Học sinh nghịch ngợm và tỏ thái độ, thầy giáo mất kiểm soát đánh em đó ngất xỉu nhập viện.
Vào cuối tiết 4 môn thể dục của lớp 7B do thầy Q. dạy, học sinh L.P.D. đã chạy sang lớp 7D trèo bám vào cửa sổ lớp học, làm ảnh hưởng học sinh khác. Lúc đó, cô giáo đang dạy môn Địa lý ở lớp 7D nhắc nhở em nhưng không được.
Thấy vậy thầy Q. đã quát em D. Em này đã có thái độ lại nên trong lúc nóng, thầy Q. đã tát em một cái và đá vào mông một cái khiến giữa trưa em này ngất xỉu phải thở oxy và chuyển viện lên tuyến trên.
Dẫu trước vấn đề này còn nhiều lùm xùm và ồn ào, người chê kẻ trách, thế nhưng bạo lực không phải phương pháp để giáo dục trong trường học.
Khách quan thừa nhận, hành động của em học sinh lớp 7 đáng phạt, phạt bằng bản kiểm điểm, phạt bằng cách lao động công ích,…cậu bé đó dù có hư và bất trị đến mức nào thì những người làm cô làm thầy tuyệt đối không được “đụng chân đụng tay” khiến chúng bị thương.
Cách đây không lâu, dư luận cũng tức giận khi hình ảnh cô giáo phạt học sinh lớp 9 quỳ gối trên giảng đường hay hình ảnh cậu học sinh tiểu học bị đánh đến bầm lưng tím gối, những câu chuyện bạo lực học đường xuất hiện nhan nhản khiến người ta sợ hãi.
Con hư, bố mẹ tức giận; trò hư thầy cô tức giận, nhưng có lẽ điều không nên nhất chính là để cảm xúc chi phối hành động, tức giận đến mức mất kiểm soát đánh học sinh nhập viện thì quả là đáng tiếc!
Thực tế, cách giáo dục bằng đòn roi và những lời nạt nộ đã ít xuất hiện bởi hình thức giáo dục ấy phản tác dụng.
Ở độ tuổi “ẩm ương” những cô cậu học trò cần một người định hướng hành vi chứ không cần một người đối xử với chúng bằng cách “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.
Câu nói “thương cho roi cho vọt” đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại nữa rồi.
Đánh học sinh, các thầy cô giáo vô tình đã tạo ra một thế hệ những đứa trẻ lì lợm, chúng bất cần, liệu những ngày đến trường có vui như trên khẩu hiệu?
Trẻ bị đánh nhập viện, những học sinh còn lại lo sợ không biết bao giờ đến lượt mình. Đó chẳng phải đang cổ xúy cho hành vi thượng tôn bạo lực hay sao?
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.