Tra cứu hồ sơ bạo lực gia đình: Giữ hạnh phúc tương lai bằng thông tin quá khứ

Tra cứu tiền sử bạo lực của bạn đời trước khi kết hôn có thể là một cách hay để giảm thiểu nguy cơ bạo lực gia đình.

Theo Tân Hoa Xã, thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vừa thành lập một chương trình thí điểm cho phép cá nhân trước khi quyết định kết hôn có thể tìm hiểu xem người bạn đời tương lai của mình có tiền sử bạo lực hay không.

Theo đó, thành phố đã cho ra mắt một hệ thống cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin của những người có tiền sử bạo lực với vợ, chồng, cha mẹ và con cái đã bị tòa án xét xử từ năm 2017

"Có nhiều trường hợp, một người chỉ biết về hành vi bạo lực gia đình của đối tác sau khi kết hôn. Bằng cách thiết lập cơ sở dữ liệu điều tra, cá nhân có thể biết trước và cân nhắc về việc kết hôn", bà Zhou Danying, phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ thành phố Nghĩa Ô giải thích.

Cơ sở dữ liệu này được thành lập sau khi tình trạng bạo lực gia đình ở Trung Quốc gia tăng đáng kể trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, năm 2016, Trung Quốc đã thông qua luật đầu tiên về bạo lực gia đình, nhằm bảo vệ quyền lợi của những người đã kết hôn. Tuy nhiên, các biện pháp chưa mang lại nhiều kết quả mong đợi.

Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng sáng kiến của thành phố Nghĩa Ô còn nhiều hạn chế bởi trên thực tế hệ thống cơ sở dữ liệu không thể bao quát các trường hợp bạo lực gia đình không được ghi nhận ngoài thực tế. Nhưng đây có thể là một giải pháp “phòng ngừa” nên có đối với bất kỳ người trẻ nào sắp bước vào cuộc sống hôn nhân.

Bạo lực gia đình không phải chuyện của riêng của Trung Quốc. Nhiều năm qua, tình trạng này cũng diễn ra nhiều ở Việt Nam, với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Hầu hết các trường hợp đều diễn ra trong âm thầm, gây ra những hậu quả đau đớn, đôi khi có sự can thiệp nhưng không giải quyết được triệt để gốc rễ của vấn đề.

Gần đây, mạng xã hội thường xuyên đăng tải những đoạn video ghi lại cảnh bạo hành gia đình khiến dư luận cảm thấy thương xót, phẫn nộ. Mới nhất có thể kể đến đoạn video ghi cảnh người chồng đánh vợ khiến đứa con nhỏ mới 6 tháng tuổi va đập mạnh vào cánh cổng rồi ngã văng ra đất bất tỉnh.

Đáng nói, cặp vợ chồng này chung sống với nhau không đăng ký kết hôn và người đàn ông có hành vi bạo lực này chỉ là chồng cũ. Đau buồn hơn khi cha mẹ xô xát, một đứa trẻ chỉ vài tháng tuổi còn yếu ớt lại phải gánh chịu những thương tật đau đớn mà đến người lớn còn không chịu đựng nổi.

Theo "Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam" do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện năm 2010, có đến 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong cuộc đời. Cũng theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011 tới 2015, trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình – một con số không hề nhỏ. *

Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, đưa ra những cơ sở pháp luật chính đáng để nạn nhân tự bảo vệ bản thân, nhưng thực trạng bạo lực vẫn còn là vấn đề nhức nhối, chủ yếu là do thái độ trong cách giải quyết vấn đề.

Nạn nhân là phụ nữ thường có tâm lý cam chịu, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, chấp nhận bị dày vò về cả thể xác và tinh thần. Ở hướng ngược lại, đàn ông vẫn mang nặng quan điểm gia trưởng, bảo thủ, phân biệt đối xử với phụ nữ, không tôn trọng bạn đời, sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người đầu ấp tay gối, thậm chí nghiêm trọng hơn là có các hành vi xâm hại, lạm dụng tình dục ở trẻ em.

Xóa bỏ bạo lực gia đình không phải là chuyện một sớm một chiều, khi thực trạng này xuất phát từ những suy nghĩ, tư tưởng sống “thâm căn cố đế” mà bản thân mỗi cá nhân khó thay đổi. Nhưng có nhiều cách để mỗi cá nhân tránh được những kết cục không bình yên của cuộc sống hôn nhân.

Người ta vẫn thường nói, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bởi vậy, ngay từ đầu mỗi cá nhân nên tìm hiểu kỹ về tính cách, phẩm chất của người sẽ đi với mình đến cuối đời. Cùng với đó, nạn nhân chịu bạo hành gia đình cũng cần nhận thức tốt hơn về quyền lợi bản thân, tự mình vượt ra những định kiến cổ hủ để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Tìm hiểu "lịch sử bạo lực" cũng là một ý tưởng hay, bởi có những việc của tương lai được trả lời bởi hành vi trong quá khứ.

Mỗi gia đình là tế bào của xã hội, vì lẽ đó, bạo lực gia đình không còn là chuyện trong nhà của mỗi người mà là chuyện của cả xã hội chung tay.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Chuông báo cháy không kêu, nhiều gia đình thoát chết nhờ cuộc gọi lúc nửa đêm

Thứ 7, 04/07/2020 | 16:22
Vụ hỏa hoạn xảy ra lúc nửa đêm ở chung cư của Công ty TNHH Thực phẩm Thông Tấn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi xảy ra vụ cháy, chuông báo cháy lại không kêu.