Thua lỗ kỷ lục sau Covid - 19, đường sắt Việt Nam làm gì để hồi phục?

Nguyễn Lâm

Được ví như trục “xương sống” nối 2 miền Nam – Bắc., thế nhưng, ngành đường sắt đang bị cho là “lạc hậu hóa”, thậm chí “hụt hơi” so với các loại hình vận tải khác trong cuộc đua thị phần. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo ngành đường sắt đã khó nay lại càng khó hơn.

Làm ăn bết bát

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Trần Thiện Cảnh – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tác động rất lớn đến hoạt động vận tải. Tính từ tháng 2 đến thời điểm tháng 5/2020, Tổng công ty đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ.

Sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội nhưng chưa công bố hết dịch thì đến nay, tỉ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu cũng chỉ đạt trên dưới 56%. Hoạt động đi lại của hành khách bằng tàu hỏa chưa có dấu hiệu phục hồi. Chiến dịch vận tải hè là đợt vận chuyển cao điểm của ngành đường sắt năm nay cũng bị thiệt hại nặng do việc học sinh, sinh viên đẩy lùi kỳ nghỉ hè vào trùng thời gian bắt đầu mùa mưa bão ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch, thăm thân nhân của khách hàng.

Do đó, số lượt hành khách lên tàu dự kiến chỉ đạt 29,4% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải tháng 6 của các công ty cổ phần vận tải dự kiến chỉ đạt 43,9% so với cùng kỳ và 6 tháng đạt 69,4% so với cùng kỳ. Dự kiến 6 tháng đầu năm lỗ từ hoạt động vận tải là 450,6 tỷ đồng.

Thực trạng trên khiến 4.387 lao động phục vụ các đoàn tàu khách thuộc các đơn vị vận tải đường sắt bị ảnh hưởng thiếu việc làm, với các hình thức lao động nghỉ luân phiên từ 5 - 13 ngày/tháng, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn Hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng. Số lao động bị thiếu việc làm chiếm tỉ lệ khoảng 78,3% số lao động hiện có phục vụ vận tải của các Công ty cổ phần vận tải đường sắt.

“Để giải quyết khó khăn trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, miễn nộp các loại thuế, phí năm 2020 như: Thuế thu nhập cá nhân; miễn đóng BHXH, BHYT, BHTN; miễn đóng phí công đoàn. Cùng đó, miễn khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải năm 2020, ước tính số tiền là 280,6 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vận tải…

Đối với các khoản vay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc và miễn giảm lãi vay cho các khoản vay của các ngân hàng cho các dự án đầu tư của Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt nhằm giảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn. Dự kiến cả nợ gốc và lãi vay năm 2020 các doanh nghiệp vận tải đường sắt phải trả ngân hàng là 333,16 tỷ đồng”, ông Cảnh thông tin.

Lách qua “khe cửa hẹp”

Từ thực trạng đầy khó khăn và thách thức như hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thẳng thắn nhận định việc hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế của ngành thời gian tới sẽ khó có thể đạt được. Để giải quyết vấn đề này, phía Tổng công ty cho biết sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực và chất lượng vận tải.

Ngành đường sắt cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực và chất lượng vận tải. Ảnh LM.

Ông Cảnh cho biết, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tập trung điều chỉnh, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 trên các mặt sản xuất sát với thực tế, đặc biệt chú trọng đến phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải khi công bố hết dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao doanh thu, sản lượng vận tải, tiết kiệm chi phí và đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động: Thực hiện các giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt.

Tăng cường quan hệ, mở rộng hợp tác kêu gọi nguồn vốn vay ưu đãi từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế để mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư hiện đại hóa, cơ giới hóa công tác quản lý,… kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cùng hợp tác phát triển các cơ sở công nghiệp đường sắt của Tổng công ty.

“Đặc biệt, đơn vị sẽ hoàn thành các công trình thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đúng tiến độ và thời gian giải ngân. Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan và các chủ đầu tư (PMU Rail và ban 85) để triển khai thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc gói 7.000 tỷ đồng”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Cần được tiếp sức

Tổng Giám đốc công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội – ông Nguyễn Viết Hiệp - cho hay, nỗ lực vượt khó trong giai đoạn dịch bệnh, tháng 7, tháng 8/2020, thời điểm học sinh kết thúc năm học, Đường sắt Việt Nam (VNR) xác định đây là “thời gian vàng” để tranh thủ hút khách du lịch nhằm gỡ doanh thu. Ngay từ tháng 6/2020, cùng các chính sách ưu đãi, VNR chủ trương “bán buôn” tàu cho các doanh nghiệp thuê nguyên đoàn, với các chính sách giảm giá linh hoạt từ 15 - 50% cho từng mác tàu, thời gian đi tàu.

Đầu tháng 7 vừa qua, ga Hà Nội đã đưa đoàn khách du lịch lên đến 300 người, kín chỗ tàu du lịch đi Quảng Bình. Đây là hình thức cho thuê nguyên đoàn tàu do công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội phối hợp câu lạc bộ (CLB) Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức, khởi động cho chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

“Những đoàn tàu thuê nguyên chuyến rất hiệu quả, nhưng giai đoạn này, VNR chưa tính đến lời lãi mà mong muốn qua các dịch vụ, thu hút khách quay trở lại với ngành đường sắt, chỉ cần bảo đảm hòa vốn để có dòng tiền duy trì hoạt động”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh khẳng định.

Ngoài những nỗ lực tự thân chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, VNR cũng đã đề xuất một số ưu đãi lên Chính phủ, với thông điệp: Doanh nghiệp chậm phục hồi sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Cụ thể, đơn vị này cần được Nhà nước “hà hơi thổi ngạt” bằng cách xem xét, thiết lập các gói hỗ trợ sau dịch, có tính toán các chính sách đặc thù đối với ngành đường sắt. VNR đã đề xuất Chính phủ miễn giảm nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng năm 2020 và miễn nộp 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020; cho gia hạn thêm ba năm việc thực hiện niên hạn phương tiện đường sắt theo lộ trình để giảm áp lực chi phí đầu tư đầu máy, toa xe mới thay thế. Để đầu tư thay thế số đầu máy, toa xe hết niên hạn sử dụng, VNR cần khoảng 7.000 tỷ đồng trong khi không tạo ra doanh thu mới từ nguồn đầu tư này. Đây là một khó khăn lớn bởi năm 2020, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chịu tác động liên tiếp của dịch bệnh.

Sau khi VNR đề xuất, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc 3 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quán Triều và Yên Viên – Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội. Theo đó, 3 tuyến đường sắt này được khôi phục chạy lại sau một thời gian bị tạm dừng hoặc giảm tần suất khai thác do mật độ khách đi ít, doanh thu không đủ bù chi phí.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch VNR - cho biết, mỗi năm, để duy trì vận hành 3 tuyến tàu an sinh, công ty Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) lỗ tới 20 tỷ đồng với tần suất mỗi ngày một chuyến. Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 10/2020, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có công văn gửi bộ Tài chính về giải pháp để khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho VNR. Tại văn bản này, bộ GTVT đề nghị bộ Tài chính xem xét, quyết định hoặc báo cáo cấp thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm các khoản thu, nộp nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 cho VNR. Nếu được chấp thuận, VNR có thể được miễn, giảm khoảng 200 tỷ đồng tiền phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trong năm 2020.

N.L