bánh trung thu Thanh Thuỷ
bánh trung thu Thanh Thuỷ

Năm lần bảy lượt hẹn gặp, thuyết phục, tôi mới có dịp đặt chân đến cơ sở làm bánh trung thu cổ truyền của gia đình ông Đĩnh, bà Thủy. Không biết từ bao giờ, mỗi cuộc điện thoại, mỗi tiếng chân trống xe dựng trước nhà đều khiến vợ chồng ông bà sợ sệt. Hỏi chuyện mới biết, mỗi cuộc gọi là mỗi cuộc đòi bánh, mỗi tiếng chân trống dựng xe trước nhà là mỗi lần khách đến lấy bánh. Vì thế cứ vào vụ, ông bà lại cảm thấy ám ảnh với chúng.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

Gọi là cơ sở làm bánh, chứ thực tế, đó là một gian bếp nhỏ chừng 15m2 luôn luôn đỏ lò mỗi vụ trăng trong chính căn nhà của cặp vợ chồng trung tuổi. Nơi đây, luôn có 4-5 thợ liên tục làm bánh để trả đơn theo đặt hàng.

Bên chén trà buổi sớm, ông Đĩnh bồi hồi kể lại những thăng trầm của nghề bánh trung thu gia đình mình.

Mẹ ông là cụ Bảy, gái Hà Nội chính gốc. Thuở xưa, con gái hiếm khi được đi học, mà nếu đi học thì đều được dạy nữ công gia chánh. Cũng nhờ đó, cụ biết làm bánh trung thu. Trưởng thành, cụ là một trong những bà đỡ nổi tiếng ở cây đa Nhà Bò. Nhưng cuộc sống thời bao cấp đầy khó khăn, lăn lộn giữa đời nuôi 5 con ăn học bằng nghề mà không sao xoay kịp nên cụ làm thêm nghề bánh. Đầu tiên, cụ Bảy làm bán cho bạn bè, người quen. Bánh ngon, họ truyền tai nhau, khách nhiều dần lên. Thương hiệu bánh Bà Bảy từ đó có chỗ đứng trong lòng nhiều gia đình bấy giờ.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

Chật vật bằng nghề bánh để nuôi nấng các con, nhưng 5 đứa, chẳng đứa nào theo nghề. Cụ Bảy hàng đêm cứ đặt mình xuống giường đều trăn trở về việc tìm truyền nhân...

Và rồi, chẳng hiểu duyên nợ thế nào, cô bé Thủy 8 tuổi hay theo mẹ đi họp nhân dân ở Bà Triệu, hay ngó nghiêng xưởng bánh trong lúc chờ mẹ khi lớn lên lại được gả vào gia đình cụ Bảy. Từ chân “phụ lò”, thái mứt, mỡ, tẩm ướp... cô con dâu tên Thủy trở thành truyền nhân, nối nghiệp của cụ Bảy và cho ra đời bánh trung thu thương hiệu mang tên mình.

Và quả thực, cụ Bảy đã không chọn nhầm người, khi mà 41 năm về làm dâu, hơn 30 tiếp quản nghiệp mẹ chồng, cô Thủy đã gìn giữ khá trọn vẹn cái nghề bằng tình yêu, sự tâm huyết.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

Bánh trung thu Bà Bảy ở phố Nguyễn Du từng nức tiếng một thời. Những ai ăn rồi thì nhớ mãi. Đó là lý do sau này khi tiếp quản nghề bánh của mẹ chồng và đổi thương hiệu thành bánh trung thu Thanh Thủy, những khách hàng thân thuộc từ thời cụ Bảy vẫn tìm về nhà bà Thủy ở tận Đội Cấn mỗi mùa trung thu.

Có những giai đoạn, cơ sở bánh của bà Thủy làm không xuể, 4-5 lò Liên Xô chồng lên nhau, hoạt động hết công suất. Thậm chí, khách đến chờ mua, ngủ 1 giấc tỉnh dậy vẫn chưa lấy được bánh.

Talk show: Đời bánh

Đáng nói, dù không nổi trên thị trường như một số bánh trung thu truyền thống Phương Soát, Bảo Phương, bà Dần... nhưng bánh trung thu nhà bà Thủy luôn có một lượng khách hàng trung thành đến mức... khó tin. Tiệm bánh này hằn in dấu chân của biết bao vị khách đặc biệt, từ thuở thiếu thời đến khi tóc đã lấm tấm muối tiêu.

“Có những cụ già rồi, người đi bộ, người thì đạp xe đến mua bánh. Thậm chí có hôm mưa gió, vẫn có cụ đến tận nhà mua bánh. Bán bánh xong, bác còn tặng áo mưa để cụ đi về”, ông Đĩnh nói, miệng nở nụ cười tươi rói.

Trong số rất nhiều vị khách đặc biệt, ông Đĩnh nhớ mãi bà hội trưởng hội phụ nữ thành phố, người mê bánh Bà Bảy rồi theo chân bánh trung thu của con dâu bà cho tới mãi tận sau này.

“Ngày xưa cụ Bảy hoạt động cán bộ cơ sở ở phố Nguyễn Du. Một bà hội trưởng hội phụ nữ thành phố rất thích ăn bánh Bà Bảy. Đến khi cụ Bảy chuyển giao nghề bánh cho con dâu làm, gia đình bác chuyển về Đội Cấn ở, năm nào bà cũng thuê xe ôm hoặc taxi lên tận nhà mua, ngắm nghía từng cái bánh, so sánh bánh con dâu bà Bảy làm có bằng bà Bảy ngày xưa không?”.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

Theo lời ông Đĩnh, vị khách này năm nay đã ngoài 90 tuổi. Mấy năm nay không thấy cụ qua nữa. Thế nhưng mới đây thôi, một người khách lên mua bánh mới tình cờ biết là chỗ thân thích của nhà bà cụ. Dăm ba câu chuyện mới hay tin, cụ nay đã yếu…

Hay với nhiều vị khách, cứ đến dịp này lại nhớ đến bánh trung thu Bà Bảy rồi tìm về với con dâu bà: “Có khách định cư bên nước ngoài mấy chục năm rồi họ cũng vẫn tìm về với bánh trung thu Bà Bảy. Họ nhờ con tìm lại địa chỉ, năm nay, họ tiếp tục đặt bánh để gửi sang”.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

Mặc dù tự nhận bánh của mình đem ra ngoài thị trường thì “không ai thèm mua” vì ngoại hình xấu xí, nhưng ít ai biết được, bánh trung thu của gia đình ông Đĩnh chỉ làm theo đơn đặt hàng. Ai có nhu cầu sẽ đến ghi tên, đến hẹn thì lấy bánh.

“Ngày cao điểm thì làm dư một ít để bán chứ bác không làm bánh bán lay lắt ngoài thị trường…”, người đàn ông ngoài 70 tuổi tâm sự. Đó cũng là lý do, ông và vợ không bao giờ lo bánh của gia đình bị… ế và luôn tin tưởng vào tương lai của nghề làm bánh trung thu truyền thống, giữa sự tấn công như vũ bão của những chiếc bánh trung thu hiện đại.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

“Một người từng nói với tôi rằng: Anh đi ăn bún riêu ở ăn nhà hàng các món ăn dân tộc thì anh thích bà chiết khăn mỏ quạ mặc áo tứ thân bán hay cô mặc hiện đại bán bún riêu cho ăn? Từ đó bác mới ngộ ra, người ta có thể đỏ vỏ nhưng chưa chắc lòng đã xanh thì mình xanh vỏ đỏ lòng, vẫn bán được. Nghề này quảng bá rộng rãi không ai tin bằng thực chất người ta ăn. Ăn ngon lại giới thiệu, hữu xạ tự nhiên hương. Bác vẫn nói với thợ của mình rằng, cái bánh trung thu truyền thống dù có làm khuôn đẹp mấy thì cũng vẫn xấu, nó là ở cái chất ở trong”.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

Làm bánh trung thu truyền thống vất vả nhưng ngày nay nhiều người theo phong trào cũng “đổ xô” làm, không màng đến chất lượng. Không ít người đã đơn giản hóa quy trình làm nên những chiếc bánh truyền thống. Tuy nhiên, với gia đình bà Thủy, thay vì mua nguyên liệu làm sẵn như nhiều người, bác vẫn tự tay làm từ a-z, từng khâu rất cầu kỳ.

Hơn bốn chục năm đằng đẵng cứ thế trôi qua. Ông Đĩnh năm nay ngoài 70, còn bà Thủy cũng ngoài 60 tuổi. Và cũng như cụ Bảy năm nào, ông bà đã đến cái tuổi trăn trở tìm người nối nghiệp.

“Con cái giờ có ăn có học, không hy vọng gì chúng theo. Nhưng mình phải giáo dục cho con trẻ, không làm nhiều thì làm ít, cố giữ lấy cái nghề truyền thống của gia đình. Còn đến một lúc nào nó theo thì mình mừng quá”.

Vài năm trở lại đây, cứ vào vụ bánh là 2 người già lại “thở không ra hơi” giữa những đơn hàng. Thế nhưng vì câu nói của người vợ nhiều năm đầu ấp tay gối: “Em không làm em mệt hơn” mà ông Đĩnh cùng vợ vẫn cố níu kéo cái nghề. Niềm an ủi lớn với nghề của ông bà là những thứ rất bình dị, trong đó có 2 cô cháu gái bên Pháp.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

“Mỗi lần bác sang, bác gái đều bày cách làm bánh cho 2 cháu và chúng rất mê. Bà về rồi gọi điện sang thì chúng bảo: “Bà ơi, cho cháu về làm bánh với bà””, ông Đĩnh kể.

Thêm nữa, trong số 4-5 người thợ của lò bánh Thanh Thủy, người thợ cả tên Nguyễn Thị Mơ đã gắn bó với góc bếp của gia đình 22 năm có lẻ vẫn luôn mong được theo ông bà trong suốt mấy chục năm làm nghề.

“Đi đâu thì đi, cứ trung thu cô lại về làm, xa thế nào cũng về. Lúc nào cô cũng nghĩ về bánh, mơ ngủ cũng nghĩ đến nó. Không ngủ được thì lại dậy làm, bất chấp lúc nào, miễn sao được làm bánh để phục vụ bà con”, người phụ nữ trung niên tay thoăn thoắt đóng bánh, miệng liến thoắng nói và bày tỏ niềm mong mỏi: “Cô vẫn nói với bác, yếu không sợ, chỉ cần đầu óc lúc nào minh mẫn thì yếu cũng làm được việc. Cô mong sao có sức khỏe làm nghề”.

bánh trung thu Thanh Thuỷ

Đáng nói, không giống nhiều gia đình mang nỗi lo thất truyền, ông Đĩnh và Thủy lại luôn lạc quan với nghề truyền thống của gia đình: “Kể cả sau này các con cháu mình không làm nữa, bác có thể sẽ chỉ dạy cho người ngoài”.