Trăn trở nâng cánh diều sáo cổ Hà Nội lên khoảng trời mới

Lê Liên

Không sản xuất đại trà như những làng nghề khác, các nghệ nhân làng nghề diều sáo cổ lớn nhất miền Bắc chỉ làm khi vào lễ hội hoặc mang đi triển lãm quốc tế. Chính vì vậy, những con diều sao độc đáo nơi đây không hề bị cuốn vào vòng xoáy mang tên thị trường, cả nghìn năm nay vẫn giữ được hồn trong trẻo, thanh tao.

Làng cổ diều sao nghìn năm lịch sử

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, một ngôi làng cổ tọa lạc sát đê sông Hồng vốn nức tiếng gần xa với “món đặc sản” bồng bềnh giữa lưng trời. Đó chính là làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) với những con diều sao có thể làm ưng lòng mọi du khách thập phương.

Ở làng Bá Dương Nội, ai sinh ra cũng biết chơi diều, cũng có thể tự làm diều cho mình. Có thể nói, những cánh diều dường như đã đi sâu vào tiềm thức, gắn liền với tuổi thơ của bất kỳ ai sinh ra từ làng. Điều đặc biệt là người dân Bá Dương Nội làm diều không để buôn bán, mưu sinh, mà chỉ để thỏa mãn thú chơi diều và thường mang diều đi giao lưu ở các lễ hội diều trong nước và quốc tế.

Theo các bậc lão niên trong làng, thú chơi diều đã trả qua thăng trầm nghìn năm tuổi, vẫn vẹn nguyên là một thú chơi vừa dân dã, vừa rất mực thanh tao. Ghé thăm nghê nhân Nguyễn Hữu Kiêm (sinh năm 1946), người sinh ra trong một gia đình đã có 6 đời làm diều sáo, chúng tôi được nghe những tích truyện khác nhau về làng diều.

Hàng năm cứ vào 15/3 âm lịch người dân làng Bá Dương Nội lại tổ chức hội diều.

Theo ông Kiêm, thú chơi diều gắn liền với câu chuyện về tướng Nguyễn Cả, vị tướng tài của vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi giúp vua dẹp loạn 12 sứ quân, tướng quân Nguyến Cả đã từ quan về làng, dạy dân trồng trọt, cày cấy, mở hội...Những năm tháng say thú điền viên, vị tướng đã bày cho đám trẻ trong làng nhiều trò chơi thú vị, trong đó có trò thả diều. Ông dạy dân biết dùng tre bánh tẻ phơi nắng, lấy nhựa sung, bồi giấy, dán vào khung tre để tạo nên những con diều hấp dẫn trẻ thơ.

Một câu chuyện dân gian khác, ngày xa xưa trời với đất được giao hòa với nhau, nên khi dưới đất có lễ hội thì các nàng tiên thường xuống dân gian dự lễ hội . Bỗng một ngày bầu trời cứ cao cao lên mãi, các nàng cũng theo đó bay lên, không xuống thăm nữa. Nên người dưới trần muốn gửi gắm sự nhớ nhung lên trời bằng cách thả diều, nhưng chỉ cánh diều không thì rất tẻ nhạt, nên người ta mới nghĩ ra gắn ống phên để tạo ra âm thanh. Đó là những lời gọi mời các nàng tiên xuống trần gian.

Có lẽ xuất phát từ những ngày lễ hội vui vầy ấy, cứ đến 15/3 Âm lịch hàng năm, người dân làng Bá Dương Nội lại tấp nập tổ chức hội thi diều tại sân đền thờ thân Châu Thổ, thu hút du khách thập phương.

Thổi làn gió nâng cánh diều bay xa

Men theo con đường nhỏ dọc ra cánh đồng, nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm chỉ cho tôi những cánh diều đang bay bổng giữa lưng trời mà chia sẻ: "Để làm được một chiếc diều sáo truyền thống mà hay, thì phải tuyển lựa kỹ càng từ nguyên vật liệu, "bộ xương" phải được làm từ những thân tre bánh tẻ không mọt, phất bằng giấy đó. Sáo thường được chọn những ống tre già, tròn, thẳng đủ kích thước, đường kính hai đầu ống phải bằng nhau, không được nứt nẻ, đặc biệt, tuyển được những ống tre già chết từ trong bụi thì càng tốt, sẽ cho âm thanh trong trẻo".

Nhìn theo cánh diều có hình vầng trăng khuyết và không có đuôi, người nghệ nhân giải thích: "Để diều bay cao, bay xa, người chơi phải chuẩn bị dây thật dài. Một con diều hoàn hảo phải giữ được bay theo phương thẳng đứng, tiếng sao phải trầm bổng, dõng dạc, có hồn, có nhịp. Những bản nhạc được xướng lên tùy theo cảm hứng của mỗi người "nghệ sĩ"... Cánh diều thường được tạo hình vầng trăng, vốn là hình ảnh gắn liền với người nông dân Việt Nam từ ngàn đời nay. Hơn nữa, hình dáng này cũng giúp đảm bảo nguyên tắc khí động học, giữ cho cánh diều thăng bằng trên cao.

Mặc dù làng Bá Dương Nội không đưa sao diều thành mặt hàng thương mại, nhưng mỗi dịp Tết thiếu nhi 1/6 hàng năm, người nghệ sĩ hơn 70 tuổi này sẽ không từ chối lời mời hoặc đặt hàng của những vị khách thập phương làm những con diều sáo để góp phần mang đến cho trẻ em có ngày lễ thật ý nghĩa.

"Chỉ cần có dịp giới thiệu cho trẻ em nghệ thuật làm diều, chơi diều là tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Qua đó, chúng sẽ biết được ý nghĩa của cánh diều sao đãz tồn tại như thế nào trong lịch sử nghin năm thăng trầm...", ông Kiêm hồ hởi.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm giới thiệu sáo cho chúng tôi biết.

Ông cùng ban Quản lý hội Diều sao cũng nảy ra ý tưởng, dành một ngày đặc biệt cho trẻ em hàng năm. Cứ mỗi độ 14/3 Âm lịch, làng sẽ tổ chức cuộc thi diều sáo cho trẻ em trong làng, với ý nghĩa trao truyền giá trị văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để lớp trẻ có thể cảm nhận những tinh hoa của cha ông truyền lại.

Trong đôi mắt của người nghệ nhân ấy như vẫn hiển hiện nỗi lo ngại, sợ những người biết chơi diều sáo, biết làm diều sáo ngày càng ít đi. Đứng trước những nguy cơ có thể khiến truyền thống của làng diều cổ bị mai một, từ năm 2004, ông Kiêm đã cùng các nghệ nhân trong làng thành lập câu lạc bộ diều sáo với hơn 20 thành viên. Ông bộc bạch: "Thực ra, thú chơi diều không dễ mất đi, nhưng điều đáng lo nhất là sự mai một của những tiếng sáo hay. Bởi lẽ, ít nhất mỗi người phải mất nhiều năm mới có được kinh nghiệm tạo ra những cây sáo diều có thanh âm tinh tế". Hiện nay, lớp trẻ trong làng Bá Dương Nội vẫn mê cách làm diều, đó được xem như "liều thuốc" xoa dịu phần nào nỗi băn khoăn ở những người mang sứ mệnh trao truyền văn hóa như nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm.

Những con diều làm bằng giấy gió giờ còn rất hiếm, thay vào đó người ta đã làm diều bằng vải cho bền.

Nheo mắt trông theo những cánh diều no gió, ông Kiêm vẫn còn những trăn trở muốn thổ lộ: "Mặc dù, diều sáo là nét dân gian truyền thống của Việt Nam nhưng đến nay bạn bè thế giới chỉ biết đến sáo diều Việt Nam thông qua những cuộc triển lãm quốc tế. Tôi hy vọng một ngày cánh diều sáo sẽ bay xa hơn, được công nhận à di sản văn hóa Quốc gia để dễ dàng truyền bá nét văn hóa này".

"Đặc sản" hội thi thả diều

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Phan Văn Hà, Trưởng ban di tích, Trưởng ban tổ chức lễ hội Diều sáo làng Bá Dương - cho biết, chỉ có ở làng Bá Dương mới tổ chức hội thi thả diều, và thi sẽ có giải. Đó nó là nét truyền thống mong mùa màng tươi tốt, một cuộc sống bình an.

“Những năm thi diều không có gió buồn lắm. Hoặc như năm nay, do dịch nên lễ hội không được diễn ra. Năm nay chúng tôi định tổ chức to vì thường vào năm chẵn sẽ làm rất lớn. Nhưng do dịch Covid-19 nên đành gác lại năm sau”- ông Hà chia sẻ.

L.L