Tiền tỷ “cấp cứu” xe buýt TP.HCM, giao thông công cộng vẫn bế tắc?

HÀ NHÂN

Hàng trăm tuyến xe buýt tại TP.HCM liên tục giảm sản lượng vì gánh nặng chi phí, cùng một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu không “cấp cứu” bằng ngân sách được điều chỉnh, hệ thống giao thông công cộng của đô thị đầu tàu kinh tế cả nước sẽ lâm vào bế tắc.

Từ sau giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, hệ thống xe buýt TP.HCM vẫn chưa “hồi phục sức khỏe”. Không chỉ giảm sản lượng, nhiều tuyến xe không thể duy trì số lượng, thậm chí ngừng hoạt động.

Vốn đã chật vật, xe buýt TP.HCM càng khó khăn hơn vì dịch Covid-19.

Để có góc nhìn toàn cảnh, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM.

Dịch Covid-19 khiến khó khăn chồng chất

Thưa ông, phía cơ quan quản lý có đánh giá như thế nào trước tình hình khó khăn hiện nay của doanh nghiệp vận tải xe buýt?

Lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã chịu khó khăn trong nhiều năm, thời gian vừa qua với dịch Covid-19 lại càng khó khăn hơn.

Ngoài khó khăn kinh doanh của doanh nghiệp, việc phân bổ kinh phí trợ giá vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ. Theo đó, đến tháng 8/2019 mới có bộ đơn giá định mức mới, áp dụng từ ngày 1/9 để xem xét tính toán chi phí đầy đủ hơn. Bộ đơn giá cũ ban hành từ năm 2012 đã không còn phù hợp, khiến chi phí nhân công, giá xe trong nhiều năm chưa được điều chỉnh cho đúng thực tế.

Trong thời gian giãn các, ngưng hoạt động xe buýt, có nhiều đơn vị phải cho nhân viên tạm nghỉ. Sau thời gian này, họ cũng vất vả tìm kiếm lại nhân viên, khôi phục hoạt động như trước. Các đơn vị cũng đang xem xét lại về số chuyến và tỷ lệ hành khách.

Ộng Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, sở Giao thông Vận tải TP.HCM.

Như vậy, sở GTVT TP với trách nhiệm quản lý đã đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Nắm bắt tình hình thực tế, sở GTVT TP đã tổ chức mời tất cả đơn vị vận tải, trong đó có xe buýt để gặp mặt, lắng nghe chia sẻ khó khăn, tìm giải pháp.

Trong đó, nhóm khó khăn về thuế, phí, lãi vay ngân hàng và BHXH, chúng tôi hướng dẫn họ liên hệ với địa phương để tìm sự hỗ trợ, theo chính sách chung là gói 62.000 tỷ của Chính phủ.

Còn về việc xem xét trực tiếp, sở GTVT đã báo cáo UBND TP, sớm hoàn chỉnh danh mục xe đã đầu tư để hỗ trợ lãi vay theo đề án được phê duyệt.

Tiếp đến là cần nhanh chóng thanh toán chi phí đặt hàng, nằm trong chi phí trợ giá xe buýt hằng năm để các doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Hệ thống xe buýt TP.HCM chỉ mới khôi phục 80% công suất.

Tính đúng tính đủ cho trợ giá xe buýt

Được biết, sở GTVT TP đang phối hợp với sở Tài chính xem xét lại trợ giá xe buýt cho năm 2020. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?

Từ đầu năm, sở Tài chính tham mưu cho UBND TP về kinh phí ngân sách trợ giá xe buýt là 1.150 tỷ đồng. Trong đó, thẩm định là bình quân 44,5 hành khách/chuyến. Đòi hỏi này tăng 50% so với số liệu thực tiễn năm 2019 (đạt 29,7 hành khách/chuyến).

Chúng tôi cho rằng, số liệu thẩm định của sở Tài chính là rất cao, các đơn vị không thể thực hiện được. Nhất là trong điều kiện tất cả chi phí đều tăng cùng với quá trình đầu tư xe mới, áp dụng bộ định mức đơn giá mới.

Doanh nghiệp vận tải xe buýt đang chịu áp lực lớn, thu không đủ chi.

Phương án ban đầu như thế sẽ tác động đến hệ thống xe buýt TP.HCM ra sao?

Nếu vẫn phân bổ ngân sách theo dự toán từ đầu năm 2020, hệ thống xe buýt sẽ phải tăng sản lượng. Thậm chí, doanh thu bình quân từ vé phải tăng thêm trên mỗi chuyến xe khoảng 60%, cụ thể là khoảng 7.000 đồng/hành khách (năm 2019 là 4.344 đồng/hành khách).

Không chỉ gây áp lực về công tác điều hành, để thực hiện phương án ban đầu, hệ thống xe buýt phải giảm chuyến, giãn biểu đồ. Hậu quả là các chuyến xe không thể đúng giờ, đáp ứng mạng liên tuyến. Hành khách phải chờ lâu hoặc không có tuyến khác để tiếp tục hành trình.

Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, chúng tôi căn cứ tình hình thực tế để trình lên phương án xem xét điều chỉnh trợ giá xe buýt.

Quan trọng nhất là nguyên tắc tính đúng tính đủ, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước. Sau quá trình ra soát lại, số liệu gửi qua sở Tài chính đã điều chỉnh thành 1.311 tỷ đồng, tăng 161 tỷ đồng so với dự toán từ đầu năm.

Dự toán ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 cần được điều chỉnh để ổn định hệ thống.

Thước đo nào cho lợi ích xã hội

Trong tình hình khó khăn hiện tại, sở GTVT TP vẫn lên kế hoạch mở thêm 20 tuyến xe buýt, điều này có mâu thuẫn hay không?

Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn. Bởi lẽ, không chỉ phải rà soát sự hiệu quả của các tuyến để điều chỉnh cho phù hợp, chúng ta cũng cần xem xét mở rộng hệ thống nhằm phát triển bền vững giao thông công cộng.

Quá trình phát triển đô thị tại TP.HCM kéo theo nhu cầu giao thông công cộng rất lớn, một số khu dân cư vẫn chưa có xe buýt đi qua.

Lĩnh vực vận tải hành khách công cộng đô thị là loại hình dịch vụ công ích nên không chỉ thuần túy là một ngành kinh tế, kỹ thuật hay dịch vụ, mà bản thân nó là tổng hòa các yếu tố mang tính xã hội rất cao để phục vụ cho người dân đi lại được thuận lợi.

Hoạt động xe buýt tạo ra lợi ích xã hội, đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng cho người dân.

Cùng lúc phải giải quyết nhiều thách thức với kinh phí lớn, nhưng vì sao hệ thống xe buýt TP.HCM vẫn chưa có hiệu quả đột phá?

Lĩnh vực dịch vụ này ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết người dân của các đô thị, đòi hỏi phải duy trì bền bỉ lâu dài với một nguồn lực tài chính rất lớn.

Công tác ổn định từ ngân sách đảm bảo việc đi lại thiết yếu cho người dân thành phố, góp phần trong việc kéo giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Lợi ích kinh tế xã hội mang lại của vận tải hành khách công cộng là không dễ định lượng và đánh giá hiệu quả về mặt tài chính.

Ví dụ như trường hợp 1 đoàn tàu hay 1 chuyến xe buýt chỉ có 1 hành khách nhưng vẫn phải hoạt động để đảm bảo vận hành, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Một chuyến xe buýt từ chợ Bến Thành đi Nhà Bè trước đây vận chuyển 60 hành khách/chuyến. Vì các yếu tố khách quan và chủ quan trong thời gian qua đã tác động đến nhu cầu, bình quân mỗi chuyến xe giảm còn 40 hành khách. Nhưng cơ quan quản lý tuyến vẫn phải bố trí và duy trì phương tiện phục vụ cho 40 hành khách này, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến việc đi lại.

Do đó, vấn đề kinh phí trợ giá và sản lượng hành khách là khác nhau. Không thể xem việc trợ giá tăng thì sản lượng hành khách phải tăng.

Khi chỉ đánh giá hiệu quả ở góc độ tài chính đơn thuần sẽ dẫn đến ngộ nhận, cho rằng đây là một loại hình dịch vụ tốn kém kinh phí và không mang lại hiệu quả, không sinh lời.

Và nếu đầu tư nguồn lực không tương xứng với nhu cầu phát triển, hệ thống vận tải công cộng trở nên chắp vá, thiếu đồng bộ, trì trệ. Từ đó, khả năng thất bại là khó tránh khỏi.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.N