Trường đại học “nâng khống” điểm để thí sinh trượt oan: Sự bất lực của hiệu trưởng

Khi mùa tuyển sinh dần khép lại, nhiều trường đại học đột ngột nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh, với lý do không đủ sinh viên để mở lớp. Câu chuyện dở khóc dở cười cho thấy năng lực tự chủ của một số trường đại học đang có vấn đề.

img
img

Sau khi đợt điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh đại học - cao đẳng kết thúc, không ít thí sinh “ngã ngửa” vì đam mê với ngành học yêu thích tưởng như đang trong tầm tay bỗng nhiên vụt tắt.

Trường đại học Đồng Nai, trường đại học Hùng Vương TP.Hồ Chí Minh... cùng hàng loạt trường đột ngột nâng mức điểm chuẩn một số ngành lên mức “kịch trần” khiến dân tình ngã ngửa, trong khi trước đó, những ngành này lấy điểm không cao.

Hóa ra, theo lý giải của lãnh đạo trường, do số lượng thí sinh trúng tuyển quá ít, trường không thể mở ngành nên quyết định nâng điểm chuẩn để tự động loại thí sinh hàng loạt.

Trên thực tế, các trường đại học này không vi phạm so với quy chế tuyển sinh và lý do đưa ra phần nào được các nhà chức trách đồng thuận vì nếu cứ cố duy trì việc đào tạo một vài thí sinh thì “cố quá thành quá cố”, gây lãng phí công sức, tiền của cho các thí sinh này.

Nhưng ở chiều ngược lại, nói như vậy liệu có hoàn toàn đúng?

Trường không sai quy chế tuyển sinh, nhưng còn về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với thí sinh thì sao?

Không phải thí sinh nào cũng có nhiều cơ hội lựa chọn sau khi bị trượt oan với những ngành bị “nâng khống” điểm chuẩn. Có những thí sinh sau khi biết điểm thi và điểm chuẩn tuyển sinh, đã yên tâm với nguyện vọng mà mình đăng ký, nghĩ rằng chắc chắn sẽ đỗ đại học, lại bất ngờ nhận tin sốc.

Nhiều trường đại học đột ngột “nâng khống” điểm chuẩn vì không đủ điều kiện mở lớp.

Tuy nhiên, một số trường đại học năm nay vẫn “đi lại vết xe đổ”, không đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đồng nghĩa với việc vô tình tự hạ vị thế của trường, tự đánh mất uy tín được dày công gây dựng bao năm qua.

Chủ trương giáo dục lấy người học làm trung tâm mà tuyển sinh lại không đảm bảo quyền lợi thí sinh, liệu có đúng? Hay đó chỉ là một biện pháp “đối phó” khi bản thân trường không có đủ năng lực tính toán và giải quyết rủi ro.

Tuyển sinh không phải là một chuyện đùa để các trường đại học thích thì mở ngành với tâm lý được chăng hay chớ. Rồi khi thấy không đủ lực, không đủ điều kiện lại loay hoay tìm những phương án đối phó.

Hiện nay, các trường đại học đang được trao quyền tự chủ, nhưng được tự chủ không có nghĩa là tự chủ một cách dễ dãi, mở ngành vô tội vạ không cần lường đến tính khả thi, tính ứng dụng hay thị hiếu lao động. Để rồi sau đó, không đủ điều kiện thì thẳng tay dẹp ngành như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đã vậy, lại không thông tin sớm trong thời gian còn được thay đổi nguyện vọng, chẳng khác nào trường đang “phục kích” thí sinh, nhất định phải khiến thí sinh “trở tay không kịp”. Những tổn thương ấy làm sao có thể bù đắp?

Việc lừa dối thí sinh cũng thể hiện sự bất lực của một hiệu trưởng ngôi trường “không có đủ tư cách” để thực hiện quyền tự chủ.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img