img

Thủ đoạn đưa người vượt biên trốn đi nước ngoài trái phép

Anh Ngọc

Với số tiền công 5 triệu, Lô Văn Thái đã đưa 3 nam thanh niên vượt biên trái phép. Tuy nhiên hành vi này đã không qua mặt được cơ quan chức năng.

Lợi dụng trời tối để vượt biên

Ngày 19/7, Đồn Biên phòng Thông Thụ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bàn giao cơ quan chức năng xử lý đối tượng Lô Văn Thái (SN 1991), trú xã Thông Thụ, huyện Quế Phong về hành vi Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Theo hồ sơ, vào 4h30 ngày 15/7, tại khu vực vành đai biên giới thuộc bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong lực lượng Đồn Biên phòng Thông Thụ chủ trì phối hợp Công an huyện Quế Phong, Công an xã Thông Thụ đã phát hiện 4 đối tượng đang tìm cách vượt biên trái phép sang nước bạn Lào.

img

3 đối tượng cùng Lô Văn Thái vượt biên sang Lào. Ảnh Phương Linh

Các đối tượng đã được đưa về trụ sở để làm rõ. Danh tính các đối tượng được xác định là Lô Văn Thái; Phạm Hùng Tiến (SN 1984); Phạm Văn Dũng (SN 1992); Hồ Văn Thái (SN 1993), đều trú tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Bước đầu, tại cơ quan chức năng Lô Văn Thái khai nhận đưa các thanh niên trên theo đường mòn, cắt rừng vượt biên giới để sang Lào với số tiền công là 5 triệu đồng. Thái chọn thời điểm rạng sáng nhưng mặt trời vẫn chưa lên hẳn, khi các lực lượng canh gác đã mệt mỏi để tìm cách cắt rừng vượt biên. Tuy nhiên, khi Thái đưa các đối tượng đang tìm cách vượt biên giới Việt Nam - Lào thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

img

Điều đáng nói, trong thời gian gần đây, tình trạng tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép đang diễn biến vô cùng phức tạp. Mới đây, vào ngày 30/6, Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cũng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đặng Văn Trường (SN 1979), trú tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Giúp sức cho Trường trong quá trình phạm tội, còn có 3 đối tượng liên quan gồm: Vũ Thị Thương (SN 1996), trú tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu; Cao Thị Trang (SN 1984) và Trần Thị Nghĩa (SN 1962), cùng trú tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.

Qua đấu tranh ban đầu, cơ quan công an chứng minh được các đối tượng đã tổ chức đưa 3 công dân trốn sang Trung Quốc trái phép với tổng số tiền 6.900 nhân dân tệ (tương đương hơn 22,5 triệu đồng). Các nạn nhân sau một thời gian ngắn làm việc bất hợp pháp ở Trung Quốc, đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ và trao trả về Việt Nam.

Trục lợi từ người có hoàn cảnh khó khăn

Theo cơ quan chức năng, hiện nay có 3 hình thức để hoạt động tổ chức trốn và đưa người đi nước ngoài trái phép mà các đối tượng thường lợi dụng.

Đó là tổ chức trốn bí mật bằng cách dẫn người qua đường tiểu ngạch hoặc đường biển, đây là hình thức tổ chức trốn dưới hình thức công khai bất hợp pháp; Thứ hai là các đối tượng có thể đưa người đi dưới hình thức đi du lịch sang nước thứ hai, sau đó trốn sang nước thứ ba để lao động.

Một hình thức nữa đó là các đối tượng sử dụng hộ chiếu giả, giả mạo hồ sơ để được cấp hộ chiếu mang tên người khác. Hình thức cuối cùng là thông qua thành lập các công ty lữ hành hoặc dịch vụ XKLĐ để tổ chức dưới dạng tham quan, du lịch, thăm thân; giả mạo hợp đồng lao động để được cấp visa lao động nhưng sau khi xuất cảnh tự tìm kiếm việc làm.

img

Một gia đình trong vụ 39 người chết trong xe containter ở Anh khi đang vượt biên trái phép

Tuy nhiên, dù với hình thức nào thì những người mà các đối tượng “nhắm” đến thường là những lao động nghèo, công việc không ổn định. Do hoàn cảnh quá khó khăn, mong muốn đổi đời nên họ tin vào những lời đường mật của các đối tượng lừa đảo này, thậm chí tự nguyện bỏ tiền ra để được tham gia vào đường dây vượt biên trái phép.

Cũng chính vì vậy, quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, khó khăn lớn nhất trong quá trình xác minh thông tin, điều tra vụ án liên quan đến loại tội phạm này chính là các bị hại không hợp tác. Họ không chịu làm đơn tố giác tội phạm, trong khi các đối tượng phạm tội hoặc đang lẩn trốn ở nước ngoài nên rất khó để củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ.

img

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu

Trao đổi về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Đại biểu Quốc hội khoá XIV cho biết, tội phạm Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài ở Nghệ An nói riêng và trong nước nói chung có sự cấu kết chặt chẽ, hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi. Tính chất, mức độ phạm tội ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh thành trong nước, thậm chí hình thành đường dây tội phạm cả trong và ngoài nước.

Trước tình hình đó, bên cạnh công tác đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là người dân cần tỉnh táo nhận diện rõ hành vi hoạt động của loại tội phạm này, để bảo vệ mình và người thân không bị rơi vào “bẫy” của bọn tội phạm.

Thống kê cho thấy, hiện vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng theo quy định. Những lao động này chủ yếu cư trú bất hợp pháp dưới nhiều hình thức như đi du lịch, thăm thân, kết hôn giả. Hệ lụy nhãn tiền là tình trạng lao động Nghệ An tham gia xuất khẩu lao động bỏ trốn vẫn còn cao, chiếm tỉ lệ hơn 40%.

A.N

img