Đã hơn 10 ngày nay, gia đình ông Lô Văn Minh, 53 tuổi, trú bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An phải đi đến nhà người thân ở nhờ. Nguyên do, rạng sáng 18/10 vừa qua, hàng nghìn khối đất đá đổ sập vào khiến căn nhà khang trang của ông bị hư hỏng.
“Khoảng 3h ngày 18/10, sau trận mưa kéo dài nhiều ngày, đất đá từ trên núi bắt đầu đổ xuống. Thời điểm đó vợ chồng tôi đang ngủ, bất ngờ nghe tiếng nổ khá lớn. Quá hoảng sợ, cả hai kéo nhau chạy ra khỏi nhà, đúng lúc này đất đá bắt đầu tràn xuống”, ông Minh nhớ lại.
Nhiều khối đất tràn xuống sau trận mưa dài ngày.
Vợ chồng ông Minh lập tức hô hoán hàng xóm. Ban quản lý bản cũng ngay lập tức phát loa thông báo kêu gọi người dân đến hỗ trợ ông Minh và những hộ có nguy cơ bị sạt lở vận chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Điều đáng nói, theo ông Minh, từ xưa đến nay, khu vực này chưa hề xảy ra sạt lở núi. “Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi đây mà chưa từng chứng kiến vụ sạt lở nào nguy hiểm như vậy. May mà phía sau toàn đất chứ không có đá tảng lớn”, ông Minh nói.
Qua quan sát, ở một góc nhà, bức tường kiên cố đã bị khối đất đá sạt xuống, xé nát. Trong căn nhà khá khang trang, mọi tài sản cũng đã được đưa đi sơ tán. Đi lên hướng sau nhà, khung cảnh tan hoang khi đất đổ xuống.
Bức tường kiên cố đã bị đẩy sập.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Lô Hoài Thông, 72 tuổi, cho rằng nguyên nhân là do thời gian gần đây không còn rừng nên không thể giữ được đất trước tình trạng sạt lở.
“Thời tiết mỗi năm diễn biến thất thường, mưa lớn dài ngày đã khiến đất bị sạt xuống. Trước đây phía trên là rừng nhưng hiện nay đã không còn cây gỗ lớn nữa. Cứ như vậy người dân chúng tôi lo lắm”, ông Thông nói.
Ông Lô Thanh Tuân, Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: “Trước đây cũng có hiện tượng sạt đất khi trời mưa kéo dài nhưng không nghiêm trọng như lần này. Sau khi nhận thông tin, chúng tôi đã xuống kiểm tra và báo cáo với UBND huyện Tương Dương. Có một số hộ ảnh hưởng trực tiếp phải di dời nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm”.
Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết, huyện Tương Dương là địa bàn thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, cũng là địa bàn có số lượng dân cư phải di dời do sạt lở đất khá nhiều.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh cũng như tính cấp bách của việc chủ động phòng chống thiên tai, hàng năm, UBND huyện Tương Dương đều tổ chức rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT-TKCN từ cấp huyện đến cấp cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên gắn với trách nhiệm người đứng đầu các ban, ngành, đơn vị.
Cùng với đó, huyện hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở, báo cáo thực trạng theo Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo; kiểm tra thực tế tại một số xã điển hình; đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ.
“Hằng năm, huyện Tương Dương đã xây dựng phương án huy động lực lượng vật tư, phương tiện; tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an toàn dân cư khi thiên tai xảy ra; phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình xung yếu; phương án phòng, chống bão lụt hạ du các hồ chứa, đặt biệt là sơ tán dân hạ du trường hợp các hồ chứa xả lũ”, ông Kha nói.
Khung cảnh tan hoang sau vụ sạt lở.
Mới đây, ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã có chuyến kiểm tra về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại huyện Tương Dương.
Đánh giá sau buổi kiểm tra, ông Đoàn Hồng Vũ đề nghị: “UBND huyện Tương Dương cần chỉ đạo rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét trên toàn địa bàn huyện; bổ sung vào phương án nội dung phòng, chống dịch bệnh trên người và vật nuôi khi xảy ra lũ lụt, đặc biệt là dịch Covid-19. Cùng với đó, cần tập trung các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu tái định cư để đưa nhân dân vào ở ổn định, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp tới”.
Đồng thời, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng yêu cầu huyện thường xuyên kiểm tra công tác PCTT-TKCN tại các xã, thị trấn, đặc biệt là các nội dung của phương châm “4 tại chỗ”; làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo, dự báo để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Sau cơn bão số 8, trên địa bàn Nghệ An có khoảng trên 20 điểm sạt lở núi lớn nhỏ tràn xuống các tuyến đường, gây ảnh hưởng đến giao thông. Sở Giao thông Vận tải sau đó đã chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông, huy động nhân lực và thiết bị máy móc san sạt lở núi trên các tuyến đường, đảm bảo lưu thông bước 1; yêu cầu các đơn vị quản lý giao thông canh trực, cảnh báo người tham gia giao thông tại các điểm sạt lở núi.
A.N