Thương tâm 2 học sinh đuối nước, báo động tình trạng mùa hè không an toàn của trẻ

Anh Ngọc

Mặc dù chưa nghỉ hè nhưng đã có hàng chục vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên toàn tỉnh Nghệ An. Vì vậy việc phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước được xác định phải đặc biệt quan tâm thực hiện thường xuyên.

Trốn nhà đi câu cá dẫn đến đuối nước

Ngày 6/6, ông Kha Văn Lập, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An xác nhận, có 2 học sinh vừa bị đuối nước trên sông Lam.

Theo đó, vào khoảng 18h ngày 5/6, em V.T.S. và L.A.K., trú tại Bản Chắn, cùng là học sinh lớp 2, Trường tiểu học Thị trấn Thạch Giám 2, huyện Tương Dương rủ nhau ra sông Lam trốn gia đình rủ nhau đi câu cá ở bờ sông Lam.

Đến tối, gia đình không thấy các em về nên đi tìm nhưng không thấy. Đến khoảng 20h40 phút, người dân phát hiện thi thể em K. ở ngoài sông Lam nên đưa lên bờ.

Người thân, chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng tìm kiếm em S. xung quanh khu vực nơi các em câu cá và xuôi xuống hạ lưu. Đến khoảng 1h30 phút ngày 6/6, thi thể em S. được tìm thấy và bàn giao về cho gia đình lo mai táng.

“Ngay sau khi nhận thông tin, Phòng đã cử cán bộ và chỉ đạo Trường tiểu học Thị trấn Thạch Giám 2 phân công giáo viên đến phối hợp, hỗ trợ các gia đình tìm kiếm thi thể 2 em. Đồng thời đến tận nhà thăm hỏi, động viên gia đình 2 học sinh trong lúc đau buồn”, ông Lập nói.

Theo đại diện Phòng GD&ĐT, đây là sự việc vô cùng đau lòng. Vì vậy, thời gian tới phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục học sinh và phụ huynh về phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em; Phối hợp tích cực với các phòng ban cấp huyện, UBND các xã để phối hợp với thôn bản, gia đình quản lý, giám sát học sinh trong thời gian ở phương.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Sở LĐ – TB&XH tỉnh Nghệ An, tính từ đầu năm đến ngày 25/5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ đuối nước làm 16 trẻ bị thiệt mạng. Phần lớn những vụ đuối nước này xảy ra vào tháng 5.

Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu chỉ tính những nạn nhân chưa đầy 16 tuổi. Còn rất nhiều vụ đuối nước thương tâm khác, mà nạn nhân đã là học sinh THPT, trên 16 tuổi không được đưa vào báo cáo này.

Nguyên nhân nào đuối nước?

Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Sở LĐ – TB&XH tỉnh Nghệ An cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm là do trẻ em không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh.

Ngoài ra, do sự chủ quan, thiếu giám sát của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như biển, sông, suối, ao, hồ. Ở nhiều địa phương, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm.

Tình trạng trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Ở khu vực thành thị, trời bắt đầu vào hè thường có khá nhiều lớp năng khiếu được tổ chức, nhiều khu vui chơi để trẻ tham gia, vui đùa, giải trí.

Còn khu vực nông thôn, miền núi, các em thường tự tìm đến sông suối, ao hồ, kênh mương để đùa nghịch. Nhiều vụ đuối nước trẻ em vừa qua chủ yếu xảy ra ở miền núi, nơi dân trí còn thấp, người lớn bận rộn mưu sinh, chủ quan, thiếu sự kiểm soát với các con.

Tại buổi lễ phát động tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 và lễ ký cam kết “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh Nghệ An kêu gọi các cấp ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung; Tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em;…

Trước tình trạng trên, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cũng vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước và phòng chống bạo lực học đường tại 9 huyện là Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai; Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Thanh Chương, Anh Sơn và Kỳ Sơn. Thời gian kiểm tra dự kiến trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 1/6.

Thông qua đó nhằm đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, các nhà trường trong việc tổ chức triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, công tác phòng chống bạo lực học đường đối với trẻ em, học sinh; những kết quả, hạn chế, tồn tại của các đơn vị, trường học, các giải pháp về phòng chống tại địa phương trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để đánh giá, nắm bắt công tác phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các hội trong việc: phòng chống bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường; xây dựng các giải pháp và triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho học sinh trên địa bàn trong mùa nắng nóng, trong dịp hè và mùa mưa bão, lũ.

A.N