Trong những nỗi khổ lớn của đời người, tuổi già là một trong những thử thách được coi là khủng khiếp nhất. Tuy nhiên, sự thực này khó lòng thay đổi nếu chỉ cậy trông vào phép màu kỳ diệu hô biến mọi dòng nước mắt – sự hiếu thảo, hy sinh của những người con- chảy ngược về kỳ quan tuyệt vời nhất mà tạo hóa ban tặng cho họ – cha mẹ.
Cô con dâu to khỏe nắm đôi chân gầy tong teo chỉ còn da bọc xương của người mẹ chồng ở tuổi gần đất xa trời giật mạnh nhiều hồi, rồi kéo lê trên giường. Sự hằn học của cô con dâu trước tính hay quên và không tự chủ vệ sinh cá nhân của người mẹ chồng 88 tuổi, mất trí tiếp tục lên đến đỉnh điểm bằng các cú tát trời giáng và những làn roi tàn khốc.
Đánh nhiều lắm, đánh đến mức tấm lưng còng không còn đủ sức oằn lên chống trụ. Cụ bà bất lực nằm yên!
Mấy ai dám xem hết clip, xem thoáng thôi mà rụng rời chân tay vì nó đau lòng quá. Cụ hẳn đau lắm. Đau thân xác và đau trái tim.
Ấy thế mà ở phía bên đối diện, ngay chính trong căn phòng oan nghiệt ấy, người con trai đẻ của cụ thản nhiên đứng nhìn. Nhìn thôi chưa chịu, đôi tay vô nhân tính của “núm ruột” tiếp tục nối dài những làn roi xuống thân hình còm cõi của đấng sinh thành oan nghiệt, tàn khốc chẳng khác một kẻ thù.
Vụ việc đau lòng xảy ra chưa lâu ở Tiền Giang!!
.....
Cũng ở cái tuổi xưa nay hiếm, người mẹ 78 tuổi, có 4 người con trai một ngày bị chính con dâu và cháu nội chở và “thả ” vào căn nhà bỏ hoang từ lâu. Bà một mình nằm dưới nền đất trong suốt cả buổi chiều và một đêm mà không ai hay biết.
Vụ việc xảy ra ở Cà Mau vẫn khiến dư luận đang nảy lửa phẫn nộ!!
.....
Trong khi đó, ở trung tâm Bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc (quận 12, TP.HCM), cụ H. tránh nhắc lại chuyện con gái bắt cụ đi xin ăn đến gần 12 giờ khuya để lấy tiền xây nhà. Cụ chôn chặt trong lòng chuyện thằng cháu ngoại thường văng tục, có lúc đánh cụ đến ngất xỉu. Và cụ cũng giấu kín nỗi ám ảnh về những ngày chân bước run rẩy, liêu xiêu nhiều lúc ngã quị ở khu hồ Con Rùa.
Nhưng những giọt nước mắt không thể giấu được mà lăn dài trên gương mặt người phụ nữ một đời tần tảo nuôi con…
....
Người mẹ ở Tiền Giang, Cà Mau hay TP.HCM này thực ra chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm của những thân phận người già bất hạnh, khổ đau và bế tắc giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống hiện đại vốn đang làm bào mòn một tập tục cao đẹp ở xứ ta: phụng dưỡng cha mẹ già.
Bao nhiêu mẹ cha đang héo hon mỗi ngày vì những hằn học và thói thờ ơ quen thuộc của thế hệ con cái trong thời hiện đại? Bao nhiêu người già phải thận trọng với chính con đẻ của mình? Bao nhiêu người già lẻ loi, cô đơn thèm được bón từng thìa cháo, được nghe và được nói chuyện với con thay vì người giúp việc hay cái tivi vô cảm?
Trong muôn vàn tội lỗi, bất hiếu luôn là tội nặng nhất. Dù có ngàn lời sỉ vả của người đời hay những bản án của pháp luật nghiêm khắc nhất cũng là không đủ với tội bạo hành cha mẹ của những đứa con trời đánh. Trời không dung đất không tha cho kẻ chối bỏ đạo làm người.
Có điều, bạo hành cha mẹ, nếu coi là chuyện cá biệt, thì nghịch lý “Một người mẹ có thể nuôi 10 đứa con nhưng 10 người con không nuôi nổi một mình mẹ” dường như đã thành chuyện không hiếm. Vì sao vậy?
Trong muôn vàn lý do bao biện cho việc chối bỏ khước từ phụng dưỡng cha mẹ già, một câu phủi bỏ trách nhiệm mà nhiều người trẻ giờ rất thích nhắc đến đó là so sánh với người ở... xứ Tây. “Ở Tây con cái toàn ở riêng, người già cứ thế mà vào viện dưỡng lão”...
Nói vậy là nghĩ một mà không nghĩ hai. Trong khi ở phương Tây, 18 tuổi, đa phần thanh niên các nước phát triển đều phải tự lo cho cuộc sống của mình, đi làm thêm, sống riêng, mưu sinh để tự trang trải chi phí. Còn ở xứ ta, rất phổ biến cảnh cha mẹ nuôi con cái một cách “bao cấp” đến học xong đại học, thậm chí đến khi đi làm, vẫn sống chung với cha mẹ, được cha mẹ nuôi ăn ở.
Có cha mẹ nào như cha mẹ Việt mình, yêu thương con là hy sinh, là dành hết bản thân để chăm lo con cái cho đến cả lúc nhắm mắt xuôi tay? Yêu thương con là nước mắt chảy xuôi, là cho đi và chỉ mong con sống tốt, không cần đền đáp?
Nước mắt chảy xuôi, là lẽ thường, nhưng nước mắt cũng nên chảy ngược. Hiếu hạnh với cha mẹ ông bà là điều luôn luôn cần có trong đạo lý làm người.
Tuy nhiên, điều này vẫn là chưa đủ. Có lẽ đã đến lúc xã hội cần phải thay đổi cách ứng xử với người già.
Việt Nam chính thức bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2014. Dự báo, nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, tức là chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” – một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới. Thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.
Khi có dân số già hóa, các chế độ an sinh cả về tinh thần, vật chất cho người già cũng như nhận thức về vấn đề này ở xứ ta nhất thiết phải thay đổi. Ở nhiều nước trên thế giới, luôn có đường dây nóng để bảo vệ người già. Bất cứ khi nào bị ngược đãi, các cụ ông, cụ bà đều có thể gọi báo ngay với nhà chức trách.
Nhiều quốc gia có dân số già như Nhật Bản, Úc cũng thường tổ chức các lớp dạy các cụ tiếp cận công nghệ cho đỡ buồn. Những phong trào tình nguyện khuyến khích thanh niên tới thăm hỏi người già, trò chuyện và đọc sách, ăn với họ bữa cơm cũng được nhiều nước tổ chức.
Thậm chí, ở một số nước, để khuyến khích con cái đón cha mẹ về sống chung, chính phủ sẽ giảm giờ làm, giảm thuế hoặc được hưởng thêm ưu đãi trong chăm sóc y tế, sức khỏe cho những người con.
Ai rồi cũng phải già đi. Và việc sắp xếp cho người lớn tuổi một tương lai đủ an tâm luôn là điều cấp bách.
Ở xứ ta, có lẽ đã đến lúc cần xây dựng một hệ thống an sinh bền vững hơn cho người già, những người đã cả đời đóng góp cho xã hội.
Bởi nếu không, rất có thể khi về già, câu hỏi đau buốt trong tim sẽ là: Trẻ cậy cha, già cậy ai?
Thu Hương* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.