“Thần y online” sống bằng sự cả tin của người khác

Những ngày qua, những kẻ tự xưng “lương y”, “thần y” đang càng lúc càng trở nên lộng hành hơn trên mạng xã hội, kể cả khi báo chí vào cuộc để vạch trần những kỹ nghệ tạo “thần y”.

Gần đây, mạng xã hội YouTube, Facebook liên tục xuất hiện nhiều đoạn video về những “lương y”, “thần y” với bài thuốc bí truyền, cam kết chữa hết 100% bệnh tật và sẽ hoàn tiền nếu trong vòng 3 tháng không khỏi bệnh… Đáng nói, ngày càng nhiều bệnh nhân trở thành nạn nhân, trong khi những kẻ chỉ cần hô biến, tạo ra “thần y” chỉ bằng mấy clip cắt ghép thì vẫn đang nhởn nhơ hốt bạc.

“Mắt xích” đầu tiên trong chiêu trò hô biến “thần y” của những kẻ lừa đảo này chính là tự xưng là nhân viên một trung tâm y tế sức khỏe nào đó, mời gọi các Youtuber có lượt theo dõi đang tăng, tham gia quay video quảng cáo với thù lao ấn tượng. Sau đó, chúng sẽ cắt ghép để tạo nên những thước phim “ăn tiền”. Đó là những đoạn quảng cáo sai sự thật, phóng đại, tung hê về mọi công dụng của bất kỳ bài thuốc nào muốn đề cập.

Cứ như vậy, những kẻ lừa đảo có trong tay những bài thuốc trị bách bệnh, mà thực tình, vốn dĩ chẳng hề tồn tại. Những người được thuê để quay clip quảng bá tay nghề bốc thuốc “cứu nhân độ thế” được chúng xưng danh cho là “lương y” này, “thần y” kia… nhưng thực tế, chính những “lương y”, “thần y” ấy còn chẳng biết đến khả năng của mình.

Quảng cáo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Đến những bệnh nhân may mắn được trị khỏi bệnh trong mỗi video cũng là giả, chỉ là những diễn viên diễn theo đúng kịch bản được chuẩn bị sẵn.

Từ một nông dân bình thường, từ một người phụ nữ vốn chẳng biết gì về y dược, bỗng chốc trở thành “thần y” nổi tiếng trên mạng xã hội. Có “thần y” còn nổi lên với tài chữa bệnh ung thư, ngày nào cũng nườm nượp khách đặt thuốc online, nhưng hàng xóm xung quanh nhiều người bị ung thư thì vẫn chưa chữa khỏi được cho ai?!

Với những thủ đoạn lừa bịp trắng trợn như trên đã khiến những kẻ chỉ cần bỏ một khoản tiền ra dàn dựng video là sẽ thu về hàng ngàn đơn thuốc mỗi ngày, thậm chí, không chỉ bán trong nước mà thuốc còn được cả người Việt ở nước ngoài đặt mua.

Và những quảng cáo thuốc “dỏm” thì vẫn cứ được đà, ngày càng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, lại càng lừa thêm nhiều bệnh nhân trở thành nạn nhân “tiền mất, tật mang”. Thậm chí, nhiều người nhẹ dạ, cả tin, còn giới thiệu thuốc cho người khác để được hưởng phần trăm hoa hồng.

Thu được nguồn lợi lớn đến thế, mà tuyệt nhiên những kẻ bán thuốc “dỏm” này không bao giờ chịu lộ diện, bất cứ khi nào bệnh nhân hỏi địa chỉ bốc thuốc, đều sẽ nhận được câu trả lời “chỉ giao dịch online”. Cứ thế, tiền chảy vào đầy túi những kẻ lừa đảo, mà các nạn nhân sau khi biết mình bị lừa cũng chỉ biết khóc ròng…

Vẫn biết, những quảng cáo về thầy thuốc lừa gạt lòng tin của khách hàng đã tồn tại từ nhiều năm, nhưng thật không ngờ, đến nay, lại rầm rộ như vậy.

Liên quan hiện tượng nhiều người tự xưng “lương y”, “thần y” chữa bách bệnh trên mạng xã hội, quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng, hoạt động khám chữa bệnh không phép, ngày 30/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2154 nêu rõ, Thủ tướng giao bộ Y tế chủ trì, phối hợp với bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.

Khi vừa “ngửi thấy mùi” có dấu hiệu “bứt dây động rừng”, các đối tượng nhanh chóng xóa hàng loạt video quảng cáo lừa đảo kia, rồi nháy nhau “Chờ mọi chuyện êm xuống, sẽ lại tung video ra”.

Với những kẻ ranh mãnh như vậy, nếu chỉ chờ các cơ quan chức năng xử lý, e là không đủ. Những “thần y” online này có thể tồn tại được, có thể bán thuốc được, chính là do sự nhẹ dạ, cả tin của người khác.

Nhiều hình ảnh được cắt ghép và đặt tên là "lương y", "thần y".

Bản thân những người hợp tác quay video quảng cáo thì vì hám lợi trước mắt mà tiếp tay cho kẻ phạm tội, biến mình thành một “mắt xích” trong đường dây lừa đảo, khiến người dân thêm tin tưởng vào những thông tin giả mạo, bịa đặt đang được rêu rao.

Còn bản thân những nạn nhân, chỉ vì quá tin tưởng vào những thước phim dàn dựng kia mà đổ cả núi tiền, đổi lại những bài thuốc “dỏm”. Nhẹ dạ, cả tin, gửi gắm sức khỏe của bản thân, gia đình vào những sản phẩm không rõ nguồn gốc, mù quáng tin một cách thiếu kiểm chứng. Đó vô tình lại trở thành chính những “lá chắn” bảo vệ cho kẻ lừa đảo thừa cơ lộng hành.

Giá như, người bệnh có thể tỉnh táo hơn, tìm đến những cơ sở khám chữa bệnh đáng tin cậy, thì những chiêu trò trên cũng sẽ không bao giờ thành công.

Và nếu những người được mời diễn những đoạn quảng cáo sai sự thật trên, nếu như không vì cái lợi trước mắt, đã không “bán đứng” đồng bào.

Vẫn biết: Có bệnh thì vái tứ phương. Nhưng đừng vái kẻ xưng “thần, lương y”!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!

Xử phạt "thần y" chữa ung thư, COVID-19 bằng... ợ hơi, nhổ nước bọt

Thứ 2, 05/04/2021 | 10:53
"Thần y" Nguyễn Thị Vĩnh chữa ung thư, COVID-19 bằng phương pháp... ợ hơi, nhổ nước bọt vừa bị xử phạt  12,5 triệu đồng.

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ "lương y" Võ Hoàng Yên bị tố chữa bệnh lừa đảo

Thứ 6, 12/03/2021 | 09:46
Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình hành nghề của ông Võ Hoàng Yên.