng hòa bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Có thể thấy rằng, với cách tiếp cận có phần mềm mỏng, cho dù quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang "giậm chân tại chỗ," không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả nhất định mà chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã đạt được trong quan hệ với Triều Tiên. Và đây chắc chắn sẽ trở thành một “cái bóng” mà người kế nhiệm của ông Moon Jae-in cần vượt qua để ghi điểm trong sự nghiệp chính trị của mình.

Chiến thắng của Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol được dự đoán sẽ đánh dấu nhiều thay đổi sâu sắc và mang tính chiến lược đối tình hình bán đảo Triều Tiên. Theo tờ New York Times, chính sách của Tân Tổng thống Yoon sẽ tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy các biện pháp cứng rắn hơn trong vấn đề Triều Tiên, đề cao quan hệ đồng minh với Mỹ và tăng cường tiếp xúc với các quốc gia cùng chí hướng như Bộ tứ QUAD.

Cứng rắn với Triều Tiên

Trong 5 năm qua, Hàn Quốc đã tăng cường chính sách thiên về đối thoại hơn là đối đầu với Bình Nhưỡng. Tổng thống mới đắc cử ông Yoon Suk Yeol đã cực lực chỉ trích cách tiếp cận này của người tiền nhiệm. Trong một bài đăng trên Facebook của mình trước cuộc bầu cử, ông Yoon cho rằng đây chỉ cách tiếp cận thất bại và khiến cả hai bên thất vọng.

Tân tổng thống Hàn Quốc xác định Bình Nhưỡng là "kẻ thù chính" của Hàn Quốc. Ngoài ra, ông nói thêm ông sẽ không loại trừ khả năng thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Theo AFP, trong những bình luận đầu tiên sau khi đắc cử, ông Yoon cho biết ông sẽ "nghiêm khắc đối phó với các hành vi phi pháp và phi lý của Triều Tiên"

Nhà nghiên cứu Hong Min thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết, điều mà ông Yoon Suk Yeol mong muốn là một quá trình "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được" đối với kho vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, đây chắc chắn là điều mà Triều Tiên sẽ không thực hiện trong thời điểm này”.

Chính vì vậy, Leif-Eric Easley, một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học phụ nữ Ewha nhấn mạnh: “Quan hệ liên Triều được cải thiện” hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự sẵn lòng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong việc can dự ngoại giao và đàm phán về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với các bước phi hạt nhân hóa”.

Chuyển trọng tâm quan hệ với Mỹ

Khác với Tổng thống Moon Jae in, người coi quan hệ với Triều Tiên là trọng tâm trong chính sách đối ngoại, nhiệm kỳ của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ liên Triều với việc chuyển trọng tâm đối ngoại sang việc thắt chặt hơn nữa quan hệ với Mỹ.

Trong quan hệ với Mỹ, ông kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Hàn Quốc và Mỹ nhằm chống lại mối đe dọa hạt nhân đến từ Triều Tiên. Theo giáo sư Khoa học Chính trị Kim Yong Hyun, Đại học Dongguk cho biết: “Ông Yoon thích duy trì trật tự thông qua sức mạnh quân sự trên cơ sở liên minh với Mỹ. Cách tiếp cận này có khả năng gia tăng bất ổn trong khu vực”. Ông Yoon cũng nhiều lần kêu gọi Washington – Seoul tăng cường tập trận chung. Điều này cho thấy sự khác biệt rõ ràng trong chính sách so với người tiền nhiệm Moon Jae In khi ông thường xuyên hạn chế quy mô và tần suất của các cuộc tập trận.

Ngoài ra, Tổng thống Yoon thậm chí còn từng đề xuất mua thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) từ Mỹ để đối phó với Triều Tiên, bất chấp rủi ro rằng hành động này có thể khiến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, tung ra đòn trả đũa kinh tế.

Về vấn đề kinh tế, dưới thời Tổng thống Moon Jae in, Hàn Quốc luôn giữ cân bằng (hay được gọi là cách tiếp cận mơ hồ chiến lược) trong mối quan hệ giữa Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của nước này và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, Tổng thống mới đắc cử đang cho thấy khả năng sẽ bày tỏ thái độ rõ ràng hơn về mặt chiến lược và nghiêng về phía Washington.

Tăng cường quan hệ với các quốc gia có cùng chí hướng

Trong bài phỏng vấn với tờ nhật báo phố Wall của Mỹ, ông Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc muốn mở rộng các cuộc tham vấn liên minh về khả năng răn đe hạt nhân, thúc đẩy quan hệ đối tác 3 bên với Washington và Tokyo, cũng như tham gia nhóm "Bộ tứ" gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Theo đó, ông nói rằng ông không mong đợi Hàn Quốc sẽ sớm nhận được lời mời tham gia QUAD nhưng trong tương lai Hàn Quốc vẫn sẽ "tích cực xem xét việc tham gia" nếu được ngỏ lời mời tham dự.

Trong tháng 5 này, ông Yoon dự kiến sẽ chuyến thăm dự tới Mỹ nhằm trao đổi về việc củng cố quan hệ song phương, cũng như cách thức cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm tăng cường răn đe đối với Triều Tiên.

Theo giới chuyên gia, tình hình giữa hai miền bán đảo sẽ trở nên căng thẳng hơn so với những năm trước do các thay đổi đến chính sách của Tân tổng thống Hàn Quốc. Mặc dù, Tổng thống Yoon Suk Yeon không loại trừ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng các nhà phân tích nhận định lập trường cứng rắn của ông đặt Hàn Quốc vào một vị thế hoàn toàn khác và làm giảm đáng kể triển vọng gắn kết thực chất.

Ngoài ra, nếu tiếp tục giữ căng thẳng trên bán đảo, triển vọng về quá trình phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên sẽ ngày càng khó khăn và tạo ra động lực để Triều Tiên tiếp tục thực hiện các chương trình hiện đại hóa quân sự.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động phức tạp và khó lường như hiện nay, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên rất thế lưỡng nan về an ninh khi cả hai phía sẽ liên tục tăng cường khả năng quân sự trong tương lai. Bình Nhưỡng sẽ cho rằng họ "không được lợi ích gì" khi đối thoại với một chính quyền cứng rắn ở Seoul. Theo chuyên gia Hong Min của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhấn mạnh: "Triều Tiên sẽ tăng tốc trong phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, đồng thời đổ lỗi cho chính sách cứng rắn của Tổng thống Yoon Suk Yeon để hợp thức hóa những hành động của nước này."

Thêm vào đó, việc tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực an ninh đã khiến Triều Tiên cảm thấy bị đe dọa. Phó giáo sư Mason Richey thuộc Đại học Ngoại ngữ Hankuk cho biết việc kêu gọi triển khai thêm khí tài quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, một chủ đề có thể sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Seoul vào cuối tháng này sẽ khiến Triều Tiên tăng cường thử nghiệm vũ khí trong tương lai.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng phải tính đến khả năng Mỹ sẽ không đặt ưu tiên đối với vấn đề Triều Tiên khi nước này đang bận tâm nhiều hơn đến cuộc chiến của Nga tại Ukraine và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc. Theo Giáo sư Park Won Gon, Mỹ có thể kêu gọi chính phủ của Tổng thống Yoon có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, hoặc có thể đề xuất Hàn Quốc tham gia vào quan hệ đối tác an ninh do Mỹ thiết lập.

Gần đây, những lo ngại về răn đe vũ khí hạt nhân đang nóng dần lên do sự gia tăng của các cuộc xung đột đặc biệt là cuộc chiến tại Đông Âu giữa Nga và Ukraine. Một bản báo cáo cập nhật về tình hình hạt nhân toàn cầu của tổ chức nghiên cứu Allied Market Research được công bố ngày 4/4 vừa qua cho thấy thị trường vũ khí hạt nhân dự báo sẽ tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho an ninh toàn cầu cũng như an ninh của khu vực bán đảo Triều Tiên trong tương lai. Yêu cầu trước mắt cho cả phía Hàn Quốc, Triều Tiên và các bên liên quan là cần tìm ra phương thức xử lý phù hợp cho các mối quan hệ nhằm tránh đẩy mâu thuẫn và căng thẳng leo thang.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 14/05/2022 | 09:00