img

“Tối hậu thư” cho thủy điện

Anh Ngọc

Những tồn tại kéo dài sau khi dự án thủy điện đi vào hoạt động đang khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương cho biết, sẽ kiên quyết giải quyết những vấn đề trước ngày 31/12/2021.

Người dân trắng đêm chạy lũ

Dù đã 3 năm trôi qua nhưng anh Nguyễn Văn Dương, SN 1981, trú làng Khe Bố, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vẫn nhớ như in vào ngày 19/7/2018, khi nhà máy Thủy điện Khe Bố xả lũ gây ngập úng nặng, thiệt hại nặng nề về tài sản.

“Chúng tôi nhận được thông báo qua loa đài rằng thủy điện sẽ xả lũ, nhưng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, cả làng đang trong giai đoạn chuẩn bị di dời tài sản thì nước lũ ập đến. Mọi người chỉ kịp vơ lấy quần áo rồi nhanh chóng rời đi, toàn bộ tài sản như tivi, tủ lạnh… đều bị ngập trong nước”, anh Dương kể.

img

Nhà máy thủy điện xả lũ khiến cho hàng trăm người dân bị ảnh hưởng vào năm 2018. Ảnh Hồ Phương.

Thời điểm này, chính quyền địa phương, lực lượng công an và bộ đội cũng nhanh chóng xuống hỗ trợ người dân trong đêm. Thế nhưng, chưa bao giờ người dân phải chịu hậu quả nặng nề như vậy bởi trận lũ.

Bà Bùi Thị Huệ, SN 1951, nhớ lại thời điểm khi phía trên Thủy điện Khe Bố xả lũ nhưng phía dưới Thủy điện Chi Khê lại giữ nước không xả, liên tục như vậy gần nửa tháng đã khiến nhiều căn nhà trong thôn của bà bị ảnh hưởng.

“Nền móng căn nhà của gia đình bị sập, nứt ngang, dọc. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị nhưng thủy điện chối bỏ trách nhiệm”, bà Huệ bức xúc.

img

Nhiều ngôi nhà bị ảnh hưởng. Ảnh Hồ Phương

Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng của 18 hộ dân ở Khe Bố, các hộ dân này đền đồng loạt kiến nghị cần phải khảo sát lại địa bàn nơi người dân đang ở và có biện pháp kịp thời giải quyết về lâu dài để họ yên tâm sản xuất, sinh sống.

Ngoài ra, tại xã Xá Lượng cũng có 14 hộ bị ảnh hưởng do xả lũ năm 2018 cần phải di dời tái định cư. Tổng kinh phí hỗ trợ ước tính khoảng trên 4,6 tỷ đồng. Hiện nay, UBND huyện đã bố trí đất xây dựng khu tái định trong khu dân cư của bản Xiêng Hương.

“Tối hậu thư” cho thủy điện

Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết, phát triển thủy điện là chủ trương đúng, người dân đồng thuận, chính quyền địa phương cũng tích cực giúp cho các nhà máy được xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành đúng tiến độ.

Tuy nhiên, Thủy điện Khe Bố để lại tồn tại quá lớn, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân. Cụ thể, có những hộ dân nhường đất thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường, ảnh hưởng cuộc sống, gây ra những ảnh hưởng xấu đến người dân khi lũ về, người dân đã và đang phải sống trong cảnh lo sợ, cuộc sống bấp bênh.

img

Thủy điện Khe Bố tại huyện Tương Dương.

Đặc biệt, 18 hộ dân của Khe Bố, xã Tam Quang, những hộ ảnh hưởng do cơn bão trong năm 2018 cần có đặc cách, không đền bù về đất thì phải cấp đất, không thể để người dân chịu cảnh lũ lụt, khiếu kiện kéo dài, hay sống trong cảnh thấp thỏm lo âu như hiện nay.

Theo ông Hải, chủ đầu tư cần tiếp tục phối hợp các phòng ban cấp huyện để thực hiện công tác bồi thường đúng đối tượng, chế độ, đơn giá. Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo ai làm sai người đó chịu.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương cũng chỉ đạo UBND huyện hoàn thiện báo cáo nội dung buổi làm việc gửi UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh để báo cáo tình hình; Văn phòng huyện ủy cũng hoàn thiện báo cáo để gửi lên Thường trực Tỉnh ủy.

img

Con đường vào khu tái định của Thủy điện Khe Bố làm chủ đầu tư mới 3 năm đã hư hỏng.

Trong các báo cáo, cùng với việc nêu rõ thực trạng, UBND huyện Tương Dương đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét, có văn bản trình Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng việc tích nước của Thủy điện Khe Bố để hoàn thành các tồn tại, vướng mắc.

Cụ thể, đến 31/12/2021 phải giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại. Đối với các hạng mục đầu tư xây dựng phục vụ di dân tái định cư có trong quy định hoặc phải đầu tư bổ sung, yêu cầu đơn vị hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2021.

Toàn tỉnh Nghệ An có 32 dự án thủy điện thuộc quy hoạch được phê duyệt. Trong số đó, có 13 dự án đã vận hành; 2 dự án đang chạy thử; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai. Từ năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương không xem xét bổ sung quy hoạch thủy điện. Tháng 8/2019, Tỉnh cũng thống nhất chủ trương thuê tư vấn để đánh giá tổng thể, toàn diện tác động của thủy điện trên địa bàn tỉnh.

A.N

img