Sau nhiều lùm xùm, nơi tự xưng “Tịnh thất Bồng Lai” bất ngờ bị kiểm tra hành chính

Ngọc Lài

Nơi tự xưng “Tịnh thất Bồng Lai” có 5 chú tiểu thi Thách thức Danh hài vừa bị chính quyền địa phương kiểm tra hành chính. Sau khi làm việc, đoàn kiểm tra sẽ họp bàn đưa ra hướng xử lý, yêu cầu chủ hộ thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Nơi ở của nhóm người tự xưng tu sĩ

Trao đổi với PV, ông Liêu Văn Bùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xác nhận, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đức Hòa hoàn tất công tác kiểm tra hành chính tại nơi tự xưng "Tịnh thất Bồng Lai", mới đổi tên thành “Thiền am Bên Bờ Vũ Trụ”.

Cũng theo ông Bùng, số người đang sinh sống tại "Tịnh thất Bồng Lai" đông nên đoàn kiểm tra mất khá nhiều thời gian.. Tại đây, đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra tạm trú, hộ khẩu, giấy phép xây dựng, đất đai, vệ sinh bếp ăn tập thể và hoạt động tôn giáo,... Trong tuần tới, đoàn kiểm tra sẽ họp bàn, báo cáo kết quả việc kiểm tra và đưa ra hướng xử lý, yêu cầu chủ hộ thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận của PV, khi đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hành chính căn nhà của bà Cao Thị Cúc (60 tuổi, tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa), những người có mặt tại căn nhà tỏ ra khó hiểu nhưng sau khi được giải thích, họ đã hợp tác với cơ quan chức năng. Căn nhà của bà Cúc đang được ông Lê Tùng Vân (SN 1931) cùng hơn 20 người khác sinh sống, có những hành vi, hình thức hoạt động tôn giáo và tự xưng tu sĩ. Nơi đây còn nuôi dưỡng một số trẻ em cơ nhỡ, mồ côi và gọi các em là “chú tiểu”.

Những người sinh sống tại "Tịnh thất Bồng Lai" làm việc với lực lượng kiểm tra.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cho biết "Tịnh thất Bồng Lai" không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng, tự ý biến gia thành tự. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An không công nhận "Tịnh thất Bồng Lai" và có thông báo khẳng định những người đang sinh sống và sinh hoạt tại đây không phải tu sĩ Phật giáo.

Sau thông báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, những người sinh sống tại hộ dân Cao Thị Cúc vẫn tiếp tục các hoạt động tôn giáo. Do đó, Giáo hội Phật giáo cùng một số tổ chức xã hội khác đã có văn bản đến UBND huyện Đức Hòa đề nghị làm rõ hình thức thờ tự trong cơ sở này nhằm tránh việc ảnh hưởng đến hình ảnh chung của Phật giáo. Trước các yêu cầu trên, UBND huyện Đức Hòa đã thành lập đoàn liên ngành ghi nhận, kiểm tra về mặt hành chính các nhân khẩu đang sinh sống ở “Tịnh thất Bồng Lai”, các hình thức hoạt động thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng nếu có để thông tin rộng rãi, chính xác đến dư luận.

Cơ sở “biến gia thành tự” phát sinh nhiều lùm xùm

Nhắc đến “Tịnh thất Bồng Lai”, 1 người dân sống tại địa phương chia sẻ: “Thời gian đầu, chúng tôi không thấy nơi đây giống tịnh thất hay chùa chiền nhưng dần dần, số người sống ở đây tăng lên và có một số hoạt động trưng bày, thờ cúng như người nhà Phật. Người lớn, trẻ nhỏ ở đây đều tự xưng tu sĩ, chú tiểu, đặc biệt có 1 cụ già thường được gọi bằng trụ trì, thầy”.

Người này cho biết thêm, từ năm 2014, những người có mặt ở “Tịnh thất Bồng Lai” bắt đầu tham gia các cuộc thi Bolero, Giọng hát Việt Nhí, Thách thức danh hài nên được mọi người chú ý hơn. Từ đây, nhiều người từ các địa phương đến thăm hỏi, cúng bái rất đông. “Ngày nào cũng có xe hơi, xe khách chở bà con Phật tử từ nơi khác đến đây. Họ nói mến mộ tài năng và xót thương cho thân phận côi cút của các chú tiểu nên đến thăm và tặng quà”, người này tiết lộ.

Ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa cho biết: “Sau khi có 1 người phụ nữ từ TP.HCM xuống địa phương mua đất, xây nhà, một số người cũng đến sống và tu hành. Phát hiện địa điểm này có hình thức hoạt động tôn giáo, chúng tôi đã xuống làm việc. Tuy nhiên, những người ở đây giải thích rằng, họ chỉ tu tại gia. Tháng 10/2019, nơi đây từng xảy ra vụ nhóm người gần 50 người tìm đến tìm con gái rồi xô xát. Chính quyền địa phương và cơ quan công an đã vào cuộc làm rõ".

Sau lùm xùm, "Tịnh thất bồng lai" đổi tên thành "Thiền am Bên Bờ Vũ Trụ".

Tuy nhiên, theo 1 cán bộ Công an huyện Đức Hòa, quá trình tìm hiểu vụ việc gặp rất nhiều khó khăn. Khi công an mời đến làm việc, nhóm người của “Tịnh thất Bồng Lai” luôn quay hình phát lên mạng xã hội, cũng như có hành động gây rối trật tự. Trước hành vi chưa chuẩn mực của họ, cơ quan công an chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở.

Ngoài vụ việc vừa nêu, theo tìm hiểu của PV, “Tịnh thất Bồng Lai” còn phát đi nhiều thông tin đồn thổi như xuất hiện hoa ưu đàm linh thiêng, thu hút nhiều người đến xem.

Đặc biệt, “Tịnh thất Bồng Lai” dính đến các lùm xùm tham gia thi thố các cuộc thi của ngành giải trí. Cụ thể, hai người tự xưng "sư thầy" của tịnh thất tham gia cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca. Vào thời điểm trên, ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An ra thông cáo nêu rõ: “Hai sư thầy hát Bolero và sư thầy trụ trì chùa Bồng Lai, Hòa thượng Thích Tâm Đức (ông Lê Tùng Vân – PV), là những nhà tu giả danh”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An nhấn mạnh, giới luật nhà Phật không cho phép, không chấp nhận bất kỳ cá nhân nào đã xuất gia, từ tăng, ni đến chú tiểu tham gia hoạt động thi văn nghệ, ca hát trong các chương trình thi thố thế tục. Thế nhưng nơi đây tiếp tục “đào tạo” 5 chú tiểu tham gia Thách thức danh hài và giành giải thưởng 100 triệu đồng. Từ đây, “Tịnh thất Bồng Lai” được nhiều người biết đến và vướng nghi vấn dựa vào sự nổi tiếng của nhóm 5 chú tiểu để trục lợi.

N.L