Quảng Bình, Quảng Trị: Trường học ngập bùn đất, hàng nghìn học sinh chưa được đi học

Cẩm Mịch

Sau nhiều tuần bị ngập nước sau trận mưa lũ lịch sử, một số trường học tại hai tỉnh trên vẫn gánh chịu hậu quả nặng nề vì lớp học, bàn ghế, sách vở ngập trong từng lớp bùn đất dày đặc...

Hàng nghìn học sinh vẫn chưa thể đến trường

Sau gần 3 tuần hứng chịu liên tiếp nhiều đợt mưa lũ, hiện có hàng chục trường học trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vẫn chưa thể cho học sinh quay trở lại trường, do các lớp học bị bùn đất phủ dày.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - cho biết, ảnh hưởng nghiêm trọng của nhiều đợt mưa lũ vừa qua đang khiến công tác dạy học trên địa bàn bị gián đoạn.

Theo ông, mưa từ thượng nguồn đổ về kết hợp lũ quét khiến nhiều xã trên địa bàn vẫn đang bị cô lập do đường giao thông huyết mạch bị chia cắt, nhiều trường học tại các xã Hướng Lập, Hướng Việt, xã Húc,... bị bùn đất sạt lở, lấp vùi sân trường và các lớp học.

“Sau khi lũ rút, chính quyền địa phương đang huy động các thầy cô, lực lượng tại chỗ nỗ lực cào bóc bùn đất, sửa sang hạ tầng để các em học sinh có thể trở lại trường sớm nhất. Ở một số trường, lớp bùn quá dày, giáo viên không thể rửa sạch, nên nhà trường đã chủ động tính phương án nhờ máy móc hỗ trợ dọn dẹp” - ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ thêm.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị - cũng thông tin: “Tính đến thời điểm này, hầu hết học sinh đã được trở lại trường sau đợt mưa lũ vừa rồi, chỉ còn 14/400 trường chưa thể cho học sinh đi học trở lại. Đây quả thực là quãng thời gian quá nhiều khó khăn, Quảng Trị có 308 trường bị ngập lũ, thiệt hại nặng nề. Một số trường bị sạt lở, tường bị lún sụt, bùn lầy ngập, dụng cụ học tập, sách vở, thiết bị giảng dạy và học tập đều bị lũ cuốn trôi...”.

Những trận mưa lũ cũng khiến nhiều trường học tại tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị. Việc dạy và học trên toàn tỉnh bị ngưng trệ một thời gian.

Ông Nguyễn Văn Thông - Chánh Văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình - chia sẻ: “Học sinh tại địa phương cơ bản đã đi học trở lại. Riêng ở huyện Lệ Thủy, còn 37/85 trường chưa tổ chức đi học lại được. Về hậu quả mưa lũ thì các trường này đã cơ bản khắc phục xong, tuy nhiên, cơ sở vật chất và đặc biệt hệ thống điện bị hư hỏng quá nặng, chưa thể đảm bảo cho học sinh quay trở lại trường học.

Thời gian vừa qua, Sở tổ chức đi kiểm tra và hỗ trợ các trường trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, mỗi huyện đi ít nhất 3 trường. Riêng đối với huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy thì đi nhiều hơn vì đó là 2 vùng bị ảnh hưởng nặng nhất. Các nhà trường cũng chủ động liên hệ lực lượng hỗ trợ trên địa bàn để dọn dẹp bùn non, nhanh chóng cho học sinh trở lại trường, trong đó, đặc biệt ưu tiên bậc mầm non và tiểu học”.

“Đồng thời, Sở có công văn gửi các trường, chủ động đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, mặc dù lũ rút rồi, nhưng nếu học sinh đi học qua sông, suối vẫn gặp nhiều nguy hiểm thì chưa được để học sinh quay trở lại trường, có thể tổ chức dạy bù sau. Trong số các trường đi học cũng còn một số điểm trường chưa đảm bảo an toàn cho học sinh vì đường đến trường của học sinh còn băng qua những đoạn sông suối mà nước chưa kịp rút hết.

Còn riêng ở trên địa bàn huyện Lệ Thủy, các trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng về cơ sở vật chất, tường bị đổ sập nhiều, nên các trường đang phải tìm các phương án khác, chờ thời tiết nắng ráo, xem cơ sở vật chất có đảm bảo không mới cho học sinh đi học” - vị Chánh Văn phòng thông tin thêm.

Khó khăn lớn nhất là sách vở

Nhiều cơ sở giáo dục đã bị ngập sâu trong nước lũ, gây thiệt hại đáng kể đến cơ sở vật chất, trường học, bàn ghế, đồ dùng ... Đáng chú ý, tại nhiều trường ở Quảng Bình và Quảng Trị, nước ngập sâu làm hư hỏng trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, đặc biệt mưa lũ đã làm hư hỏng sách vở, dụng cụ học tập của học sinh.

Trước những thiệt hại nặng nề, sở GD&ĐT các địa phương này đã kịp thời có kế hoạch khắc phục.

Ước tính đến chiều 26/10, thiệt hại về cơ sở vật chất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khoảng 98 tỷ đồng, bà Lê Thị Hương cho biết: “Sở GD&ĐT đã có thư kêu gọi các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền, mang những món quà đến cho học sinh, đồng thời huy động các nguồn kinh phí, hỗ trợ những vùng khó, ủng hộ sách vở đảm bảo cho mọi học sinh đều được trở lại trường”.

Theo giải pháp của ông Nguyễn Văn Đức, bên cạnh một số nhà tài trợ ủng hộ sách, những trường có thư viện và tủ sách không bị ảnh hưởng nhiều thì nhà trường có thể đáp ứng trước một phần, cho học sinh học tạm thời, sau đó, có khó khăn thì sẽ khắc phục dần dần.

Chánh Văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cũng nhận định: “Thời điểm này, khó khăn nhất đối với việc cho học sinh đi học trở lại chính là sách giáo khoa. Hiện tại, Sở cũng đã liên hệ với các đơn vị tài trợ, phối hợp với nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số địa phương, kêu gọi quyên góp, hỗ trợ.

Thông qua kêu gọi, sách sẽ được chuyển về Sở và Sở sẽ tiến hành phân bố về các trường, trao đến tay các học sinh để sẵn sàng cho những giờ học sau mưa lũ. Đồng thời, địa phương cũng đã có kế hoạch tiết kiệm các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ học sinh mua sách”.

Khó vận động học sinh đi học sau lũ

Thầy Nguyễn Văn Tý - Hiệu trưởng trường tiểu học &THCS Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) - cho biết, mặc dù lũ đã rút nhưng do địa bàn xã Hướng Việt đang bị chia cắt, cô lập nên công tác khắc phục hậu quả đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, để vào được trường nắm tình hình, thầy hiệu trưởng cùng một số giáo viên phải đi vòng từ Quảng Bình. Đến đoạn rừng núi, các thầy để lại xe máy, trèo rừng lội suối hơn 20 km mới vào đến trường.

“Đặc biệt, trên địa bàn, các em học sinh chủ yếu là người đồng bào, dân tộc thiểu số, cuộc sống rất khó khăn, bình thường để động viên các em đến lớp đã khó, nay gặp cảnh lũ lụt, tàn phá trường lớp, vận động các em trở lại trường sau lũ lại càng khó khăn hơn” - gương mặt người thầy như bỗng trở nên khắc khổ hơn bao giờ.

C.M