Thủy điện hoạt động gần thập kỷ, người dân vẫn mòn mỏi chờ đền bù

Anh Ngọc

Nhường đất cho thủy điện hoạt động từ nhiều năm nay, phía công ty cũng lập danh sách từ năm 2008 nhưng cho đến thời điểm hiện tại nhiều người dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù.

“Ngổn ngang” việc bồi thường cho dân

Đã nhiều năm qua, gia đình ông Vỹ vẫn chưa được nhận đền bù.

Chỉ vào diện tích đất sát bờ sông Lam, ông Xên Văn Vỹ, SN 1967, trú bản Mác, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, gia đình có hơn 1.000m2 bị ngập. Trước khi đi vào hoạt động, Thủy điện Khe Bố đã lập danh sách và tiến hành đền bù 6 triệu đồng hoa màu trên đất cho gia đình.

“Năm 2013, mọi người bắt đầu được nhận tiền đền bù. Thế nhưng không hiểu sao cho đến thời điểm hiện nay, gia đình tôi vẫn chưa nhận được số tiền trên. Đã nhiều lần, tôi lên UBND thị trấn để hỏi nhưng vẫn không được xử lý”, ông Vỹ cho biết.

Sự việc kéo dài trong nhiều năm khiến gia đình ông rất mệt mỏi. Các mốc địa giới đã được cắm trong vườn nên ông không thể làm gì được, bán thì không ai dám mua, trồng hoa màu thì sợ không được đền bù nếu chủ đầu tư yêu cầu trả. Cả gia đình loay hoay khi chẳng biết kêu ai.

Ngay sát nhà ông Vỹ, gia đình ông Vi Thanh Hoàng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi có khoảng 2.000m2 đất đã bị ngập nhưng hiện vẫn chưa được nhận tiền đền bù.

“Thủy điện bắt đầu lập danh sách năm 2008 và cũng tiến hành công tác đền bù từ thời điểm đó. Đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, chúng tôi vẫn không hiểu vì sao chưa được nhận như người dân khác. Nhiều lần phản ánh lên UBND thị trấn và các cuộc họp HĐND, nhưng vẫn không có kết quả”, ông Hoàng nói.

Cột mốc được cắm từ lâu nên người dân không được phép mua bán phần diện tích này.

Bà Lương Thị Hiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Giám cho biết, hiện đang có 13 hộ dân hai bên cầu treo bản Mác, bản Khe Chi vẫn chưa được bồi thường đất ở và đất nông nghiệp. Mặc dù trước đó, trong cuộc họp với Thường trực Huyện ủy Tương Dương vào tháng 11/2020, chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố đã đưa ra hạn mốc hoàn thành vào tháng 6/2021.

“Người dân chưa được đền bù là do bị chồng lấn đất giải phóng xây dựng cầu treo và phải điều chỉnh ranh giới ngập lòng hồ do tăng dày mốc. Chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn đo vẽ tại hiện trường. Tuy nhiên, đến nay chưa tiến hành lập hồ sơ bồi thường về đất là do hồ sơ đo đạc địa chính chưa được chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, bà Hiên nói.

Cũng theo bà Hiên, liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt của Thủy điện Khe Bố, hiện thị trấn còn 124 hộ có một phần diện tích bị ngập nước do thủy điện chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì phải đo đạc bản đồ địa chính.

Tuy nhiên, đơn vị chịu trách nhiệm là Tổng công ty cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam, chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố vẫn chưa hoàn thành việc đo đạc lại bản đồ địa chính. Hiện các hộ muốn mua bán, chuyện nhượng hay thế chấp để vay vốn phải tự bỏ tiền thuê trích đo, làm các thủ tục để cấp bìa.

Vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đây cũng là tình trạng chung của hàng trăm hộ dân ở các xã Tam Thái, Yên Thắng, Xá Lượng, Tam Quang và thị trấn Thạch Giám.

Thủy điện Khe Bố được xây dựng có công suất thiết kế 100MW. Để phục vụ công trình, có 564 hộ với 2.450 khẩu đã phải di dời, trong đó có 330 hộ với 1446 khẩu được tái định cư tập trung, 205 hộ với 887 khẩu được di vén và tự tìm đất ở.

“Sau 7 năm thi công, năm 2013 công trình chính thức được hoàn thành và đưa vào tích nước hoạt động. Thế nhưng, đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đến bù”, ông Hiến nói.

Theo ông Hiến, từ năm 2018, UBND huyện Tương Dương đã có nhiều cuộc làm việc hối thúc Tổng công ty cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam, chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố nhanh chóng giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Dự án nhà máy Thủy điện Khe Bố. “Thế nhưng, trái với sự rốt ráo của chính quyền địa phương, chủ đầu tư nhà máy Thủy Khe Bố lại thiếu trách nhiệm, chậm trể giải quyết dứt điểm các vướng mắc”, ông Hiến cho biết thêm.

Đơn cử, thị trấn Thạch Giám đã thực hiện việc đền bù 83/92 hộ dân, còn 9 hộ chưa thống nhất phương án nên chưa ký hồ sơ. Tại xã Tam Thái, các thửa đất đã được đo đạc bản đồ địa chính nhưng chưa được lập hồ sơ bồi thường về đất có 17 hộ/17 thửa. Tại xã Tam Quang, hiện có 44 hộ/86 thửa đã họp công khai diện tích và xác minh nguồn gốc đất nhưng chưa lập hồ sơ bồi thường…

Chồng lấn đất giải phóng xây dựng cầu treo và ranh giới ngập lòng hồ khiến người dân không biết khi nào được nhận đền bù.

Ngày 16/11/2020, Thường trực Huyện ủy Tương Dương tổ chức phiên làm việc với Tổng công ty cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam, chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố để giải quyết các tồn tại, vướng mắc kéo dài tại Dự án nhà máy Thủy điện Khe Bố.

Theo ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, liên quan đến Thủy điện Khe Bố còn có 7 nội dung lớn, 45 vấn đề tồn tại trên địa bàn 6 xã. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm trong giải quyết tồn tại.

Là người đứng đầu chính quyền huyện trực tiếp làm công tác tiếp dân, ông Phan Đức Sơn khẳng định, sau khi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được chuyển giao về chủ đầu tư, việc xử lý các tồn đọng không thuộc trách nhiệm của UBND huyện. Vì vậy, nếu người dân có đơn thư kiến nghị, khiếu nại, Huyện sẽ chuyển đơn, hoặc hướng dẫn người dân trực tiếp chủ đầu tư; đồng thời, cũng sẽ giao phòng chức năng hướng dẫn người dân làm đơn ra tòa án nếu có đề nghị.

Nhà máy Thủy điện Khe Bố có công suất 100MW.

Về phía chủ đầu tư, ông Phan Thế Chuyền, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam nhận rõ về những tồn tại. Tuy nhiên, theo ông Chuyền giải thích, do khối lượng công việc lớn, có những vấn đề có thể giải quyết được ngay nhưng có những vấn đề phải có thời gian rà soát, xin ý kiến của cấp trên. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp, Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam sẽ cố gắng giải quyết từng phần việc, với mốc thời gian hoàn thành từ cuối 2020 đến hết năm 2021.

Thủy điện Khe Bố được đi vào tích nước hoạt động từ năm 2013, với công suất 100MW, sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 400 triệu kWh/năm, tổng doanh thu khoảng 450 tỷ đồng/năm. Mỗi năm đóng ngân sách cho Nhà nước khoảng 95 tỷ đồng.

Bài 3: “Tối hậu thư” cho thủy điện

A.N