Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, Người Đưa Tin đã lắng nghe những chia sẻ từ Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam về những kết quả đạt được trong năm 2022 và giải pháp trọng tâm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Hội đã đề ra trong năm mới.

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Chủ tịch, xin Chủ tịch đánh giá về những kết quả Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong năm 2022?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Năm 2022, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế - xã hội của đất nước vẫn tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022, các cấp hội Luật gia Việt Nam luôn chú trọng thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng. Ngay từ đầu năm, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, 5, 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị mình.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền.

Điểm nhấn trong năm 2022 là Đảng đoàn đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết 20 năm thực hiện Chị 56 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; đã đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lanh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Sau khi có Chỉ thị số 14, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Thường trực Trung ương Hội, các cấp hội đã tham mưu đề xuất để tỉnh ủy, thành ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương sớm ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị. Nhiều tỉnh, thành Hội đã tổ chức được Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị này đến các cấp hội và hội viên.

Các mặt công tác chuyên môn như: công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp hội quan tâm, đẩy mạnh và triển khai thực hiện tốt, kết quả cho thấy các mặt hoạt động chuyên môn đều tăng hơn so với năm 2021.

Công tác tổ chức, cán bộ và hội viên đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức hội và hội viên. Các mặt công tác khác cũng được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2022, Hội đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị và sơ kết thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024 của Hội, tạo được tiếng vang và khẳng định vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của giới luật gia trong cả nước.

Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đánh giá, rà soát Luật Trọng tài thương mại ngày 29/11.

NĐT: Ngày 1/7/2022 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, xin Chủ tịch cho biết các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã quán triệt và triển khai Chỉ thị này ra sao?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Chỉ thị 14 khẳng định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chỉ thị nhấn mạnh, cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam, tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh về tổ chức. Qua đó, phát huy hơn nữa vai trò của Hội trong tình hình mới.

Về nhiệm vụ, Chỉ thị 14 đã đề ra đầy đủ và đồng bộ gồm nhiều nhóm, cụ thể như: đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Hội; phát huy vai trò của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại nhân dân…

Ngày 12/10, Hội Luật gia Việt Nam long trọng tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, Chỉ thị đã nêu rõ nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác của Hội Luật gia.

Sau khi nhận được Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị, ngày 12/10/2022 Hội Luật gia đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành ở Trung ương.

Để triển khai thực hiện Chỉ thị, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kế hoạch số 862 ngày 12/8/2022 trong đó có các nội dung: Nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến phát huy vai trò Hội Luật gia Việt Nam tham gia công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật; Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong nghiên cứu, đề xuất xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết (Luật Trọng tài thương mại); Phát huy vai trò của Hội trong tham gia công tác thẩm tra, chỉnh lý; công tác giám sát thi hành pháp luật…Kế hoạch nêu rõ, phát huy vai trò của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trong việc lấy ý kiến về dự án luật tại địa phương, trong đó nêu rõ trách nhiệm của đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với công tác này.

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền trao đổi với PV Tạp chí Người đưa tin pháp luật.

Cùng với đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 14; Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam và nhiều tỉnh, thành ủy đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 14 (hiện có khoảng 30 tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 14).

Với Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị, thời gian tới các cấp Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phát huy, thực hiện tốt những nội dung Chỉ thị đề ra; phân tích, đánh giá kỹ những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa tốt để tiếp tục thực hiện tốt hơn; bổ sung những vấn đề mới từ thực tiễn thời gian qua và từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

NĐT: Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Hội Luật gia Việt Nam được phân công xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023-2025. Thưa Chủ tịch, Hội đã tổ chức triển khai như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Năm 2010, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại. Để thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 340/KH-HLGVN ngày 25/11/2021 về xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại; Ban hành Quyết định số 46/QĐ-HLGVN ngày 23/3/2022 về việc thành lập Ban biên tập xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài Thương mại gồm 11 thành viên, trong đó có đại diện các cơ quan: Hội Luật gia Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao.

Đồng thời, xây dựng các chuyên đề nhằm đánh giá cơ sở lý luận và thực tiễn thi hành, mức độ phù hợp, tính khả thi cũng như bất cập, hạn chế và các mâu thuẫn chồng chéo, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật về trọng tài thương mại.

Ngày 29/11/2022, Hội cũng đã tổ chức Hội thảo đánh giá, rà soát Luật Trọng tài thương mại. Đến nay, Hội đã hoàn thiện Dự thảo 5 Báo cáo rà soát Luật Trọng tài Thương mại và trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12/2022.

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nêu 6 giải pháp trọng tâm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Hội đã đề ra.

NĐT: Đầu năm 2022, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Điều này có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật mà Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị đề ra?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Ngày 20/01/2022, Hội Luật gia Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mục đích của chương trình là hợp tác nhằm tăng cường phối hợp công tác giữa Viện nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp. Phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh của mỗi bên; nâng cao trách nhiệm của Viện và Hội Luật gia trong các lĩnh vực như công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lập pháp giai đoạn 2021-2026...

Như chúng ta đã biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ rất quan trọng là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó, có cải cách tư pháp và cải cách hành chính. Đây là những lĩnh vực Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian qua và tới đây vẫn coi là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đã có kế hoạch triển khai những công việc cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Chúng tôi cho rằng, hợp tác với Viện Nghiên cứu lập pháp là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa cấp bách, là nhiệm vụ nặng nề mà đồng chí Chủ tịch Quốc hội giao phó, tin tưởng Hội Luật gia Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, với kinh nghiệm, truyền thống gần 70 năm hình thành và phát triển, cùng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật mà Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị đề ra, Hội Luật gia Việt Nam sẽ làm tròn trách nhiệm và đạt được kết quả tốt đẹp.

NĐT: Thưa Chủ tịch, năm 2023 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024 của Hội. Xin Chủ tịch cho biết, các cấp Hội Luật gia Việt Nam sẽ phải thực hiện các giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Hội đã đề ra?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới, ngày 01/7/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Chỉ thị đặt ra những đòi hỏi đối với giới luật gia Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động, nỗ lực, tích cực và nâng cao trách nhiệm nhiều hơn nữa để góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung mà Đảng và Nhà nước đề ra. Vì vậy, từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII, các cấp Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục chủ động, đổi mới phương pháp hoạt động, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW nói trên của Bộ Chính trị . Các cấp Hội phải quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 14-CT/TW.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức của các cấp Hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tiếp tục vận động, thu hút và phát triển hội viên ở các cấp Hội. Đối với những nơi đã thành lập Hội Luật gia thì đề nghị các bộ, ngành và uỷ ban nhân dân các cấp quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức Hội Luật gia được củng cố và phát triển. Thực hiện việc rà soát, đánh giá nhu cầu để đề xuất việc thành lập Hội Luật gia tại những bộ, ngành và địa phương (ở những nơi có đủ điều kiện) theo quy định của pháp luật. Phấn đấu các bộ, ngành ở Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố đều có tổ chức Hội Luật gia; các xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện đều thành lập tổ chức Hội Luật gia.

Thứ ba, chủ động triển khai toàn diện các mặt hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ của Hội. Kịp thời tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất được Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương giao; chú trọng mở rộng và thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm mà Hội có thế mạnh, như: tổ chức tốt việc đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội và yêu cầu đang đặt ra hiện nay...

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động của các cấp Hội. Tăng cường mối quan hệ giữa Trung ương Hội với các tỉnh, thành Hội và các chi Hội, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động chung để thu hút và tập hợp được trí tuệ của đội ngũ luật gia cả nước tham gia vào những vấn đề quan trọng.

Thứ năm, phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời mở rộng và tăng cường quan hệ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tăng cường mối quan hệ phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát và phản biện xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực pháp luật.

Thứ sáu, tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa Hội Luật gia Việt Nam với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội luật gia các nước ASEAN (ALA), Hội Luật gia các nước và các tổ chức quốc tế khác mà hội đã có mối quan hệ; chủ động mở rộng mối quan hệ với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trên thế giới, động viên người Việt Nam là luật gia định cư ở nước ngoài tham gia các hoạt động xây dựng đất nước.

NĐT: Thưa Chủ tịch, Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị có nêu rõ: “Phát huy vai trò của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại nhân dân..; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch…”. Xin Chủ tịch cho biết những năm qua Hội đã thực hiện nhiệm vụ này thế nào và kế hoạch thực hiện những năm tiếp theo?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có Hội Luật gia Việt Nam. Với tư cách là một Hội hoạt động trong lĩnh vực pháp luật có số lượng hội viên đông đảo nhất, để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, trong những năm qua, Hội luật gia Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động sau đây:

Thứ nhất, Hội luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân.

Thứ hai, thông qua việc tham gia các tổ chức quốc tế đa phương như Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội Luật gia Đông Nam Á (ALA), Hội Luật gia Việt Nam thường xuyên và kịp thời cung cấp các thông tin khách quan, trung thực về quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam cho các thành viên của các tổ chức này, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với đường lối của Việt Nam. Kết quả nổi bật là liên tục từ năm 2013 đến nay, IADL và COLAP đã ra tám tuyên bố về vấn đề biển Đông và một lần gửi thư phản đối tới Chính phủ Trung Quốc. Trong các hoạt động trên trường quốc tế, Hội đã tích cực lên tiếng đấu tranh, bày tỏ quan điểm trên diễn đàn quốc tế về các vấn đề chủ quyền, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… để bảo vệ chủ quyền quốc gia, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức Việt Nam. Đồng thời, thông qua việc tổ chức và phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế, trưng bày ảnh về biển, đảo, Hội đã luôn nỗ lực để giới luật gia, chuyên gia luật quốc tế của các quốc gia khác hiểu rõ về cơ sở pháp lý cũng như chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình bảo vệ chủ quyền.

Thứ ba, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương với một số tổ chức của các nước trong khu vực và trên thế giới cùng hoạt động trong lĩnh vực pháp luật như Hội Luật học Trung Quốc, Đoàn Luật sư Seoul - Hàn Quốc, Hội Luật gia Bê-la-rút, Hội Luật gia Liên bang Nga, Đoàn Luật sư California - Hoa Kỳ, Hội Luật gia Ấn Độ,Viện lập pháp và pháp luật so sánh thuộc Chính phủ Liên bang Nga, Đoàn Luật sư Lào... Hội đã triển khai hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật với các tổ chức nghề luật các nước; tạo điều kiện cho các hội viên của Hội có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hoạt động, cũng như trao đổi về các vấn đề pháp luật mà hai bên cùng quan tâm, đồng thời tạo điều kiện để Hội trao đổi, truyền thông tới giới luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta và tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của họ đối với Việt Nam.

Thứ tư, cùng với các hoạt động đối ngoại được thường xuyên tổ chức, Hội còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài qua các tạp chí, website của tạp chí, trang thông tin điện tử của Hội, từ đó giúp bạn đọc hiểu đầy đủ và đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, không tin theo những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thứ năm, thông qua việc thực hiện các dự án hợp tác về pháp luật, bằng kết quả hoạt động, Hội cũng giúp các đối tác, các nhà tài trợ nước ngoài có cái nhìn đúng đắn và rõ ràng về các chính sách của Việt Nam đối với người dân như chính sách bảo đảm quyền được tiếp cận pháp luật của mọi người dân; đặc biệt là người nghèo và người yếu thế trong xã hội; chính sách đối với phạm nhân, người chấp hành xong án phạt tù; chính sách pháp luật về đất đai…

Trong thời gian tới đây, Hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác đối ngoại nhân dân nhằm góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Cụ thể là: Trong bối cảnh nhu cầu giao lưu, trao đổi thông tin giữa giới luật gia các nước với giới luật gia Việt Nam ngày càng tăng, Hội sẽ chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, nghiên cứu và tham vấn ý kiến các cơ quan hữu quan nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, để cho bạn bè quốc tế, đặc biệt là thành viên của các tổ chức mà Hội Luật gia Việt Nam là thành viên như IADL, COLAP, ALA, các đối tác song phương có ký kết thỏa thuận hợp tác ngày càng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước và con người Việt Nam, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của nước ta.

Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác Hội các cấp về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về tình hình thế giới và các vấn đề toàn cầu; Đồng thời, trong các hoạt động hợp tác về pháp luật, Hội cũng tiếp tục thông qua các hoạt động cụ thể để giúp các đối tác có hiểu biết đúng đắn về chủ trương, chính sách và pháp luật của Việt Nam; Tìm kiếm và vận động các luật gia là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có uy tín, có ảnh hưởng quốc tế cùng tham gia tuyên truyền, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 22/01/2023 | 13:40