Quảng Nam: Sơ tán khẩn cấp hàng trăm người ra khỏi nơi sạt lở

Huy Cường

Mưa kéo dài, gây lũ quét vùng núi chưa từng có tại huyện Tây Giang, Quảng Nam, khiến đồi no nước gây sạt lở khắp nơi, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Đồi no nước, sạt lở khắp nơi

Ngày 23/10, ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang cho biết, thời tiết tại vùng biên giới này đã nắng ráo 2 ngày, nhưng hậu quả đợt mưa bão vừa qua vẫn còn rất nặng nề. Bên cạnh đó, theo dự báo, trong 24h đến 48h tới, Tây Giang tiếp tục có mưa vừa, mưa to do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 8 nên tình hình khắc phục mưa lũ gặp nhiều khó khăn.

Với việc mưa kéo dài, gây lũ quét vùng núi chưa từng có vừa qua khiến đồi no nước, gây sạt lở nhiều nơi. Trên địa bàn Tây Giang có 4 căn nhà hư hỏng trên 50% do ta luy đường sạt lở ập vào. Trong đó, có 3 căn nhà tại Ga’nil, xã Axan và 1 căn tại thôn Arooi, xã Gari.

Nhiều nhà dân được sơ tán.

Chính quyền địa phương cũng di chuyển khẩn cấp 19 ngôi nhà, 14 tại thôn Ganil, xã Axan; 5 tại tại thôn Cha’lăng, xã Ch’ơm, do sạt lở đất ta luy dương và ta luy âm.

Do tình trạng sạt lở, chính quyền cũng sơ tán khẩn cấp 67 hộ với 238 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, ngoài các hộ đã sơ tán do sạt lở trước đó, từ 19/10 đến nay, có 36 hộ với 105 khẩu tại thôn H’júh, xã Ch’ơm; 20 hộ với 78 khẩu tại thôn Ganil, xã Axan; 1 hộ với 5 khẩu tại thôn Arooi, xã Gari và 12 hộ với 50 khẩu tại thôn Nal, xã Lăng đã được sơ tán đến nơi an toàn

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, địa phương này là khu vực có người dân làm nhà dưới chân núi nhiều nên nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến người dân lớn. Việc di dời người dân đang được thực hiện gấp rút vì tình trạng sạt lở và nguy cơ sạt lở khắp nơi.

Rất may mắn, những năm trước, chính quyền địa phương đã chủ động di dời nhiều ngôi làng ra nơi an toàn nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại cho người dân. Ngay mùa mưa bão này, trên địa bàn không có thiệt hại về người.

Cảnh tượng dễ dàng bắt gặp tại Tây Giang trong những ngày này.

Các trường học, nhà Gươl, hội trường thôn, xã được bố trí làm nơi lánh nạn cho người dân. Bên cạnh đó, nhà của người dân ở những nơi an toàn cũng được huy động phục vụ tránh mưa bão. Ngoài việc giữ an toàn cho người dân, chính quyền địa phương còn huy động lực lượng để đưa tài sản như tháo dỡ nhà cửa, trâu bò… đến nơi ở mới. Tất cả người dân phải sơ tán để được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong những ngày tránh, trú.

“Địa phương đã tổ chức kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tuyệt đối không cho nhân dân ra sông, suối bắt cá, vớt cây, chủ động đưa gia súc về nơi trú ẩn an toàn. Địa phương chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm”, vị Chủ tịch huyện thông tin.

Nhiều nơi bị chia cắt vì sạt lở trở lại.

Cũng theo ông Ta, một trong những vấn đề “nóng” hiện tại là nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Trước đó, trên tuyến đường ĐT606, đất trên các ngọn đồi bất ngờ sạt lở, gây ách tắc giao thông. Do đây là con đường huyết mạch, lực lượng chức năng nhanh chóng dọn dẹp, thông tuyến.

Đồi no nước, sạt lở, lấp nhiều tuyến đường

Tuy nhiên, đến sáng 23/10, tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra tại các vị trí này. Lực lượng chức năng đang tập trung phương tiện để đảm bảo thông tuyến. “Trưa nay, đoạn đường này đã thông tuyến tạm thời đến xã Axan, còn 2 xã Ch’ơm và Gari tiếp tục bị chia cắt”, ông Tạ cho hay.

Theo ghi nhận có hơn 20 điểm sạt lở lớn tại các tuyến ĐT ở các xã. Ở nhiều tuyến đường liên xã, giao thông nông thôn, tiếp tục trượt đất đá, đổ ngã cây cối. Chính quyền địa phương tập trung thông tuyến tạm thời. Bên cạnh đó, các địa phương đã và đang vận động nhân dân ra quân thông tuyến tạm thời phục vụ đi lại bằng xe máy.

Lực lượng chức năng cũng cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí sạt lở. Cảnh sát giao thông phối hợp cùng với địa phương tổ chức chốt chặn, hướng dẫn giao thông tại các vị trí xung yếu, các điểm sạt lở lớn trên tuyến giao thông huyết mạch ĐT, ĐH; ngầm tràn; sông suối sâu…

Lực lượng chức năng khẩn trương thông tuyến các tuyến đường.

Huyện hướng dẫn, sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, ngay sau khi xảy ra thiệt hại, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Quản lý đường bộ và đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng triển khai các bước rào chắn, cảnh giới, bố trí người phân luồng, điều tiết giao thông… Các đơn vị này cũng được yêu cầu dốc toàn lực để hốt các phần đất đá tràn lấp mặt đường, rãnh dọc để thông xe, ngăn ngừa phát sinh hư hỏng…

Người dân hỗ trợ người dân trong việc thông tuyến đường.

Theo ông Bhling Mia, địa phương đã chủ động tạm ứng ngân sách để mua dự trữ 30.000 kg gạo, 400kg cá khô và 1.000kg muối nhằm hỗ trợ kịp thời cho nhân dân, đặc biệt là các xã vùng cao biên giới bị chia cắt từ bão số 5 đến nay. Hôm nay, ngày 23/10, lương thực thiết yếu đã vận chuyển đến xã Axan.

H.C