TP.Đà Nẵng: Người dân "hờ hững" với sân ga, bến tàu trong ngày đầu mở cửa trở lại

Nhâm Thân

Chờ mong từng ngày tàu xe hoạt động trở lại để về quê, nhưng khi các tuyến vận tải đến đi TP.Đà Nẵng được khôi phục thì chưa nhiều người dân quyết định di chuyển vì lý do an toàn sức khoẻ.

Sân ga, bến tàu vắng khách

Ngày 7/9, tức ngày đầu tiên sau hơn 1 tháng trời đằng đẵng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, bộ GTVT cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải được khôi phục 100% tuyến vận chuyển hành khách đi và đến TP.Đà Nẵng.

Quyết định này đến từ đề nghị của UBND TP.Đà Nẵng nhằm tháo gỡ khó khăn vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong phạm vi đảm bảo phòng, chống dịch. Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, ngay khi UBND TP.Đà Nẵng thông báo quyết định này rộng rãi đến người dân, đại đa số tỏ ra vui mừng.

Quang cảnh vắng lặng của bến xe, ga tàu TP.Đà Nẵng ngày 100% các tuyến vận tải hành khách đến, đi được khôi phục.

Phần đông dự đoán, sau quyết định này hàng ngàn người sẽ nháo nhào khắp sân ga, bến tàu để về quê, làm việc, học tập… Bởi trước đó, có đến hàng chục ngàn nguyện vọng đăng ký rời TP.Đà Nẵng. Chính quyền Đà Nẵng liên hệ với các địa phương lên phương án đưa số người này về lại quê hương. Nhưng do một số điều kiện các tỉnh, thành chỉ mới có thể đón được số nhỏ lẻ người rời tâm dịch.

Nhưng, trái ngược với dự đoán đầy căn cứ đó. Ngày đầu tiên khôi phục 100% hoạt động vận tải hành khách, quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ, nơi bến xe, ga tàu Đà Nẵng là điều ai ai cũng có thể bắt gặp.

Tại phòng bán vé bến xe trung tâm TP.Đà Nẵng, các phòng vé đều mở cửa, sáng đèn. Tuy nhiên, nhân viên trực dường như chỉ có việc lướt điện thoại xem phim, thi thoảng lắm họ mới nhận được cuộc gọi hỏi vé hay lác đác có khách đến mua vé xe.

Chung tình cảnh đó, tại khu vực chờ xuất phát nhiều xe các tuyến Đà Nẵng đi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa, TP.HCM, Bình Định… với lượng khác vô cùng thưa thớt. Đỉnh điểm xe chạy tuyến Đà Nẵng - TP.HCM chỉ được 3 hành khách nữ.

Anh Trần Văn Linh, phụ xe tuyến TP. Đà Nẵng – Quảng Bình cho biết, việc cơ quan chức năng cho mở lại tuyến xe khiến anh rất mừng. Nó đã chấm dứt hơn 1 tháng thất nghiệp của anh. “Chủ xe rồi các hãng xe khác cũng vậy, sáng đi làm gặp nhau ai cũng vui. Nhưng giờ thấy buồn lại rồi. Người dân họ chưa có đi lại nhiều nên vắng. Có mấy xe bỏ chuyến, có xe thì vài người”, anh Linh chia sẻ.

Riêng tuyến Đà Nẵng – Huế, các hãng vận tải không tiến hành khai thác. Theo lời họ, sáng cùng ngày một số xe đi sớm chở khách ra địa phận Thừa Thiên Huế thì bị yêu cầu quay đầu. Điều này đã xuất hiện tình trạng một số nhà xe tuyến Quảng Trị nhận chở khách ra Huế nhưng trả các điểm vắng trên đường tránh QL1A nhằm tránh lực lượng kiểm soát phía TT.Huế.

Chung tình cảnh, bà Lê Thị Tuyến, cán bộ chi nhánh Vận tải đường sắt TP.Đà Nẵng cho biết, từ sáng 7/9, ga Đà Nẵng có 2 tuyến là SE1 và SE2 đi thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, lượng người tới mua vé tàu rất ít. Ga Đà Nẵng sẽ căn cứ tình hình thực tế để đề xuất tăng cường thêm các tuyến khác trong nay mai.

Trả lời Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Phạm Lợi, Tổng Giám đốc công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, sau khi có quyết định của bộ GTVT, các hãng vận tải hàng khách có tuyến đến, đi TP.Đà Nẵng đều đã khởi động công việc. “Nhưng không có khách. Sáng nay lưa thưa vài khách đi về Quảng Bình… Nhiều nhà xe họ hủy chuyến không chạy. Lý do là người dân e ngại về quê bị cách ly nên không đi”, ông Lợi nói.

Về công tác đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vị Tổng Giám đốc công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng thông tin rằng, nhân viên tại bến đã thực hiện ngay các công tác phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn trong việc đón khách như phun khử khuẩn các khu vực. Đội y tế tuần tra nhắc nhở người dân mang khẩu trang, bố trí bình sát khuẩn. Các phương tiện thì chỉ được chở 50% số ghế.

Hai sắc thái ở hai đầu cửa ngõ Đà Nẵng

Ngoài việc rời TP.Đà Nẵng bằng phương tiện vận tải hành khách, rất đông bộ phận người dân chọn phương tiện cá nhân xe máy, ô tô. Tại điểm kiểm soát dịch Bắc TP.Đà Nẵng, lực lượng chức năng hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo nhiệt độ trước khi rời địa phương. Tuy nhiên, rất đông số này khi ra đến địa phận Thừa Thiên Huế buộc phải quay đầu xe trở lại bởi chốt kiểm soát tỉnh này yêu cầu quay đầu.

Theo ghi nhận của PV, Thừa Thiên Huế vẫn sẽ cách ly tập trung đối với người đến từ TP.Đà Nẵng. Với người và phương chỉ lưu thông ngang qua địa bàn Thừa Thiên Huế để đi tiếp đến cách tỉnh phía Bắc thì phải đăng ký qua cổng thông tin điện tử với chính quyền. Do nhiều người dân chưa được nắm được điều này nên đành quay đầu về lại Đà Nẵng. Cũng rất đông người dân không được hệ thống đăng ký chấp nhận cho lưu thông qua địa bàn Thừa Thiên Huế vì các ly do khác nhau.

Lác đác khách mua vé ở bến xe trung tâm TP.Đà Nẵng

Trái ngược, ở cửa ngõ phía Nam TP.Đà Nẵng, giáp tỉnh Quảng Nam, sáng 7/9, hàng ngàn lượt phương tiện ô tô, xe máy rời tâm dịch về quê. Động thái này đến từ việc chính quyền Quảng Nam cho phép người từ Đà Nẵng về, không cách ly. Do số lượng người về lớn, các chốt kiểm soát dịch phải làm việc vô cùng vất vả.

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Nam chia sẻ, lượng người và phương tiện từ TP. Đà Nẵng về địa phương ngày 7/9 dự báo sẽ tăng cao. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định không cách ly với người về từ Đà Nẵng, nhưng buộc phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chịu sự giám sát của tổ công tác địa phương.

Theo đó, Quảng Nam thiết lập trạng thái "bình thường mới", sống an toàn với dịch bệnh. Để thực hiện điều này, vai trò của cơ sở, từ thôn xóm, phường xã, đến huyện thị được đề cao. Quảng Nam sẽ quản lý, giám sát chặt dịch bệnh từ cơ sở.

N.T