Trồng người đâu cần hình phạt tàn nhẫn

Giáo dục chỉ đơn giản là dạy dỗ, nuôi dưỡng, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho con người. Định nghĩa đó chưa bao giờ có thêm cái gọi là thực thi hình phạt tàn nhẫn đối với những ai mắc lỗi. Nhà trường không phải là nhà tù, vậy cớ sao vẫn còn đó những cách răn đe như cực hình?

img

Theo tờ Nation Thailand, một trường phổ thông ở Thái Lan hôm 8/9 đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm về cái chết đau lòng của một nam sinh 13 tuổi sau khi bị cô giáo trừng phạt vì lý do không làm bài tập về nhà.

Ông Pramot Eiamsuksai, chú của cậu bé cho biết, cháu trai mình bị ốm suốt ba ngày và phải đến bệnh viện để theo dõi trước khi trở lại trường học tập. Tuy nhiên, giáo viên của cậu bé nhất quyết phạt cậu vì không chịu làm bài tập về nhà trong lúc nằm viện.

Cậu bé học sinh xấu số này bị giáo viên ép thực hiện 100 lần động tác squat, một động tác tập luyện thể dục phổ biến nhưng rất tốn sức. Thậm chí đến cả người khỏe mạnh bình thường cũng không phải ai cũng làm được 100 lần liên tục nếu như không tập thường xuyên.

Do cơ thể còn chưa hồi phục, hình phạt nặng khiến cậu bé bị ốm trở lại. Cậu về nhà ngủ vùi và đến sáng hôm sau, cha mẹ phát hiện con mình đã mãi mãi không tỉnh lại. Các bác sĩ chẩn đoán cậu bé có thể đã chết trong giấc ngủ vào khoảng 3 giờ sáng do có những vấn đề về tim mạch.

Trước áp lực dư luận, nhà trường cuối cùng đã liên lạc với gia đình để xin lỗi và nhận trách nhiệm về thảm kịch này. Mặc dù vậy, gia đình cậu bé vì quá đau lòng nên cũng không muốn đẩy sự việc đi quá xa mà chỉ coi đây một bài học dành cho các giáo viên. Họ muốn các giáo viên nên cân nhắc trước khi đưa ra bất kỳ hình phạt đau đớn nào cho học sinh.

Tháng trước, công chúng Thái Lan cũng phẫn nộ về vụ việc một nữ sinh viên tại đại học Rajabhat ở Phuket qua đời sau khi bị phạt trong buổi tập của đội cổ động. Cô gái phạm lỗi và bị phạt chạy nhiều vòng nhưng sau đó tử vong trước khi hoàn thành. Theo báo cáo khám nghiệm, nữ sinh viên đã bị đột quỵ do thiếu oxy lên não và bị xuất huyết phổi.

Đó là những câu chuyện đau lòng nhưng không phải quá mới mẻ. Đọc báo hàng ngày, người ta có thể thấy ở bất cứ nơi đâu, dù là phương Tây văn minh hay những nơi còn lạc hậu, nghèo khó, đều có những câu chuyện liên quan đến mối quan hệ tồi tệ giữa giáo viên và học sinh. Không biết từ bao giờ, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh không còn bao phủ bởi tình yêu thương, chở che thiêng liêng như trước. Thay vào đó, chúng ta được nghe về những hình phạt ngày càng “sáng tạo” và bạo lực từ những thầy cô như “mẹ hiền”.

Đành rằng học sinh có ngỗ ngược, “thương cho roi cho vọt”, có thế cô giáo mới giữ được cái uy trên bục giảng, nhưng cách hành xử đâu cần thiết phải nặng tay với những đứa trẻ còn chưa lớn, nhận thức còn ngây ngô, để lại cho chúng những vết hằn đau đớn về thể xác lẫn tâm lý?

Mới đây, một học sinh lớp 4 trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định) đã bị cô giáo đánh đến bầm tím tay chỉ vì lý do đơn giản là viết bài chậm. Hay tương tự như trường hợp ở Tiền Giang, hồi tháng 5/2019, một học sinh lớp 6 tại trường THCS Mỹ Phong cũng do không thuộc bài mà bị cô giáo phạt đứng lên, ngồi xuống 200 lần đến mức ngã quỵ.

Năm ngoái, cũng ồn ào câu chuyện 17 phụ huynh có con đang theo học lớp 2 trường Tiểu học Trung Văn (Hà Nội) có đơn tố cáo về việc nhiều học sinh trong lớp phản ánh bị cô giáo chủ nhiệm đánh như “quân thù” mỗi khi mắc lỗi, với những “chiêu thức” như chân đạp vào bụng, lấy thước kẻ nhôm đánh vào đầu, giật tóc, xé vở... Quá nhiều những xô xát nơi môi trường giáo dục, đến mức các bậc phụ huynh phải tự hỏi: Rốt cuộc con tôi đến trường để học tập hay đi đánh trận?

Giáo viên vốn là người được trọng vọng trong xã hội. Họ là trí thức, hiểu đạo lý, am tường pháp luật. Ngoài cha mẹ, giáo viên là người ảnh hưởng lớn nhất đến xây dựng cốt cách của mỗi đứa trẻ. Bởi vậy, người làm nghề giáo phải là tấm gương sáng nhất, sáng trong tâm, sáng trong hành động. Họ phải người thưởng phạt nghiêm minh, sao cho học trò cảm thấy thưởng mà xứng đáng, phạt mà tâm phục.

Không ai phủ nhận nghề giáo cũng là nghề áp lực nhất khi học sinh thời nay nhất quỷ nhì ma, vô lễ, cứng đầu. Nhưng ai cũng biết rằng đòn roi chẳng bao giờ giúp những đứa trẻ ngỗ ngược vỡ lẽ ra, mà cần thu phục chúng bằng cái tầm của người trưởng thành. Phạt nặng học sinh đến mức qua đời một cách bi thương thì còn ai muốn theo thầy cô để học, còn ai để thầy cô tiếp tục sự nghiệp trồng người?

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img