Sinh con không tình yêu - với nhiều người - đó là lối sống tự do, không vướng bận nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm gia đình. Nhưng mặt khác, hình thức này cũng bị chỉ trích là hành vi ích kỷ, thiếu đạo đức.
Cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng xoáy danh vọng, vật chất, chủ nghĩa cá nhân, khiến cho những quy tắc, giá trị cơ bản vốn là rường cột tạo nên cấu trúc xã hội qua nhiều thập kỷ ngày càng bị mai một. Gia đình là tế bào xã hội, mỗi gia đình được đặt nền móng bởi hai con người đồng điệu, thương yêu nhau, họ xây dựng tổ ấm và thực hiện nghĩa vụ duy trì nòi giống. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi việc có một đứa con lại chỉ mang tính hình thức, nhờ vả như thể một món hàng?
Theo tờ The Guardian, có một trào lưu mới đang ngày càng nở rộ trong xã hội hiện đại, đó là hợp tác để sinh con mà không cần tình yêu. Vì không muốn mất thời gian cho yêu đương, lo hôn nhân đổ vỡ, gánh nặng tài chính hay sợ ràng buộc nhưng vẫn muốn có con, nhiều người tìm đến dịch vụ "đồng phụ huynh".
Đó là câu chuyện của Jenica Anderson (Mỹ) và Stephan DuVal (Canada). Anderson là nhà địa chất còn Duval làm nghề quay phim. Họ đều đã gần 40 tuổi, không có nhu cầu tìm người yêu mà chỉ muốn có con. Khi xem hồ sơ của nhau trên mạng, cả hai nhận thấy có nhiều điểm chung về sức khỏe và giáo dục, thu nhập ổn định.
Sau những lần trò chuyện thâu đêm, Anderson bay đến gặp DuVal. Họ tâm sự, đi bộ đường dài và bơi lội cùng nhau. Mọi thứ giống như một buổi hẹn hò, trừ việc cả hai cởi mở với mong muốn có con sớm mà không cần trải qua mối quan hệ lãng mạn hay phí thời gian cho những công đoạn tán tỉnh, yêu đương. Họ sẽ nuôi dạy con cái một cách thuần túy, không ràng buộc tình cảm, thậm chí không sống chung.
Xu hướng này ban đầu xuất hiện trong cộng đồng đồng tính nam và ngày càng phổ biến với những người dị tính từ năm 2015 trở lại đây. Các "đồng phụ huynh" chủ yếu tìm đối tác thông qua các trang web. Những người có nhu cầu “sinh con không tình yêu” nhận thấy đây là lựa chọn phù hợp với mong muốn của bản thân, nhưng các chuyên gia vẫn đang xem xét những ảnh hưởng tiêu cực của hình thức này.
Theo các nghiên cứu, một đứa trẻ là kết quả của mối quan hệ không tình cảm giữa bố và mẹ sẽ không được thừa hưởng môi trường ổn định để phát triển. Bên cạnh đó, người ngoài cuộc cũng nhìn nhận xu hướng này ở khía cạnh đạo đức, khi đứa trẻ được sinh ra giống như một sản phẩm đầy tính toán.
Cũng có những trường hợp kịch bản không đi theo ý muốn ban đầu là mối quan hệ không ràng buộc, chỉ mang tính trách nhiệm với con cái. Có người sau quá trình có con bắt đầu nảy sinh tình cảm, khiến đối tác bối rối. Cả hai tranh cãi nhau và cuối cùng dẫn đến đổ vỡ, lao vào cuộc chiến giành nuôi con.
Cách đây không lâu, một chàng trai sinh năm 1982 ở TP.HCM đã đăng tải bài viết tìm người cùng hợp tác sinh con trên một diễn đàn đông đảo của giới trẻ. Người này cho biết, anh có tư tưởng sống độc thân nhưng mình vẫn thích có một đứa con. Tuy nhiên, do không muốn tìm đến dịch vụ đẻ thuê vì bé sinh ra sẽ thiếu đi tình thương của mẹ, anh muốn tìm một bạn gái có chung ý tưởng để thực hiện.
Bài viết đã vấp phải những tranh cãi trái chiều, người thì cho rằng đó là lối sống phóng khoáng, tự do nhưng vẫn thể hiện được trách nhiệm con cái. Người phản đối thì coi đó là suy nghĩ ích kỷ, chỉ thỏa mãn ý muốn bản thân. Bên cạnh đó, có câu hỏi được đặt ra là liệu quan hệ không tình cảm giữa hai người liệu có duy trì bền vững cho đến khi đứa trẻ trưởng thành hay không. Bởi, một đứa trẻ ra đời là sinh linh quý giá, không phải là thú cưng để nay sinh ra, mai vứt bỏ theo tâm trạng của cha mẹ.
Không có thống kê nào cho biết có bao nhiêu em bé ra đời từ những mối quan hệ "đồng phụ huynh" không ràng buộc tình cảm như vậy. Vì là xu hướng mới nên hệ lụy của nó là tích cực hay tiêu cực sẽ còn phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa, khi những đứa trẻ “thử nghiệm” lớn khôn, chúng sẽ nói về cảm nhận của mình về cuộc sống lạ lẫm ấy. Nhưng có một điều chắc chắn, chúng là những đứa trẻ thiệt thòi.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.