Thoát cảnh “ngạt thở” vì Covid-19, thị trường lao động dần phục hồi

Thu Huyền

Trước tín hiệu của các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường, thị trường lao động trong nước được đánh giá đang dần phục hồi và sẽ chuyển biến tích cực nếu dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn.

Hai tháng mòn mỏi tìm việc

Chưa đến 9h ngày 1/10, bãi gửi xe tại trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (phường Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) đã không còn chỗ trống. Vừa đến nơi, chị Nguyễn Thị Giang (32 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) vội tấp xe máy lên vỉa hẻ trước cổng trung tâm rồi nhanh chóng di chuyển đến khu vực làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chị Giang từng là nhân viên tại một khách sạn trên phố cổ, có mức thu nhập khá. Hơn 10 năm làm nghề, chị Giang chưa từng nghĩ bản thân sẽ rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Theo chia sẻ của chị Giang, trong thời gian chờ tìm việc mới, mỗi ngày chị nhận giao hàng online cho một cửa hàng bánh ngọt, mỗi đơn hàng chị nhận được 35.000 – 50.000 đồng. Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian ở nhà, chị nhận làm biên dịch tài liệu cho một công ty tư nhân.

Trước đó, thu nhập của chị dao động từ 18 - 20 triệu đồng/tháng. “Nhìn ngành du lịch thời điểm dịch Covid-19, ai cũng sẽ nhìn thấy nó u ám như thế nào. Công ty cũ chưa biết bao giờ sẽ hoạt động trở lại, lãnh đạo công ty đã hứa sẽ gọi nhân viên quay trở về làm khi kinh tế ổn định để mở cửa trở lại, tôi cũng mong lắm, nhất là với độ tuổi của tôi bây giờ, tìm việc mới không dễ chút nào”, chị Giang trải lòng.

Người lao động đến làm trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Cũng trong phiên giao dịch việc làm sáng 1/10, trong lúc chờ đợi để phỏng vấn online tại trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, chị Đỗ Thu Quỳnh (24 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tranh thủ xem lại nội dung đã chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Thỉnh thoảng, chị lại đứng lên đọc thông tin tuyển dụng trên bảng thông báo.

“Hai tháng trước, tôi đã đến trung tâm để khai báo tình trạng thất nghiệp. Qua hướng dẫn và tìm hiểu thông tin tuyển dụng mà các công ty đăng tuyển tại Trung tâm, tôi nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng. Hôm 25/9, có một công ty gọi điện và hẹn tôi đến phỏng vấn online tại Trung tâm, tôi hi vọng sẽ được nhận vào làm, có thêm kinh tế để trang trải cuộc sống”, chị Quỳnh chia sẻ.

Thị trường lao động đang có sự phục hồi.

Theo bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), 9 tháng đầu năm 2020, thị trường lao động có nhiều biến động, sự suy giảm việc làm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, tập trung ở một số ngành nghề như may mặc, da giày, túi xách, thương mại điện tử, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, giao nhận. Bộ LĐ-TB&XH cũng đánh giá đợt dịch Covid-19 lần 2 tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa, nhất là thị trường xuất khẩu, đóng băng.

Mở “chợ” việc làm online

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để tăng cường thông tin về thị trường lao động, kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm đã thu thập vị trí việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời cũng thu thập nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động khi đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Trung tâm chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ đăng ký tuyển dụng cho các doanh nghiệp bằng các hình thức trực tiếp, gián tiếp và online (phỏng vấn trực tuyến qua mạng xã hội như zalo, skype...) tại các sàn, các điểm giao dịch việc làm vệ tinh.

Ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Ông Thảo cho biết, tháng 8/2020, có hơn 9.000 lao động làm việc tại hơn 2.000 doanh nghiệp đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian trên, trung tâm tiếp nhận gần 3.000 người lao động có nhu cầu tìm việc làm trên toàn bộ hệ thống điểm, sàn giao dịch việc làm, nhưng chỉ có 1.150 lao động được nhận hồ sơ và tuyển dụng. Tháng 9, có hơn 2.000 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Trung tâm đã tổ chức được 11 phiên giao dịch việc làm, có 252 doanh nghiệp tham gia với 2.811 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, chỉ có 478 lao động được nhận hồ sơ (chiếm 34%).

“Các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát nên một số ngành sản xuất vẫn đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc kế hoạch tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường tuyển dụng đã có nhiều khả quan hơn so với khoảng 3 tháng trước đây. Nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt, tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ dần phục hồi, người lao động sẽ tìm được việc làm nhiều hơn ”, ông Thảo đánh giá.

Ông Thảo cũng cho hay, với việc đẩy mạnh các phòng giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm, các doanh nghiệp có thể vào đăng ký tuyển dụng, còn người lao động có thể kết nối, lựa chọn nhiều phòng phỏng vấn, nhiều công việc cùng một lúc, để có thể tìm được việc phù hợp nhất.

Phỏng vấn trực tuyến tại trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Bổ sung vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm

Để hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19 sớm quay lại thị trường lao động, ông Lê Hồng Dân - Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH Hà Nội - cho hay, đơn vị đã cân đối, bổ sung nguồn vốn 650 tỷ đồng (tăng 400 tỷ đồng so với năm 2019) cho vay tín dụng, chính sách ưu đãi qua ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm cho người lao động. “Chúng tôi quan tâm tới nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và lao động trẻ trong khu vực kinh tế phi chính thức”, ông Dân nói.

Giữa tháng 8/2020, bộ LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng, trình lên Chính phủ gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 18.000 tỷ đồng.

Về gói hỗ trợ lần này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một việc rất cần làm để đảm bảo người lao động không bị rơi vào đói nghèo và cùng cực, song cần có sự hỗ trợ dài hơi, cần đẩy nhanh tiến độ, tránh làm nhỏ giọt, không hiệu quả.

Theo cục Việc làm (bộ LĐ-TB&XH), 8 tháng đầu năm 2020 đã giải quyết việc làm cho 770.000 lao động đạt 52% kế hoạch đặt ra, trong đó tháng 8 giải quyết việc làm cho 110.000 lao động. Ước tính trong 9 tháng, cả nước tạo việc làm cho trên 925.850 người, đạt 57,5% kế hoạch và giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2019. Tạo việc làm trong nước được 885.000 người, bằng 80% cùng kỳ năm 2019, đạt 60% kế hoạch.

T.H