Tại Việt Nam hiện nay, có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Theo đó, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Có thể thấy, nhược điểm của kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là có độ nhạy, độ đặc hiệu cao với người nhiễm bị virus SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. Còn xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp Realtime-PCR có thời gian thực hiện lâu, yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.
Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, Thường trực ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp RT-PCR.
Đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh.
Thông tin thêm về ưu điểm của phương pháp xét nghiệm trong thời gian tới tại những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… GS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho rằng, điều này giúp tiết kiệm thời gian, kết quả chính xác, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam… góp phần chống dịch hiệu quả.
Yêu cầu đối với các kit xét nghiệm nhanh tìm ra kháng nguyên này là phải dễ làm, sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp RT -PCR. Được hiết, hiện đã có 3 đơn vị tại Việt Nam đang nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sao Thái Dương - cho biết đơn vị đang triển khai phương án Realtime-LAMP là kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên cho phép phát hiện virus SARS-CoV-2 với độ đặc hiệu, độ nhạy tương đương với phương pháp Realtime-PCR nhưng thời gian cho ra kết quả ngắn hơn. Phương án này tận dụng được các nguồn máy móc, thiết bị sẵn có của các trung tâm y tế dự phòng, có thể tăng năng lực xét nghiệm lên từ 9 - 12 lần; đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh tại sân bay, bệnh viện… trong thời gian ngắn, lưu lượng lớn.
Còn viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đang tích cực phối hợp với đối tác, nhận chuyển giao quy trình để sớm thử nghiệm kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên theo công nghệ enzyme mới của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, công ty Medicon cũng đang triển khai nghiên cứu kit xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên.
Trước thông tin về việc thay đổi chiến lược xét nghiệm Covid-19 trong tình hình mới, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) - cho biết: “Việc mở cửa đường bay quốc tế tại Việt Nam giống như việc bay từ tỉnh này qua tỉnh khác. Điểm khác biệt lớn nhất là chúng ta cần giám sát chặt chẽ hơn, kết hợp với những quốc gia khác để có bộ quy định cụ thể đối với những trường hợp hành khách bay sang Việt Nam”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM)
Vấn đề mở cửa đường bay trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Cá nhân bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, nguy cơ lây nhiễm trong thời điểm mở cửa đường bay cũng là vấn được cần được quan tâm. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Phần lớn dựa vào công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, nên trên các chuyến bay, nếu lơ là thì khả năng lây nhiễm Covid-19 và bùng phát dịch tại Việt Nam thêm nhiều lần nữa là rất cao”.
Về việc sử dụng kit xét nghiệm nhanh Covid-19 trong tình hình mới, bác sĩ Khanh bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, sử dụng kit test nhanh trong hoàn cảnh này sẽ không hợp lý bằng việc lấy mẫu dịch hầu họng để cho ra kết quả chính xác nhất. Chúng ta cũng cần có những kịch bản về việc nếu có ca dương tính xảy ra thì sẽ ứng phó như thế nào, những ca còn lại cách ly ra sao để có được phương án phù hợp, nhanh chóng mà vẫn chính xác, tiết kiệm được chi phí”.
Từ những phân tích trên, vị bác sĩ này nhấn mạnh việc mở cửa đường bay cần phải có tính toán hợp lý về những khả năng có thể xảy ra để không ai trở thành nguồn lây. Những vấn đề cụ thể hơn cần có sự thống nhất cụ thể của hội đồng chuyên môn, từ đó mới đưa ra những khuyến cáo cần thiết trong thời điểm này.
Lãnh đạo bộ Y tế cho biết, sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đồng thời, ban Chỉ đạo cũng giao bộ Y tế tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện tập huấn các phương pháp xét nghiệm sử dụng mọi loại kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất hiện nay.
T.L - L.T