Thịt lợn tăng giá, học sinh “trả giá”

Thủy Tiên

Gần 100 học sinh tiểu học nhập viện sau bữa tối nghi do ngộ độc thực phẩm, khiến các đơn vị ráo riết vào cuộc tìm “thủ phạm”. Đáng chú ý, một trong những lý giải tưởng chừng không liên quan từ đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT lại là do... thịt lợn tăng giá!

Sau bữa ăn tối, nhiều học sinh nhập viện

Ngày 25/6, sau khi 153 học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, Lào Cai) ăn bữa tối, một số học sinh có biểu hiện mẩn ngứa, phát ban, cá biệt có trường hợp xuất hiện triệu chứng buồn nôn, sốt, tiêu chảy. Đến khoảng 21h, 85 học sinh có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.

Sáng 2/7, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Bùi Văn Tiến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà - cho biết: “Ngày 1/7, sau khi toàn bộ 85 học sinh có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm xuất viện, về lại trường, 30 học sinh lại có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Phụ huynh học sinh chưa thực sự yên tâm về tình hình sức khỏe của các con nên đã yêu cầu đưa đến các cơ sở y tế để theo dõi.

Hiện tại, 30 học sinh này đã được nhà trường đưa đi thăm khám lại, 10 học sinh ở bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, 10 học sinh ở phòng khám Đa khoa khu vực Bảo Nhai và 10 học sinh ra bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, theo yêu cầu của phụ huynh.

Buổi học ngày 1/7 là buổi học cuối cùng của năm học, trước khi học sinh rời trường về nhà, cô Hiệu trưởng Nông Thị Mẫn hỏi thăm tình hình sức khỏe, những học sinh này cho biết vẫn bị táo bón nên nhập viện kiểm tra cho yên tâm. Có thể, do trước đó, học sinh có triệu chứng tiêu chảy, các cô cho dùng thuốc, khỏi rồi lại bị táo bón”.

Ngày 1/7, đại diện chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (sở Y tế tỉnh Lào Cai) cho biết, trước đó, vào lúc 18h20 ngày 25/6, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Cốc Lầu tổ chức bữa ăn chiều cho 153 học sinh ở bán trú. Bữa ăn gồm tôm thẻ xào cà chua, canh rau muống, cơm trắng. Khoảng 20 phút sau, 2 học sinh xuất hiện các triệu chứng mẩn ngứa, ngứa tay, chân, bụng, được các thầy cô giáo đưa xuống trạm Y tế xã Cốc Lầu để khám điều trị. Sau đó, nhà trường có phát hiện thêm 6 học sinh có các triệu chứng trên.

Đến khoảng 21h cùng ngày, có tổng số 85 học sinh được giáo viên nhà trường và các phụ huynh học sinh đưa đến các cơ sở y tế, khám bệnh, điều trị nghi do ngộ độc thực phẩm, trong đó 40 học sinh được đưa vào phòng khám Đa khoa khu vực Bảo Nhai và 45 học sinh được đưa vào bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà.

Sau khi được thăm khám, điều trị, sáng ngày 26/6, 65 học sinh đã ổn định và được các cơ sở y tế cho ra viện về tiếp tục đi học, còn lại 20 học sinh tiếp tục được theo dõi, điều trị.

Chưa rõ “thủ phạm”

Theo thông tin từ chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, qua kiểm tra thực tế tại bếp ăn tập thể trường Phổ thông dân tộc nội trú tiểu học Cốc Lầu về nguyên liệu thực phẩm bữa tối ngày 25/6 gồm cà chua và tôm thẻ của công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Ngân Phát (290A, Nguyễn Công Trứ, K8, P.8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) và tôm này được sản xuất tại công ty TTHH CBTS-XNK Minh Châu (tại ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Chân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Cả hai sản phẩm tôm thẻ và cà chua nêu trên đều do công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Huy Long (tại số nhà 293 đường Khánh Yên, phường Phố Mới, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cung cấp cho trường có hợp đồng mua bán và phiếu giao nhận thực phẩm hàng ngày. Bên cạnh đó, bữa ăn này còn có rau muống do nhà trường tự trồng và gạo được cung cấp theo chương trình quốc gia.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đã phối hợp với trung tâm Y tế huyện Bắc Hà điều tra xác minh vụ việc và đồng thời kiểm tra đột xuất công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Huy Long, tiến hành lấy 3 mẫu thực phẩm (tôm thẻ xào cà chua, canh rau muống, cà chua chưa chế biến) tại nhà trường và 2 mẫu thực phẩm (gồm tôm thẻ và cà chua chưa chế biến) để gửi kiểm nghiệm.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn thực phẩm và tránh xảy ra các sự cố tương tự, chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm tươi sống tại địa phương và áp dụng 5 nguyên tắc chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn.

Theo ông Bùi Văn Tiến, đến sáng 2/7, mới chỉ có kết quả 1 mẫu thực phẩm, vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm các mẫu còn lại nên chưa thể thông tin chính xác nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do đâu. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng: “Có thể do học sinh ở vùng này chưa quen ăn tôm, bữa đó lại được ăn quá nhiều tôm, tôm là món chính, nên ăn vào bị “lạ bụng”, dẫn đến dị ứng và có biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Khi cơ quan chức năng kiểm tra những thực phẩm này, tôm thẻ vẫn còn nguyên tem mác, còn hạn sử dụng. Được biết, cùng ngày hôm đó, công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Huy Long cung cấp tôm cho hai trường học, trong đó, có một trường mầm non ở trung tâm TP Lào Cai. Nhưng có lẽ do khẩu phần ăn nhỏ nên các con không có biểu hiện gì lạ”.

Các trường học tự phục vụ thực phẩm tạm thời

“Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Huy Long đã cung ứng một số thực phẩm cho 7 trường học trên địa bàn từ nhiều năm nay. Ngay sau khi xảy ra sự cố trên, chúng tôi đã đề nghị đơn vị này tạm ngừng cung cấp thực phẩm đến tất cả các trường học. Những ngày qua, những trường có hợp đồng với công ty này đã tự xoay sở bằng các thực phẩm tươi sống khác tại địa phương. Trước đó, các trường trên địa bàn cũng tận dụng tối đa khả năng tự cung tự cấp thực phẩm như thịt lợn, cá, gà của người dân nuôi… Tuy nhiên, gần đây, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Cốc Lầu muốn “đổi món” cho học sinh, cũng một phần do thịt lợn đang tăng giá cao nên đã đặt tôm thẻ” - ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà, thông tin thêm.

T.T