Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT có mạo hiểm?

Thủy Tiên - Nguyễn Thảo

Giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lại trở thành tâm điểm tranh cãi của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi vẫn còn phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, việc tổ chức kỳ thi là không phù hợp.

Phụ huynh, học sinh lo lắng!

Tại hội nghị trực tuyến giữa ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 63 địa phương trong chiều 31/7, đại diện ban Chỉ đạo thi TP.Đà Nẵng đã kiến nghị bộ GD&ĐT xem xét, báo cáo Chính phủ cho dừng thi và xét đặc cách tốt đối với toàn bộ thí sinh trên địa bàn. Đại diện ban Chỉ đạo thi tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị 3 phương án, trong đó, có lùi hoặc dừng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Sau đó, bộ Y tế tiếp tục thông báo, ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại một số địa phương khác, khiến dư luận càng khó yên tâm khi lịch thi tốt nghiệp THPT năm nay đang đến thật gần.

Trước những tranh cãi về kỳ thi sắp tới mà con gái mình tham gia, chị Bùi Thị Thùy Dương (phụ huynh tại Hà Nội) cho biết: “Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn ra như những ngày qua, thực sự rất lo lắng cho học sinh nếu kỳ thi vẫn diễn ra. Tôi mong ngành giáo dục dừng kỳ thi này lại, vì sức khỏe của học sinh phải được đặt lên hàng đầu”.

Bày tỏ nỗi lo lắng cho sức khỏe trước kỳ thi, em Đinh Quang Trường (lớp 12, trường THPT Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ: “Em rất mong kỳ thi lần này lùi lại. Dịch bệnh đang ở ngoài kia nhưngchúng ta chưa xác định được hết, mà quãng đường di chuyển đến phòng thi, rồi ngồi chung phòng thi với mấy chục thí sinh khiến em không thể yên tâm. Tính đến trường hợp chúng em vẫn tham gia kỳ thi, còn các bạn trong vùng dịch được đặc cách thì em thấy như vậy là chưa hợp lý và thiếu tính công bằng”.

Nam sinh này cũng bày tỏ mong muốn nếu như bắt buộc phải có kỳ thì này thì có thể hoãn tới khi nào tình hình dịch bệnh không còn phức tạp.

Lãng phí và không cần thiết

Đồng cảm với những nỗi lo của nhiều học sinh và phụ huynh, thầy Nguyễn Hoàng Chương (Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát - Lâm Đồng) khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, ai cũng lo lắng về diễn biến dịch bệnh và hy vọng nhanh chóng hết dịch, nên việc tập trung mọi nguồn lực vào dịch bệnh là cần thiết.

Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi huy động hàng triệu thí sinh, phụ huynh học sinh và thầy cô giáo, cán bộ giáo dục và các ngành khác vào một kỳ thi chỉ với mục đích chính là xét tốt nghiệp như hiện nay là không cần thiết và rất nguy hiểm”.

Lý do mà thầy Chương chỉ ra, bao gồm: “Việc tổ chức kỳ thi chia thành 4 nhóm thí sinh là rất cồng kềnh. Chưa nói đến trong vùng dịch, mà ngay cả những vùng lân cận, phụ huynh cũng rất lo lắng, dẫn đến việc kỳ thi sẽ diễn ra không như mong muốn, không đáp ứng được tiêu chí an toàn, nhẹ nhàng, hiệu quả, thi trong nỗi lo như thế là không ổn... Thậm chí, tôi biết được, có người đi làm nhiệm vụ thanh tra cũng đang có những băn khoăn lo lắng và tìm cách không tham gia nhiệm vụ này.

Đi kèm với sự lo lắng của phụ huynh, của học sinh là sự không an toàn. Ai dám chắc được sự lây lan không xảy ra? Một bài thi tổ hợp diễn ra trong vòng 2 tiếng đồng hồ, rất áp lực. Còn trong một phòng thi cách ly mà thầy và trò đều mặc quần áo bảo hộ thì làm sao mà chịu đựng được, hơn nữa không có gì đảm bảo để không có sự lây lan. Bây giờ việc ưu tiên phòng chống dịch phải được đưa lên hàng đầu, khi đang thực hiện cách ly hay giãn cách xã hội thì việc tổ chức kỳ thi này là không hợp lý”.

Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát cũng phân tích thêm: “Một số ý kiến cho rằng, việc xét học bạ là không công bằng, tôi lại cho rằng không phải như thế, số trường nằm trong “top cao” có tính phân hóa mạnh không nhiều, mà xét học bạ xong, sau quá trình đào tạo, các trường sẽ đào thải bớt những người không phù hợp”.

“Cố đấm ăn xôi” chẳng may… lây lan dịch bệnh

Thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn - Hà Nội) chỉ rõ: “Kỳ thi tốt nghiệp chủ yếu để xét tốt nghiệp, trong khi lâu nay, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT vẫn là gần 100%, do đó, có thi hay không, không quá quan trọng. Duy chỉ có mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học, bộ GD&ĐT nên có giải pháp tình thế để các trường vẫn có thể tuyển sinh, mặc dù, có thể sẽ khó khăn, thiệt thòi một chút cho cả thí sinh và các trường đại học, học viện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tôi cho rằng, nên hủy thi thay vì “cố đấm ăn xôi” rồi chẳng may lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.

“Giải pháp phòng chống dịch ở các địa phương như hiện nay mới chỉ là tăng thêm phòng thi dự phòng để có trường hợp ốm, sốt cho ra thi riêng hay đeo khẩu trang là chưa đủ. Đặc biệt, một số địa phương hiện đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu người dân ở trong nhà như Đà Nẵng, lại để thí sinh đến trường tập trung thi cử là mâu thuẫn giữa quy định và thực tế.

Chưa kể, thầy cô làm thi, coi thi ở phòng có thí sinh F1 với bộ đồ bảo hộ cũng khó có thể yên tâm để làm hết nhiệm vụ” - vị Hiệu trưởng phân tích thêm.

Trước thông tin bộ GD&ĐT đề xuất thi 2 đợt, thầy Nguyễn Quốc Bình nhận định: “Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt là rất bất cập. Bởi, biết khi nào thì mới hết dịch? Và các cán bộ coi thi cho những thí sinh đợt 2 sẽ được bảo vệ như thế nào? Việc chia làm 2 đợt thi chỉ càng khiến kỳ thi thêm rối, càng gây hoang mang cho thí sinh, phụ huynh và chính những người làm giáo dục. Theo tôi, vẫn nên bỏ hẳn kỳ thi này và tiến hành xét tốt nghiệp”.

Đồng tình với nhận định trên, Nhà giáo ưu tú Trần Luyến - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam - cũng nhấn mạnh: “Khi tổ chức thi thành 2 đợt, các thí sinh thi đợt sau đã mang nỗi lo sợ bệnh dịch rồi còn phải chờ đợi để được thi thì tâm lý sẽ càng không ổn định. Kết quả thi như vậy thì cũng sẽ không thể công bằng. Như vậy, chẳng thà tất cả cùng dừng lại kỳ thi này, như vậy có lẽ sẽ hợp lý hơn”.

T.T-N.T