Tính mạng treo trên miệng “Hà Bá”, người dân “nín thở” chờ di dời

Anh Ngọc

Dù đang phải sống thấp thỏm bên bờ hồ thủy điện bản Ang sạt lở, đe dọa tài sản và đặc biệt là tính mạng, nhưng 6 hộ dân nơi đây vẫn không thể đi đâu được do chủ dự án thủy điện chưa bồi thường.

Dân bỏ nhà đi thuê trọ do lo sợ

Nghe tin cơn bão số 5 sắp đổ bộ, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, trú bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An phải cấp tốc nhờ ông ngoại đến trông nhà để mọi người tiến hành di dời một số đồ đạc đến nơi an toàn.

Nhà máy bản Ang chỉ mới được đưa vào hoạt động 3 năm nay.

Theo ông Hồng, ngôi nhà này được xây dựng vào năm 1989, bên bờ sông Nậm Mô. Từ đó đến nay, cả gia đình sống bình thường, không có chuyện gì xảy ra. Sự việc chỉ phức tạp khi nhà máy thủy điện bản Ang, thuộc công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn được khởi công xây dựng vào tháng 4/2015 và đưa vào vận hành quý I năm 2017. Nhà máy được xây dựng trên nhánh chính sông Nậm Mô; thân đập được xây dựng ở bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương; hồ chứa theo sông nằm dọc Quốc lộ 7 qua bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền.

“Chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động thì ngôi nhà của chúng tôi bắt đầu xuất hiện tình trạng nứt nẻ, phần đất nền bị sụt lún, nghiêng về phía sông. Đặc biệt, trận lũ lịch sử năm 2018 càng khiến cho ngôi nhà bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện nay, nhà bếp và phần móng chi chít các vết nứt. Nhiều vết nứt chạy dài hơn 10m, rộng hơn 5cm và ngày càng lớn thêm”, ông Hồng nói.

Ngôi nhà bị nứt nghiêm trọng.

Sự việc xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, mà cả 5 hộ dân sống bên sông cũng đều xuất hiện tình trạng tương tự. Như gia đình ông Lữ Duy Hải bị rạn nứt, móng kè đá hộc có biểu hiện dịch chuyển do sụt lún phía ta-luy âm bên trong lòng hồ thủy điện. Cọc rào bằng bê tông cốt thép giăng lưới B40 đã sập xuống bên mép nước lòng hồ và một số công trình phụ khác đã bị trôi. Hay như nhà bà Lô Thị Oanh cũng rơi vào cảnh nứt nẻ, sụt lún. Do quá lo sợ nên gia đình bà phải di tản đến ở nhờ nhà người thân.

Nhiều chỗ nứt có thể bỏ bàn tay vào.

“Chúng tôi đã viết rất nhiều đơn kiến nghị khẩn cấp gửi cơ quan chức năng phản ánh tình trạng này. Rất nhiều đoàn đến kiểm tra, đo đạc, lập biên bản, rồi hứa hẹn sẽ di dời. Thế mà đến nay đã 2 năm trôi qua, gia đình chúng tôi vẫn đang sống trên miệng của “hà bá”. Nhiều lần mưa lớn, nước đổ về ầm ầm khiến tình trạng càng hư hỏng thêm. Tôi phải đưa các con đi thuê trọ chứ ở đây chẳng biết sống chết thế nào”, bà Oanh thở dài.

Công ty thủy điện phủi trách nhiệm?

Trao đổi về việc này, ông Vang Kiên Cường - Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền xác nhận, có 6 hộ dân sống ven sông Nậm Mô đang chịu ảnh hưởng nặng nề và cần phải di dời đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Hai năm qua, các hộ dân trên liên tục có đơn đề nghị chính quyền hỗ trợ kinh phí để di dời nhà cửa, đi tái định cư nơi khác. Tuy nhiên, nguyện vọng của bà con vẫn chưa được đáp ứng, trong khi đó mùa mưa lũ mới lại đang về.

“Kết quả kiểm tra hiện trạng sạt lở năm 2019 cho thấy, tác động của lòng hồ thủy điện khá rõ. Trước đó, có 2 gia đình ở khu vực này bị sạt lở và cũng đã được lãnh đạo công ty thủy điện bản Ang bồi thường để di dời. Phía UBND xã và UBND huyện đã làm xong toàn bộ thủ tục, phương án di dời, tái định cư, thế nhưng lãnh đạo công ty điện thoái thác bồi thường khiến người dân bức xúc và lo lắng khi mùa mưa bão đang đến gần”, ông Cường nói.

Tháng 12/2019, UBND huyện Tương Dương có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An và nhà máy thủy điện bản Ang, công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn đề nghị giải quyết các kiến nghị của 6 hộ dân trên. Văn bản nêu rõ hiện trạng của 6 hộ gia đình bị ảnh hưởng, cần phải di dời khẩn cấp. Đồng thời, tính toán tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ cho 6 hộ dân là hơn 4,1 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí bồi thường và hỗ trợ trực tiếp là hơn 3,9 tỷ đồng, gồm giá trị bồi thường về nhà cửa, công trình phụ là 2 tỷ đồng; giá trị bồi thường vật kiến trúc là hơn 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bồi thường về cây trồng di chuyển nhà ở, hỗ trợ thuê nhà và kinh phí san nền hơn 250 triệu đồng.

Thủy điện chỉ hỗ trợ 100 triệu/hộ.

Điều không ngờ rằng, phía công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn đã có văn bản phản hồi phủ nhận trách nhiệm liên quan. “6 hộ dân cần phải di dời theo kiến nghị của UBND huyện Tương Dương đều nằm trên cốt ngập hồ chứa thủy điện bản Ang, việc nhà các hộ dân bị nứt nẻ là do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là các hộ này đều nằm ở phần ta-luy âm của Quốc lộ 7 chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt lũ do thiên tai gây ra, nhất là đợt lũ 2018”, văn bản nêu.

Chủ đầu tư nhà máy thủy điện cũng cho rằng, từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu từ phát điện không đủ để trả nợ gốc và lãi vay. Tuy nhiên, với tinh thần “tương thân tương ái”, phía thủy điện hỗ trợ 6 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, mỗi hộ 100 triệu đồng.

Người dân vô cùng lo lắng khi mùa mưa bão đã cận kề.

Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Đến thời điểm này, chủ đầu tư nhà máy thủy điện bản Ang đã chuyển về cho huyện 600 triệu đồng kinh phí di dời cho 6 hộ dân Khe Kiền. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng bố trí 120 triệu đồng từ nguồn kinh phí sắp xếp dân cư theo Quyết định 1776 của Chính phủ. Tuy nhiên, số kinh phí còn thiếu trên 3 tỷ đồng, vì vậy cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thể di dời được 6 hộ dân trên”.

Ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn huyện Tương Dương có mưa to, khiến mực nước trên sông Nậm Mô tăng cao. Vì vậy, vào lúc 4h ngày 18/9, nhà máy Thủy điện bản Ang đã thông báo xả lũ lưu lượng 250 m3/s.

A.N