Thấy gì từ tác động bất ngờ của quy định Cấm uống rượu bia lái xe?

Hai tuần sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) có hiệu lực, thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe" trở thành câu chuyện được bàn tán ở khắp nơi.

img

Lần đầu tiên trong lịch sử, hành vi tham gia giao thông sau khi uống rượu bia bị cấm triệt để (kể cả đi xe đạp), với mức xử phạt rất cao.

Sau hơn một tuần chính sách trên đi vào cuộc sống, có thể thấy rõ những tác động tích cực của nó tới đời sống xã hội.

Đa số người dân đồng tình ủng hộ việc Nhà nước đưa ra các chế tài rất mạnh để xử phạt hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn.

Những vụ án thương tâm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các tay lái “ma men” trong thời gian qua đã tác động mạnh tới nhận thức người dân, thúc đẩy việc lên án và tẩy chay hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia.

Truyền thông báo chí và mạng xã hội liên tục cập nhật thông tin về quá trình thực thi chính sách, những tình huống phát sinh, những tranh luận của các bên liên quan..., tạo nên luồng dư luận đa chiều thúc đẩy chính sách được thực thi hiệu lực, hiệu quả.

Hiệu ứng truyền thông chính sách tác động mạnh tới tâm lý đám đông, góp phần thay đổi hành vi lái xe không có nồng độ cồn.

Cụ thể, việc xử phạt nặng hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong khí thở có nồng độ cồn đang dần làm thay đổi trực tiếp hành vi của người dân khi tham gia giao thông.

Mức phạt tiền tăng cao nhiều lần và tước giấy phép lái xe nhiều tháng đã đánh trúng vào kinh tế của mỗi cá nhân, khiến họ buộc phải tìm ra giải pháp cho mình: đi taxi, sử dụng phương tiện công cộng hoặc gọi người nhà đến đón - sau khi uống rượu, bia.

Nhiều nhà hàng, quán rượu bị tác động khi lượng tiêu thụ rượu, bia giảm do khách uống ít hơn, ít khách đến buổi trưa hơn; nhiều đám cưới cũng đã hạn chế lượng rượu, bia trên bàn tiệc,... dẫn đến hạn chế tình trạng lãng phí tiền của vào chất kích thích.

Năng suất lao động trong khu vực công chắc chắn sẽ tăng cao hơn do hạn chế được tình trạng rượu bia buổi trưa, ảnh hưởng đến chất lượng công việc buổi chiều.

Những hình ảnh phản cảm nơi công sở như cán bộ, công chức, viên chức mặt đỏ tưng bừng vì uống rượu, bia nhưng vẫn thực thi công vụ chắc chắn sẽ giảm mạnh.

Dịch vụ giao thông công cộng sẽ có thêm nhiều khách hàng sử dụng sau chính sách này và tai nạn giao thông liên quan đến xe cá nhân sẽ giảm.

Trong tương lai, có lẽ văn hóa uống rượu sẽ ít nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thói quen ép rượu, đã "dô" là phải trăm phần trăm khiến “rượu vào, lời ra”, mất kiểm soát hành vi... sẽ dần dần được thay thế bằng văn hóa “thưởng thức rượu” một cách văn minh, lịch sự.

Tuy nhiên, chính sách công nào cũng sẽ vấp phải luồng ý kiến trái chiều do tính chất hai mặt của nó.

Giảm lượng tiêu thụ rượu, bia của người dân đang tác động tới doanh thu của các nhà kinh doanh rượu, bia và làm thất thu thuế của nhà nước đối với mặt hàng này.

Mức xử phạt tăng mạnh có thể làm gia tăng tình trạng nhũng nhiễu của lực lượng thực thi công vụ nếu thiếu đi sự minh bạch và liêm chính. Một khi sự minh bạch, liêm chính, tinh thần thượng tôn pháp luật của cả người thi hành công vụ lẫn người vi phạm không được thực hiện sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những tiêu cực kiểu "xin – cho”, “gọi điện thoại cho người thân”, “bắt cóc, bỏ đĩa”.... có điều kiện sinh sôi, nảy nở.

Người dân đồng tình, xã hội đồng thuận về việc nâng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Tuy nhiên, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp có thực sự cần thiết trong điều kiện Việt Nam hiện nay hay không?

Thực tiễn luôn phong phú, vượt ra khỏi những dự liệu của luật pháp. Dư luận băn khoăn việc ăn hoa quả hoặc uống siro có cồn khi lái xe có bị phạt không?

Các câu hỏi từ thực tiễn đang đặt ra cho những nhà hoạch định chính sách, nhà làm luật vấn đề cần cân nhắc để điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Liệu hiệu ứng tích cực của tuần đầu thực thi chính sách có được duy trì thường xuyên để tạo nên thói quen ăn sâu trong nếp nghĩ, hành vi của người dân đã uống rượu, bia là không lái xe?

Chính sách này có hiệu lực, hiệu quả thực sự như chính sách cấm đốt pháo, chính sách bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay nó cũng chỉ mang tính phong trào, tính thời điểm, chỉ quyết liệt và duy trì trong thời gian đầu ra quân giống như nhiều chính sách đã triển khai nhưng không hiệu quả: dẹp vỉa hè, dẹp chợ cóc…

Làm cách nào để duy trì được chính sách khi đã được người dân và xã hội đồng tình hưởng ứng?

Theo tôi, trong bối cảnh này, truyền thông chính sách cần được đẩy mạnh hơn nữa để tác động mạnh vào nhận thức của người dân, tạo ra được sự đồng thuận chung.

Sự nghiêm minh, liêm chính, chuyên nghiệp, minh bạch trong thi hành công vụ của khu vực công làrất quan trọng. Do đó cần tăng cường truyền thông đối với cả nhóm đối tượng này, đi liền với kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu xin cho, nhũng nhiễu.

Vấn đề cuối cùng, chính sách hợp pháp đã rất khó, nhưng hợp lý còn khó hơn nhiều. Điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn là cần thiết, dựa trên cơ sở sự cân nhắc thấu tình, đạt lý.

Mà điều kiện tiên quyết để có một chính sách hợp pháp, hợp lý trước hết đòi hỏi đội ngũ hoạch định chính sách phải là những người chuyên nghiệp, chuyên môn giỏi và biết lắng nghe, chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img