Trao đổi với phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Võ Huy Cường - Cục phó cục Hàng không Việt Nam - cho biết, liên quan đến đề xuất mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19 của hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, cục Hàng không Việt Nam đã làm việc với nhà chức trách của 6 quốc gia trên thế giới đã kiểm soát được dịch Covid-19 và bàn thảo một số quy định để phòng ngừa.
Bước đầu, các nước này đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, đều thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm Covid-19. Thời điểm mở đường bay quốc tế và quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch,… sẽ do ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch quyết định.
Theo hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 7/2020, trong khi các đường bay quốc tế vẫn đang phải tạm dừng hoạt động thì dịch Covid-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương dẫn đến nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột. Nhiều hãng hàng không đứng trước nguy cơ phá sản nếu không được giải cứu kịp thời. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp thành viên hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các ban, bộ, ngành.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị mở lại đường bay quốc tế với các nước đã kiểm soát được dịch Covid-19.
Trước thực trạng trên, bên cạnh các đề xuất giải pháp hỗ trợ như tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng ưu đãi đặc biệt, kéo dài miễn giảm nhiều loại thuế, phí,… Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay quốc tế trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19 để sớm khởi động lại thị trường. Song song, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.
Chia sẻ với PV, chuyên gia giao thông, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, nếu Chính phủ thông qua đề xuất mở lại một số đường bay quốc tế thì các khu cách ly tập trung sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong khi cơ sở vật chất tại đây chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của du khách quốc tế. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng các khách sạn 4 sao, 5 sao hay các khu resort đang bỏ trống để áp dụng cách ly có thu phí đối với du khách quốc tế khi nhập tịch vào Việt Nam?
“Trên thực tế, việc sử dụng khách sạn để làm khu cách ly cũng đã được áp dụng tại TP.Hồ Chí Minh và đạt hiệu quả tích cực. Việc sử dụng khách sạn để làm nơi cách ly có thu phí vừa giải quyết được nhu cầu của những người không may bị cách ly, vừa giảm tải gánh nặng cho các điểm cách ly tập trung và đem lại thu nhập cho các đơn vị kinh doanh nước nhà”, GS.TS Từ Sỹ Sùa chia sẻ.
Cùng trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, ông Bùi Đức Thụ - thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - lại cho rằng, nguyên tắc số một của mỗi quốc gia là đảm bảo an toàn cho người dân, không thể vì lợi ích kinh tế mà ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Do đó, cần phải nghiên cứu, xem xét việc mở lại một số đường bay quốc tế cũng như sử dụng khách sạn, resort làm khu cách ly với hành khách có nhu cầu.
Ông Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Ông Thụ cho biết: “Biết rằng việc tận dụng khách sạn đang bỏ trống để làm khu cách ly có trả phí vừa làm giảm áp lực cho các điểm cách ly tập trung của nhà nước, vừa đem lại thu nhập cho đơn vị kinh doanh nhưng cần phải lưu ý rằng các khu cách ly dịch Covid-19 có những tiêu chuẩn khắt khe mà không phải khách sạn nào cũng đáp ứng được. Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng về việc dùng khách sạn làm điểm cách ly, tránh tình trạng lợi bất cập hại khiến tình hình dịch bệnh càng trở nên phức tạp”.
Trả lời về câu hỏi nên hay không áp dụng thu phí đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ông Thụ cho rằng, phần lớn những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là những chuyên gia, người lao động có tay nghề cao,… có thu nhập ổn định. Vì vậy, những đối tượng người nước ngoài chẳng may phải thực hiện cách ly, chữa trị về dịch Covid-19 tại Việt Nam nên phải chịu các khoản chi phí khám chữa bệnh theo quy định hiện hành.
Trong trường hợp người nước ngoài chữa bệnh tại Việt Nam mà họ có bảo hiểm sức khỏe, những viện phí ở Việt Nam có thể được bồi thường do hãng bảo hiểm chi trả. Trong trường hợp đó, mình có thể yêu cầu công dân nước ngoài được chữa trị ở Việt Nam hoàn trả tất cả chi phí cách ly cho Việt Nam thông qua hãng bảo hiểm của họ.
“Mặc dù thời gian qua, Việt Nam cũng đã có những bước tiến nhất định về kinh tế, thế nhưng về cơ bản chúng ta vẫn là một nước nghèo. Do vậy, Việt Nam không thể tái bao cấp cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có điều kiện kinh tế phát triển hơn khi thực hiện cách ly, điều trị Covid-19”, ông Thụ nhấn mạnh.
Theo Quyết định 1246/QĐ-BYT của bộ Y tế, để áp dụng cách ly y tế tập trung, khách sạn cần đáp ứng các tiêu chí như: Chỉ phục vụ mục đích cách ly phòng, chống Covid-19, không phục vụ mục dích khác; đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu (điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm); đảm bảo thông thoáng khí; đảm bảo an ninh, an toàn; đảm bảo phòng chống cháy nổ; thuận tiện cho việc đi lại vận chuyển người được cách ly, tiếp tế hậu cần và vận chuyển chất thải đi xử lý; nếu có điều kiện thì trang bị tivi và Internet cho từng phòng cách ly.
N.L