Bao nhiêu “tiến sĩ giấy” đi ra từ “lò ấp”?

Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015- 2019.

Tranh minh họa.

Thông tin này khiến dư luận khá quan tâm bởi những lùm xùm về “lò ấp” tiến sĩ, “công nghệ” sản xuất tiến sĩ đã được báo chí, mạng xã hội nhắc đến khá nhiều. Tình trạng “lạm phát” tiến sĩ ở ta mỗi ngày một nóng, tiến sĩ nhiều đến độ người ta phải thốt lên ở xứ mình nhiều người có học vị tiến sĩ một cách rất… phi thường?!

Nhìn lại “lò” đào tạo tiến sĩ của học viện KHXH thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong 2 năm 2015 và 2016 cho xuất lò 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ. Như vậy, mỗi năm “lò” này “sản xuất” 350 tiến sĩ, tính trung bình gần 1 tiến sĩ mỗi ngày.

Nhìn vào con số ấy, tôi tự hỏi, tiến sĩ sẽ đi đâu, về đâu và liệu chúng ta có thể “xuất khẩu” tiến sĩ hay không? Phải chăng có tình trạng đua nhau đào tạo tiến sĩ để đáp ứng “quan hệ cung- cầu” chứ không phải do đòi hỏi của thực tiễn khách quan trong nghiên cứu khoa học? Tiến sĩ ngày một nhiều nhưng phát minh sáng chế thiết thực cho cuộc sống xem ra lại ít. Những sáng chế máy công cụ nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi lâu nay hầu hết đều do những người nông dân phát minh ra.

Còn nhớ, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT từng lên tiếng về thực trạng tiến sĩ “ra lò” như ấp trứng. Ông nói: “Ngày nay không ít cán bộ đua nhau đi học tiến sĩ hoặc động cơ học tiến sĩ là để thăng quan tiến chức”. Đáng tiếc, phẩm chất và tư duy của 1 tiến sĩ dường như không trùng với những điều kiện cần phải có của 1 “công bộc” vì dân. Lối tư duy học để làm quan từ thời phong kiến đã lỗi thời trong 1 xã hội dân chủ, văn minh.

Tranh minh họa.

Tiến sĩ nhiều, đúng ra trình độ nền khoa học và công nghệ nước nhà phải ngày một lớn mạnh, hàm lượng chất xám trong mọi sản phẩm và dịch vụ, trong nền hành chính phục vụ nhân dân phải gia tăng tương xứng. Chỉ khi đó 2 từ tiến sĩ mới được xã hội trân quý, xứng đáng là nhân tài, là nguyên khí của quốc gia. Đằng này, tiến sĩ “ra lò” không biết dùng tấm bằng vào việc gì, có áp dụng đề tài khoa học của mình vào ứng dụng trong thực tiễn hay chỉ để… “trang trí”?

Nhắc đến “lò ấp tiến sĩ” mới hay người Việt cũng thật sính bằng cấp. Tiến sĩ nhưng hữu danh vô thực thì mấy ai trân trọng? Viết đến đây, người viết lại sực nhớ đến nhà thơ trào phúng Tú Xương khi xưa đã lên án về việc học và công nhận bằng cấp của xứ mình thuở ấy: “Ông đỗ khoa nào, ở xứ nào/Thế mà hoa, hốt, với trâm, bào?/Mỗi năm mỗi tết trung thu đến/Tôi vẫn quen ông, chẳng muốn chào”.

Ở đâu đó, những “tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” đang làm mất đi vị thế cao cả của những người có học vị cao, làm ảnh hưởng đến những người có cùng học vị mà học hành đàng hoàng và đang ngày đêm cống hiến cho sự phát triển của nước nhà.

Đã từ lâu, dư luận vẫn ì xèo chuyện mua bán bằng cấp, vì thế việc thanh tra viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được kỳ vọng sẽ truy đến cùng có hay không “tiến sĩ giấy” đi ra từ "lò ấp"? Những ai sử dụng bằng cấp "lò ấp" thì cũng cần bị tẩy chay, lên án.

Hương Lan *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ là tiếp nối của đề án 20.000 tiến sĩ

Thứ 5, 16/11/2017 | 12:54
“Đề án đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng không phải là đề án mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.