Thứ đáng sợ hơn virus corona

Đã có 3 trường hợp người Việt được xác nhận nhiễm virus corona ở thời điểm hiện tại. Các biện pháp đã được lên kế hoạch để tránh dịch bệnh lây lan. Nhưng thực tế chúng ta đã “nhiễm bệnh” từ trước khi virus từ Vũ Hán lao đến.

Cơn mưa lớn như trút nước, đi kèm cả mưa đá, đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết ở miền Bắc có lẽ là một hiện tượng hiếm hoi trong nhiều năm qua. Nó đến như một điềm chẳng lành giữa lúc dịch bệnh kỳ lạ vừa bùng phát ở Trung Quốc.

Thời tiết bất thường, thứ virus chưa từng được biết đến xuất hiện, cảnh tượng người bất tỉnh nằm la liệt trong những đoạn video lan truyền trên mạng càng làm kinh sợ những tâm hồn yếu bóng vía.

Tin đồn, tin giả, bịa chuyện, thuyết âm mưu về virus corona – tất cả quay cuồng trên mạng xã hội, trong những câu chuyện truyền miệng không kiểm chứng – tạo nên một bầu không khí bất an, hoảng loạn chưa từng có.

Dù virus corona vẫn đang tập trung hoành hành ở Trung Quốc nhưng tâm lý lo sợ ở Việt Nam còn nóng hổi hơn nước bạn. Chưa có năm nào số lượng bài viết về Tết cổ truyền trên báo chí lại bị lép vế trước thông tin về dịch bệnh nước ngoài đến như vậy.

Cũng từ đó, sự nguy hiểm của virus corona đã bị thổi phồng quá mức và bầu không khí u ám đã chiếm trọn sắc đỏ ngày Xuân.

Trong khi nếu tỉnh táo xem xét vấn đề, có thể thấy rằng dịch corona dù đáng báo động nhưng chưa đến mức nghiêm trọng như những gì chúng ta sợ hãi.

Sự khó lường của virus đến từ Vũ Hán chủ yếu là cách lây truyền dễ dàng từ người sang người, cùng thời gian ủ bệnh kéo dài và biểu hiện dễ bị nhầm lẫn với cúm thông thường.

Tỷ lệ tử vong của virus corona vẫn đang ở ngưỡng rất thấp và thường chỉ gây nguy hiểm đối với đối tượng người già, sức đề kháng kém. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh, trong đó có một bệnh nhân được phát hiện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, một loạt những “chuyên gia mạng”, “bác sĩ Facebook”, “nhà hoạch định chính sách online” tích lũy kinh nghiệm từ vài năm chơi Facebook vẫn tỏ ra khiếp sợ, lên tiếng trăn trở, tâm tư, tin rằng đại dịch chết người từ Vũ Hán đã tràn ngập đến nơi; đồng thời chỉ trích chính sách hiện tại, thét gào vì sao không cấm cửa biên giới, đưa ra những chính sách phòng dịch theo kiểu “bế quan tỏa cảng”.

Bồi đắp thêm vào đó là những bài viết bịa đặt gây hoang mang về việc tỉnh này, tỉnh kia của Việt Nam đã có người này lây bệnh, nằm liệt giường, khiến cho hoạt động du lịch, giao thương tổn hại nặng nề.

Những kẻ vô lương tri vì câu view câu like trắng trợn mà gieo rắc nỗi sợ hãi.

Nào là virus corona không phải lây từ động vật hoang dã mà thoát ra từ phòng thí nghiệm. Nào là vũ khí sinh học do Trung Quốc tạo nên. Rồi bệnh viện ở Trung Quốc quá tải vì hàng chục nghìn người nhập viện, bác sĩ làm việc cũng lây bệnh rồi thiệt mạng.

Thậm chí, hình ảnh một người biểu tình bị trấn áp ở Hồng Kông cũng được xào nấu lại với lời chú thích: Người dân Vũ Hán bị bịt miệng, nằm chờ chết. Bất cứ ai lên tiếng thông bao tình hình dịch bệnh trong thành phố đều bị cảnh sát bắt giữ.

Trong khi báo chí, truyền thông bên ngoài mô tả Vũ Hán giống như một “thành phố chết” u ám, đang bị cô lập trong tâm dịch bệnh, thì ngược lại, chính những người dân trong thành phố đó lại đang cho thấy sự lạc quan, đồng lòng, tin tưởng vào các biện pháp của cơ quan chức năng và cổ vũ nhau cùng vượt qua.

Theo GoogleTrends, số người tìm kiếm về virus corona đã tăng gấp 10 lần so với tuần trước. Nhưng có một chuyện khôi hài hơn là có rất nhiều người nghĩ rằng virus corona có liên quan đến bia Corona – một thương hiệu bia nổi tiếng từ Mexico.

Các thống kê mới nhất cho thấy, cụm từ "virus bia corona" đã có sự gia tăng đột biến ở Bắc Mỹ, Tây Âu, cũng như ở Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và New Zealand.

Điều đó cho thấy rằng nhận thức của nhiều người về virus corona vẫn còn tù mù và họ dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch, không kiểm chứng từ những bài viết lập lờ, từa tựa hay giả danh báo chí. Đó là một thực tế khá nguy hiểm và đáng báo động hơn bất kỳ dịch bệnh nào.

Giống như Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của Phát xít Đức từng nói: "Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần thì nó sẽ trở thành sự thật”.

Tương tự như vậy, khi dịch bệnh ở Vũ Hán được nhắc quá nhiều lần trên truyền thông bằng những thông tin tiêu cực, nhiều người càng tưởng rằng đây là hiểm họa và nhận thức sai lầm so với thực tế.

Chúng ta dù cố ý hay vô tình cũng đã lây truyền những thông tin độc hại đó một cách dễ dàng trong thời đại 4.0 mà không để ý đến hệ lụy đằng sau. Có lẽ nhiều bác sĩ từng chiến đấu chống dịch SARS cách đây 17 năm sẽ cảm thấy may mắn khi truyền thông thời đó không rắc rối và hỗn tạp như hiện nay.

Hiện tại, mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát và điều chúng ta cần làm là tỉnh táo, tiếp tục mọi hoạt động thường ngày, tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch cho bản thân, tránh tạo nên tâm lý hoang mang.

Đặc biệt hơn là phòng chống những thông tin độc hại đang lan nhanh hơn dịch bệnh ngoài kia. Bản thân virus corona không đáng sợ, chỉ có chúng ta tự khiến chúng đáng sợ trong tâm trí mình.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bị Sở TT&TT mời làm việc vì đưa tin sai về virus corona

Thứ 6, 31/01/2020 | 21:45
Cát Phượng, Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng đều được Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mời lên làm việc vì đưa tin sai về đại dịch virus corona.

Bộ Y tế: Không nên lo ngại máy đo nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm virus corona

Thứ 6, 31/01/2020 | 19:36
Liên quan đến đề nghị các đơn vị xem xét việc dừng thực hiện kiểm tra vi phạm nồng độ cồn vì virus corona, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung cho hay mọi người không nên quá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm.

Thông tin một người Phú Thọ nhiễm virus corona là tin giả

Thứ 6, 31/01/2020 | 20:55
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết bệnh viện chưa tiếp nhận, cách ly trường hợp nào nghi ngờ nhiễm virus corona và cũng không có trường hợp du học sinh nào trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc đến thăm, khám bệnh tại đây.

Thanh Hóa: Khẩu trang y tế "cháy hàng", tăng giá gấp 5 lần ngày thường

Thứ 6, 31/01/2020 | 19:05
Người dân TP.Thanh Hóa đổ xô đi khẩu trang y tế để phòng chống lây nhiễm dịch cúm Corona, khiến mặt hàng này này rơi vào tình trạng "cháy hàng"; một số hiệu thuốc đã tăng giá khẩu trang lên 4 – 5 lần so với thời gian trước đây, lên 250.000 đồng/hộp

Ra Tết rủng rỉnh tiền, mua vàng tích trữ hay gửi tiết kiệm ngân hàng?

Thứ 5, 30/01/2020 | 06:43
Năm vừa rồi, bà chị em có 10 cây vàng, chỉ sau 1 đêm tăng thêm 1 triệu đồng/lượng, chẳng làm gì mà nghiễm nhiên có thêm 10 triệu đồng, ai sướng bằng? Gửi tiết kiệm mòn mỏi cũng chẳng mơ được số tiền lớn như thế.