Trại lợn không phép “hành dân” hơn 15 năm, trải qua 3 Chủ tịch phường vẫn không thể giải quyết

Anh Ngọc

Một trại lợn với quy mô hàng trăm con ngay giữa khu dân cư thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An hoạt động không hề có các thủ tục giấy tờ theo quy định của pháp luật. Điều ngạc nhiên, trại lợn này đã tồn tại đến nay là 3 vị chủ tịch xã nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Nằm ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì thối

Những ngày mùa hè, thời tiết nắng nóng, cộng thêm hiệu ứng của gió Phơn Tây Nam càng khiến cho không khí vô cùng ngột ngạt.

Thế nhưng cuộc sống hàng trăm người dân tại khối Cát Liễu, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An lại càng thê thảm hơn khi bị mùi hôi thối của một trại lợn “hành hạ”. Theo người dân cho biết, đó là trại lợn của ông Phùng Đức Hạnh.

“Các anh không thể tưởng tượng nổi đâu, mùi hôi khủng khiếp lắm. Nhất là khi thời tiết nắng nóng, mùi càng bốc lên dữ dội, rồi gió thổi vào nhà khiến chúng tôi không thể nuốt nổi cơm nữa. Mấy hôm nay chúng tôi phải đóng hết cửa nhưng vẫn không biết làm sao để tránh mùi này nữa”, ông Nguyễn Văn Cường (SN 1949, trú xóm Cát Liễu) cho biết.

Nhà ông Cường chỉ cách trang trại lợn của ông Phùng Đức Hạnh chưa đầy 100m, vì vậy hàng chục năm nay luôn bị mùi hôi thối từ trại lợn “hành hạ”.

Theo ông Cường, mùi hôi này xuất hiện vào những thời điểm khác nhau, có khi là vào đêm khuya hoặc lúc sáng sớm, nhất là những lúc động trời hoặc thời tiết chuyển nắng sang mưa thì mùi hôi càng nồng nặc hơn.

Thở dài khi được hỏi, bà Phùng Thị Soa (SN 1955) cho biết: “Chúng tôi gửi rất nhiều đơn kiến nghị, kêu cứu trong nhiều năm liền nhưng không ai giải quyết cho. Gần 1 – 2 năm nay, chúng tôi chán nản nên không còn gửi đơn được nữa”.

Ông Hoàng Minh Tiến (SN 1963), nguyên là khối trưởng Cát Liễu từ năm 2009 đến 2017 xác nhận, trong các cuộc họp khối xóm, họp HĐND, họp cử tri… thì người dân đều đưa vấn đề này mong các cơ quan chức năng giải quyết. Thế nhưng không hiểu sao đến thời điểm này trang trại vẫn hoạt động.

“Nhiều gia đình vì thối quá nên phải đeo khẩu trang để ngủ. Vì vậy, chúng tôi có mời ông Hạnh đến họp, rồi phía phường và thị xã cũng lập rất nhiều đoàn để kiểm tra. Vậy mà không hề có xử phạt nào, cũng không hề có câu trả lời thỏa đáng. Người dân chúng tôi không biết kêu ai được nữa”, ông Tiến cho biết.

Điều đáng nói, theo tìm hiểu của phóng viên Người đưa tin pháp luật, trang trại lợn của Phùng Đức Hạnh chưa hề được các cấp có thẩm quyền cấp phép, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cũng không có hợp đồng thuê đất,… thế nhưng vẫn tồn tại hàng chục năm nay.

Thừa nhận việc này, chủ trang trại Phùng Đức Hạnh xác nhận, cơ sở của ông chưa hề có các giấy tờ trên. Nguyên nhân là do "yếu tố lịch sử".

"Hơn chục năm trước tôi làm trang trại được sự khuyến khích của cả phường và thị xã. Họ nói với tôi cứ làm đi rồi sẽ cấp giấy tờ sau. Do chủ quan nên tôi cũng không tìm hiểu và cũng không làm. Sau này biết thiếu giấy tờ, người dân cũng phản đối nên tôi đang tìm vị trí khác để chuyển trang trại. Nhưng do việc này không đơn giản nên cần thời gian", ông Hạnh phân trần.

“Quả bóng” trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Nguyễn Đức Lâm, Chủ tịch UBND phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò xác nhận có một trang trại lợn nằm trong khu dân cư thuộc khối Cát Liễu. “Tôi mới lên nhậm chức chủ tịch phường, cũng đã nắm được thông tin người dân phản ánh. Qua kiểm tra, phản ánh của người dân là đúng sự thật, vì thế tôi đã báo cáo lên UBND thị xã để tìm hướng giải quyết”, ông Lâm nói.

Theo đại diện UBND phường Nghi Thu, năm 2002, ông Phùng Đức Hạnh đã xin được lập một cơ sở chăn nuôi bò sữa tại địa phương. Thời điểm này mô hình chăn nuôi bò sữa đang được phường và thị xã khuyến khích, nên ông Hạnh nhanh chóng có được 5578,1m2 dù không hề có giấy tờ nào, để lập trang trại với 29 con bò.

Tuy nhiên, việc nuôi bò sữa không đạt hiệu quả, vì thế ông Hạnh dần dần chuyển sang nuôi lợn. Thời gian cao điểm, trang trại của ông có tới hơn 500 con lợn. Điều đáng nói, từ thời điểm đó cho đến hiện nay cơ sở này cũng không hề có một giấy tờ, thủ tục nào cả.

Trao đổi về vụ việc, ông Phùng Trọng Thọ, Bí thư Đảng ủy phường, nguyên là Chủ tịch UBND phường Nghi Thu thừa nhận, trang trại của ông Phùng Đức Hạnh chưa hề được cấp phép.

“Trang trại này được ông Hạnh xây dựng trước thời điểm tôi lên làm Chủ tịch phường. Lúc đó, trang trại của ông Hạnh là cơ sở đầu tiên ở thị xã sản xuất, cung cấp lượng thịt lợn nạc sạch ra thị trường. Nhưng không ngờ sau đó ông Hạnh cũng không hề làm thủ tục, giấy tờ gì cả”, ông Thọ nói.

Theo ông Thọ, giai đoạn nắm giữ cương vị Chủ tịch phường, ông đã nhiều lần đốc thúc chủ cơ sở hoàn thành thủ tục, ngoài ra còn lập các đoàn kiểm tra, cùng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã, để đánh giá về sự ô nhiễm của trang trại.

“Từ năm 2018 – 2019, ông Hạnh có hứa sẽ giảm đàn, xử lý môi trường không để việc ô nhiễm ảnh hưởng người dân. Chủ cơ sở này đang xây dựng một trang trại ở huyện Nghi Lộc và huyện Yên Thành để chuyển lợn về đó, tránh xa khu dân cư. Do việc xây dựng, di chuyển cần có thời gian, không thể ngày một ngày hai nên phường vẫn tạo điều kiện cho ông Hạnh. Hiện trang trại chỉ nuôi vài chục con nữa thôi”, Bí thư Đảng ủy phường nói.

Để làm rõ hơn về trách nhiệm của phường và thị xã khi để một trang trại lợn không phép tồn tại hơn 15 năm trên địa phương, chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò. Tuy nhiên, sau nhiều lần đến trụ sở, cùng với việc liên hệ qua điện thoại thì vị này cáo bận do đi họp. Khi được hỏi về hướng giải quyết, bà Dung cho biết thị xã đã có chỉ đạo và hướng dẫn phóng viên gặp chủ tịch phường để nắm thêm thông tin (?!).

Như vậy, qua câu trả lời của các lãnh đạo phường Nghi Thu và thị xã Cửa Lò thì việc trang trại lợn không phép, ô nhiễm vẫn chưa thể giải quyết. “Quả bóng” trách nhiệm và hướng giải quyết, xử lý thì tiếp tục lăn đi lăn lại. Cuối cùng, trong đêm nay và nhiều đêm nữa người dân vẫn sẽ phải sử dụng khẩu trang để đi ngủ.

A.N