"Hy vọng vào điều tốt đẹp nhất, đón nhận sự tồi tệ nhất", luôn bình tĩnh, lạc quan giữa đại dịch Covid-19 là tâm thế của rất nhiều người lúc này, trong đó có chị Nguyễn Thị Minh Phương, giảng viên người Việt ở Đại học Masachusetts, Boston, Mỹ. Báo Người Đưa Tin trân trọng đăng tải những chia sẻ của chị từ nước Mỹ xa xôi để thấy có một "cuộc chiến tuyệt đẹp" giữa thời "Cô Vy".
Chưa bao giờ có một kì nghỉ xuân buồn như thế này. Tôi có lo không? - Có. Có sợ không? – Không sợ lắm. Có buồn không? – Rất buồn. Có lạc quan không? – Rất tin vào những điều kỳ diệu không gì giải thích nổi.
Ngồi trong nhà mấy ngày liền. Chỉ ra đường mua thực phẩm. Siêu thị cạnh nhà Star Market đông nghịt ngay sau khi thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 10/3/2020. Phố xá vắng tanh. Ga tàu điện ngầm lác đác vài người, ngay cả trong giờ cao điểm. Hiệu thuốc Walgreen – cháy hàng, đặc biệt là các món hàng: giấy vệ sinh, nước rửa tay, găng tay và các loại nước sát trùng. Hiệu thuốc CVS: hàng mới nhập về chỉ sau 20 phút là sạch trơn. Đồ ăn khô để được lâu cũng hết: mỳ ống, macaroni, mỳ tôm và đồ hộp. Tuy nhiên với tôi, một người đã sống qua những năm tháng chiến tranh và thời bao cấp thì các giá hàng vẫn còn đầy ắp bánh mì, thịt bò, thịt lợn và xúc xích... vẫn còn là thiên đường mơ ước.
Đường phố ở Mỹ vắng lặng mùa dịch covid
Nhưng tôi rất lo, lo cho con mình, hai đứa, mỗi đứa một châu lục. Ngộ nhỡ có chuyện gì, làm sao tôi sang châu Âu thăm con được. Lo cho gia đình lớn, anh chị em và những người thân. Lo nhất là sẽ chết đói, nếu tình hình này kéo dài. Nền kinh tế trên toàn thế giới suy kiệt. Và gia đình mình, anh chị và các cháu mình sẽ sống thế nào? Những người thân trong gia đình và bạn bè ở độ tuổi mong manh, dễ bị virus tấn công nhất... sẽ chống trả ra sao?
Tôi không sợ lắm. Có lẽ tôi đã trải qua nhiều đau đớn, bệnh nan y và phải oằn mình trong những thời điểm cam go nhất, nên thử thách này không đáng kể. Nhất là trong cuộc chiến này, tôi có biết bao người xung quanh cùng “vào trận”: Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô giáo, học trò và cả những người bạn trên FaceBook, tôi chưa gặp bao giờ, chỉ quen nhau qua những bài viết. Hơn nữa các chính phủ khắp nơi trên thế giới đều nỗ lực và ra những quyết sách, bằng mọi giá đẩy lùi sự lây lan của con virus ghê gớm này. Sự hiểu biết không nhiều lắm về Covid-19, nhưng ý thức được sự nguy hiểm của nó cũng như cách phòng tránh, cho tôi một sự an lòng rằng mình đã “Try my best, God will do the rest” – đã nỗ lực hết sức, phần còn lại là do Chúa”.
Tôi rất buồn. Khi Đại học Massachusetts Boston chuyển sang hình thức học online, trong 2 tuần, rồi kéo dài cho đến hết năm học, tôi bâng khuâng vô cùng. Hoá ra tôi yêu nghề dạy học hơn bao giờ hết. Tôi nhớ từng gương mặt sinh viên mà tôi hy vọng sẽ gặp lại họ trên giảng đường sau 2 tuần nữa. Mọi hoạt động nghề nghiệp thay đổi chỉ trong chớp mắt.
Tôi cũng thật buồn khi xem những video về cách hành xử của mọi người, đọc những bài viết và bình luận của cộng đồng mạng, tôi hiểu được tư duy, thái độ và hành vi của cá nhân cũng như của đám đông. Rất nhiều điều làm cho tôi phải thay đổi cách ứng xử cũng như cách nhìn nhận về con người và xã hội. Trong thời khắc gian khó này, tôi nhận ra biết bao người bạn trân quý, dũng cảm và bao dung.
Tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp vì đã có lúc tôi gần như không nhìn thấy gì. Rồi tôi lại thấy trời xanh biển biếc mà chỉ giải thích được bằng “Sự diệu kỳ”. Thượng Đế đã từng thử thách tôi, và tôi đã vượt qua sự thử thách đó. Phải chăng Thượng Đế đang thử thách nhân loại? Bắt chúng ta phải cùng nhau bình tĩnh, tự tin và lạc quan vượt qua. Câu nói của bà hiệu trưởng trường UMass Boston: “Hope for the best, expect for the worst – Hy vọng vào điều tốt đẹp nhất, đón nhận sự tồi tệ nhất” – luôn ở trong suy nghĩ và hành động của tôi lúc này.
Tái Bút: Đi mua đồ ăn, được cửa hàng tặng một bó hoa lily, toàn nụ, sau hai ngày nở tưng bừng. Thấy cuộc đời trong thời chiến vẫn tuyệt đẹp.
Nguyễn Thị Minh Phương, Bộ môn Ngôn ngữ học đương đại, Văn hoá và Văn học, Đại học Masachusetts, Boston, Mỹ.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.