Thay đổi hình thức kỷ luật phải đi kèm thay đổi phương pháp giáo dục

Thủy Tiên

Ủng hộ những nội dung trong dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thông tư 08, nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng, điều quan trọng chính là giá trị giáo dục phía sau mỗi hình thức kỷ luật.

Kỷ luật học sinh cần để nhà trường “không cô đơn”

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thông tư 08 năm 1988. Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, không còn hình thức buộc thôi học và bỏ cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường. Đây là điều được dư luận ủng hộ.

Trước những thay đổi trong dự thảo này, TS. Nguyễn Hoàng Chương - Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) bày tỏ: “Tôi ủng hộ những thay đổi này. Những học sinh bị kỷ luật, nhất là những học sinh vướng vào kỷ luật nặng thường là những em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đó không phải lý thuyết mà tôi đã nghiệm ra từ trong thực tế. Tuy nhiên, trong học đường, kỷ cương lại là một giá trị. Chính vì thế, nhà trường bị giằng xé giữa hai điều đó. Khi học sinh mắc lỗi, người thầy lại trăn trở tìm cách giải quyết, không chỉ đơn thuần là tìm hình thức xử lý kỷ luật mà còn là làm sao để thông qua kỷ luật có thể giáo dục học sinh”.

Theo thầy Chương, bản thân thầy cũng từng rơi vào tình huống nâng lên đặt xuống khi ký quyết định cho học sinh nghỉ học vì vi phạm. “Tôi cứ tự nhủ, cuối cùng, chúng ta kỷ luật học sinh để làm gì? Tựu trung lại, vẫn hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh, thông qua kỷ luật để hướng đến phẩm chất, năng lực, hình thành nhân cách học sinh. Và theo tôi, quyền lực cao nhất của người thầy là sự tha thứ”, TS. Nguyễn Hoàng Chương bày tỏ.

Thầy giáo Ksor Y Giêng (Phú Yên), người thầy nổi tiếng với quan điểm “Trò hư là lỗi của thầy” nhận định: “Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh ngỗ ngược có biểu hiện tăng lên. Nếu nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật ở mức cao nhất nghĩa là đuổi học, cá nhân tôi cho rằng, việc này không mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục học sinh. Mà trái lại, sẽ tước đoạt mất thời gian quý báu của học sinh đó.

Chưa kể, biết đâu “cú ngã” đó sẽ đẩy các em sang “ngã rẽ” khác của cuộc đời, thậm chí tiêu cực hơn, thì sẽ vô cùng đáng tiếc. Theo quan điểm của tôi, trong học đường, vẫn cần phải có kỷ luật, nhưng kỷ luật chỉ nên mang tính giáo dục và tạo cơ hội cho học sinh, nhà trường phải đồng hành, cùng các em tìm ra nguyên nhân, cùng các em vượt qua”.

“Điều cần nhất trong kỷ luật học sinh chính là sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội, tức là, để nhà trường “không cô đơn” trong kỷ luật học sinh. Khi phụ huynh có niềm tin, khi cả xã hội cũng phối hợp với nhà trường, hướng đến chuyện khi kỷ luật một học sinh thì các học sinh khác sẽ rút ra bài học.

Không phải cứ áp dụng hình phạt cao nhất, đuổi học là học sinh sẽ tốt lên. Quan trọng nhất, là khi đuổi học rồi, trong thời gian đó, gia đình và xã hội sẽ làm gì? Nếu không có biện pháp giáo dục trong thời gian đuổi học thì cũng chỉ là vô bổ, dẫn đến lợi bất cập hại” - TS. Nguyễn Hoàng Chương phân tích.

“Tuy nhiên, trong môi trường phổ thông, với học sinh quá đặc biệt, cũng cần loại hình trường đặc biệt, cần những người thầy có kỹ năng đặc biệt trong các nhà trường chuyên biệt. Với những trường hợp quá đặc biệt, vẫn cần bóng dáng của trường giáo dưỡng” - TS. Chương gợi ý.

Tăng cường kỷ luật tích cực

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội) cũng đánh giá: “Đây là một bước tiến bộ trong việc thực hiện quyền trẻ em và tiến tới thực hiện Công ước quốc tế.

Hơn nữa, có thể nhận thấy, một số trường hợp học sinh vi phạm nội quy, nếu nhà trường dùng những hình thức kỷ luật hà khắc, là hoàn toàn không nên, vi phạm quyền trẻ em; đồng thời, chưa thực sự hiệu quả trong phương pháp giáo dục học sinh. Chính vì thế, việc điều chỉnh này cũng thể hiện tính nhân văn trong học đường”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Nội dung thay đổi là đáng hoan nghênh, nhưng phải làm sao để hài hòa giữa cái cũ và cái mới. Từ trước đến nay, người Việt vẫn nặng tư tưởng về quan niệm “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”... Vì vậy, phải tính đến việc đổi mới nhưng đảm bảo cân bằng và đảm bảo tính hiệu quả, giảm hình thức phạt thì phải tăng cường giáo dục. Có nghĩa là, phải thay đổi phương pháp giáo dục, thay đổi nhận thức của người lớn, chính là cha mẹ, thầy cô và xã hội, đồng thời, thay đổi và tăng cường kiểm tra giám sát để triển khai kịp thời.

Nếu không thay đổi đồng bộ, mà chỉ sửa mỗi kỷ luật, có thể sẽ mang đến hậu quả ngược lại”.

TS. Phan Thị Luyến - Hiệu trưởng trường liên cấp Sentia (Hà Nội) - nhận định: “Tôi cho rằng, cần tăng cường những hình thức kỷ luật tích cực hơn là sử dụng các hình thức phạt, cố gắng giảm thiểu những hình thức kỷ luật không tích cực, chủ yếu sử dụng biện pháp giáo dục để tác động đến học sinh.

Bởi lẽ, nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường, nhiệm vụ của giáo dục chính là đào tạo con người ngày càng tiến bộ hơn. Trong nền giáo dục hiện nay, việc kỷ luật học sinh cũng là một bài toán, thách thức rất lớn đối với các thầy cô giáo”.

Trước băn khoăn làm thế nào để đảm bảo tính công bằng trong việc kỷ luật học sinh giữa các trường, các địa phương khác nhau, vị Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát lý giải: “Tôi đồng ý cần có sự công bằng cho học sinh trong vấn đề kỷ luật. Tuy nhiên, những tình huống xảy ra đối với học sinh là muôn hình vạn trạng, nội quy cũng không thể lường hết để quy dịnh rõ ràng, cụ thể từng trường hợp... Bởi vậy, mới cần đến cái tâm, cái tài của những người thầy, trong vai trò là những kỹ sư tâm hồn, sẽ làm tốt sứ mệnh đối với học trò”.

Cho học sinh tự xây dựng nội quy

TS. Phan Thị Luyến chỉ ra: “Với các trường học khác nhau sẽ có hình thức và mức độ kỷ luật khác nhau. Trường chúng tôi thường xuyên mời chuyên gia về tập huấn các hình thức kỷ luật tích cực. Ngay trong giai đoạn đầu năm học, nhà trường dành một số tiết học cho học sinh tự xây dựng nội quy, tất nhiên, giáo viên cũng có những chủ ý nhất định, nhưng nhìn chung, học sinh vẫn được đóng góp ý kiến. Sau đó, khi có học sinh mắc lỗi, học sinh được thảo luận những hình thức kỷ luật phù hợp nhất.

Học sinh sẽ tự cảm nhận, tự thấy được vi phạm của bản thân ở mức độ nào, cảm giác cho học sinh không bị áp đặt, đó là một điều rất nhân văn. Bên cạnh đó, học sinh trong lúc cùng giáo viên xây dựng nội quy, cũng tự mình nắm được điều nào nên làm, điều nào không nên làm, mặt lợi và mặt hại ra sao... Trong trường hợp, nếu học sinh mắc lỗi có hệ thống, nhà trường sẽ mời phụ huynh cùng thảo luận hình thức kỷ luật phù hợp nhất. Đặc biệt, vẫn cần duy trì hình thức kỷ luật đủ “sức nặng” đối với những học sinh cá biệt”.

T.T