Tết là để sống chậm

“Tết nhất đến nơi rồi!” – câu khẩu ngôn của người người, nhà nhà vô hình trung trở nên lời hiệu triệu để mỗi người nhích thêm một nhịp trong cuộc sống vốn dĩ đã quá gấp gáp. Trong khi, Tết lẽ ra là để sống chậm…

Chiều cuối năm, ngồi chờ điện thoại “ting – ting” mang theo khoản thưởng Tết cuối cùng để mua sắm nốt vài thứ lặt vặt trước khi về quê, người phụ nữ trung niên vô tình lướt mạng và đọc được vài câu chuyện đáng buồn.

Có người đàn ông lịch lãm, đi ô tô sang trọng biển số Bình Dương, lại làm cái chuyện đáng hổ thẹn lúc nửa đêm là bê trộm hai chậu hoa cúc trước cửa một ngôi nhà đang chìm trong giấc ngủ.

Mấy hôm trước, một cô gái trẻ là chủ shop quần áo ở Hà Nội, nhẫn tâm chẹt xe máy lên mẹt hoa quả của bác bán hàng rong trên vỉa hè chỉ vì bác này ngồi trước cửa shop của cô. Hành động trên được một cô gái khác quay clip và đăng lên mạng xã hội khiến cả triệu người lên án, tẩy chay.

Người phụ nữ trung niên trộm nghĩ, giá cô gái trẻ nhấn ga chậm đi một nhịp, có lẽ đã nghe thấy tiếng bác bán hàng rong đáng tuổi mẹ mình đang rên xiết: “Cho bác xin… cháu ơi… thôi!!”. Biết đâu lời năn nỉ thống thiết của người đàn bà mưu sinh lam lũ ấy lại chẳng làm cô chạnh lòng mà tha cho mấy quả táo ta, dăm quả cam héo khỏi chịu cảnh tan nát dưới bánh xe của mình.

Cũng như người đàn ông lịch lãm kia, nếu trí khôn của anh ta thắng thế lòng tham dù chỉ một nhịp, hẳn anh ta đã kịp ngước nhìn lên hiên nhà nọ và phát hiện ra rằng có camera.

Thế thì sẽ chẳng có những chuyện bất nhẫn giữa người với người như vậy.

Sáng nay, chính người phụ nữ trung niên cũng đã suýt làm một chuyện hồ đồ. Đi đến cây ATM thứ 5 nhưng không rút được tiền, chị bực bội rút điện thoại chụp lại địa chỉ cây ATM đó, chuẩn bị post lên mạng và trút vào đó tất cả những ức chế lẫn phán xét của mình về năng lực, thái độ phục vụ của ngân hàng nọ. May thay, khi chị chuẩn bị nhấn nút gửi thì quay lại nhìn thấy một cán bộ công an, một nhân viên ngân hàng áp tải bao tiền ra xe. Hoá ra họ vừa gián đoạn hoạt động ít phút để tiếp thêm tiền vào cây.

Sau đó, mải suy nghĩ, người phụ nữ bỗng giật nẩy mình vì bị một bác xe ôm công nghệ đi phía sau tông phải, ngay trước vạch dừng đèn đỏ. “Tết nhất đến nơi rồi… muốn chết à?”, anh ta đã vượt đèn đỏ đâm vào chị lại còn ném cho chị câu nói cáu kỉnh đó.

“Tết nhất đến nơi rồi!” – câu này nghe quen quá! Hình như ai cũng vì một thứ vô hình mang tên là “Tết nhất” rượt đuổi phía sau để phải gấp gáp thêm một chút.

Bác tài xế xe ôm khẳng khái vượt đèn đỏ ở ngã tư vắng bóng cảnh sát giao thông, với niềm tin nếu sống gấp hơn một, hai phút chờ đợi tưởng như vô nghĩa, biết đâu vài lần như vậy sẽ có thêm một cuốc xe trong ngày.

Dăm ba bịch rác chỏng chơ trên đường vô tình tố cáo những vị chủ nhân không thể chờ đến khi xe rác đến và gõ kẻng.

Đều là những ví dụ minh chứng cho quy luật: người này sống nhanh hơn một chút thì kẻ khác phải vì thế mà sống chậm hơn một chút. Chị nhân viên vệ sinh môi trường hẳn là sẽ phải kéo dài ca làm hơn dự định nếu hôm đó có nhiều bịch rác được vứt tuỳ tiện trên đường. Một người đi sai đường khi vượt đèn đỏ sẽ kéo theo nhiều người đi đúng đường phải chờ đợi vô lý.

Và, sự văn minh, tử tế cũng sẽ đến chậm hơn so với kỳ vọng của nhiều người. Đó là điều đáng buồn.

Trong trí nhớ của mình, người phụ nữ bất giác nghĩ đến một người đàn ông ngoại quốc từng được báo chí ca ngợi khi ngày ngày miệt mài vớt những chiếc bao cao su nổi lềnh bềnh cùng những con cá bị bức tử tại một cái hồ lớn của thủ đô. Hay một người đàn ông Việt kiều ở Quảng Bình bị mệnh danh là “khùng” khi dành tới hai năm đi thu gom rác tại các bãi biển và hướng dẫn người dân để rác đúng nơi quy định.

Nghĩ thế, chị thấy mình bớt cáu kỉnh hơn nếu không bắt được chuyến xe sớm nhất để về quê ăn Tết. Và trong khoảng thời gian ngồi trên xe đường dài, chị sẽ hình dung về một cái Tết chậm rãi ra sao.

Chị sẽ đợi cho bọn trẻ thức dậy khi nào chúng muốn, sau cả năm phải bật dậy đúng giờ để đi học như một cái máy. Chị cũng sẽ đợi để làm theo những lễ nghi rườm rà của bà mẹ chồng ở quê, bởi chị hiểu bà đã phải chờ đợi quá nửa cuộc đời mới tìm được người chia sẻ gánh nặng trách nhiệm là chị.

Suy cho cùng, cuộc sống sẽ bớt thi vị hơn nếu thiếu đi sự chờ đợi. Một ít cây hoa sữa Hà Nội bỗng dưng ngào ngạt vô lý giữa tiết trời mùa hạ vô tình khiến hàng trăm đồng loại của chúng bị bứng lên làm nền cho mùi xú uế của bãi rác Nam Sơn.

Chờ đợi vài phút thôi, biết đâu cô gái trẻ đã chẳng trở nên kẻ nhẫn tâm vô cảm giẫm đạp lên cuộc mưu sinh lam lũ của người phụ nữ đáng thương, người đàn ông đi ô tô đã chẳng đánh đổi sự lịch lãm lấy những phán xét của người đời vì lòng tham lam, sự ích kỷ của mình.

Đợi nhau, thứ tưởng chừng chỉ vì người khác, hoá ra trước hết lại là vì chính mình. Đợi, suy đến cùng, chính là để giữ được cái bình ổn, thư thái, tử tế trong tâm hồn.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tình người trên những chuyến tàu Bắc Nam ngày cuối năm

Thứ 6, 24/01/2020 | 08:30
Những hàng khách đỡ đần nhau, cán bộ nhân viên tàu hỗ trợ khách. Hình ảnh những chàng nhân viên SE trẻ cõng cụ già, thồ những bao hành lý giúp người dân dường như đã quá quen thuộc trong mắt mọi người.

Tết đi đón người thân hay thương cái sân bay?

Thứ 5, 23/01/2020 | 07:30
Có những ý kiến cao thượng cho rằng, để thương cho cái sân bay đỡ kẹt cứng, chật chội, chúng ta hãy đi đón người thân về quê ăn Tết ít thôi.

Tết, khi chúng ta đi tìm căn cước của đời mình

Thứ 3, 21/01/2020 | 07:15
Dù 8km hay 8000km, dù gần hay xa, nhưng chỉ cần thấy hương vị Tết, những đứa con ở khắp mọi miền đều giũ bỏ bụi đường quay về với nơi được gọi là nhà.

Văn khấn Táo quân thời bụi mịn

Thứ 6, 17/01/2020 | 12:05
Văn khấn Táo quân (bản phóng tác) của thần dân nước Việt để báo cáo thành tựu và hạn chế trong năm 2019.

Thấy gì từ tác động bất ngờ của quy định Cấm uống rượu bia lái xe?

Thứ 3, 14/01/2020 | 08:08
Hai tuần sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) có hiệu lực, thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe" trở thành câu chuyện được bàn tán ở khắp nơi.

Thưởng Tết lớn chỉ làm cho người lao động ỷ lại

Thứ 4, 08/01/2020 | 08:55
Cứ đến cuối năm là người người lại xôn xao kháo nhau xem doanh nghiệp nào thưởng Tết khủng hơn và coi đó như thang điểm để chấm mức độ thành công cũng như sự hào phóng của chủ doanh nghiệp. Sau khi đọc bài viết "Thưởng Tết 30.000 đồng và nước mắm: Cái Tết đã đói lại mặn", tôi xin đưa ra vấn đề để lập luận: Vì sao doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động?

Ăn Tết Tây: Cầm ly hay cầm lái?

Thứ 4, 01/01/2020 | 15:17
Có bao nhiêu người sẽ chọn tiệc tùng không bia rượu hôm nay? Bao nhiêu người chọn bia rượu và chấp nhận đi taxi về nhà? Một sự thử thách ngặt nghèo, nhưng không phải là không có giải pháp.