Trường quốc tế thu đủ học phí dù học online: Đúng hay sai?

Câu trả lời là có thể đúng về lý nhưng sai về tình.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh có con học trường quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh “sốt xình xịch” vì bức xúc với chính sách học phí của trường.

Cụ thể, trường THCS và THPT Sao Việt (VSTAR School) tại quận 7, TP.HCM được cho là đã gửi thông báo yêu cầu đóng học phí năm học 2020-2021, chậm nhất 30/6/2020, mặc dù năm học 2019-2020 chưa hết và với tình hình dịch bệnh thế này cũng chưa biết khi nào có thể bắt đầu năm học sau.

Tương tự, trường quốc tế Úc (AIS Saigon) ra thông báo đóng học phí năm học 2020-2021 từ ngày 6/4/2020 nhưng không hề đề cập đến việc hoàn trả học phí trong thời gian học sinh tạm nghỉ vì dịch bệnh. Đến khi phụ huynh phản ứng thì mới quyết định hoàn trả theo tỷ lệ thấp là 5%, 12%, 20% tuỳ cấp học, nhưng lại ra điều kiện phụ huynh phải tiếp tục cho con em theo học tại trường.

Cá biệt có trường quốc tế Mỹ còn tính cả phí chậm nộp học phí trong thời gian nghỉ dịch.

Sự việc bị đẩy lên cao trào khi mới đây, một số phụ huynh đã tập hợp chữ ký trong lá đơn cầu cứu gửi lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu can thiệp để được hoàn trả học phí từ 50% đến 70%, cho khoảng thời gian học sinh nghỉ học, đồng thời hoàn trả 100% các khoản thu ngoài học phí như: xe đưa đón, các lớp học ngoại khóa…

Chưa biết người đứng đầu ngành Giáo dục có thể can thiệp đến đâu khi mà vấn đề này chưa hề có tiền lệ.

Thật vậy, có lẽ trong lịch sử giáo dục nước nhà chưa từng xảy ra vụ việc bất khả kháng nào khiến học sinh phải tạm nghỉ học một thời gian dài như lần này.

Do đó luật Giáo dục và các luật liên quan không hề có điều khoản quy định về tỷ lệ hoàn trả học phí trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện các vụ án dân sự” bao gồm thời gian xảy ra các sự kiện bất khả kháng. Từ đó có thể khẳng định học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19 thuộc sự kiện bất khả kháng.

Khoản 2 Điều 351 và Khoản 2 điều 584 của Bộ luật Dân sự 2015 lại quy định, trong trường hợp bất khả kháng, nhà trường không phải hoàn trả học phí cho người học trừ khi có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì không có điều khoản nào đề cập vấn đề hoàn trả học phí.

Trong khi đó, khác với hệ thống giáo dục công lập (coi giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, được thụ hưởng nguồn chi từ ngân sách), hệ thống giáo dục ngoài công lập vốn hoạt động như mô hình doanh nghiệp thuần tuý, quan hệ giữa trường và người học là quan hệ dân sự trong lĩnh vực mua bán hàng hoá, nên không có cơ sở để áp đặt cơ chế học phí.

“Với những trường ngoài công lập, Sở không can thiệp về học phí, đó là sự thỏa thuận giữa nhà trường và người học. Tuy nhiên, học phí phải được công khai và được tất cả phụ huynh đồng ý” - ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã trả lời trên báo chí như vậy.

Như vậy về lý, nếu trong nội quy của nhà trường hoặc thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh không đề cập nghĩa vụ thanh toán trong trường hợp bất khả kháng thì việc các trường vẫn thu đủ học phí không có gì sai.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ “thoả thuận”, thì các trường sẽ chỉ đúng nếu chứng minh được rằng thời gian học sinh học online ở nhà, trường vẫn phải chi 100% các khoản thuê mặt bằng, trả lương giáo viên, học cụ… và việc học online vẫn đạt được hiệu quả như khi học ở trường. Ngược lại, phụ huynh hoàn toàn có thể khởi kiện trường vì cung cấp dịch vụ không đúng chất lượng đã cam kết.

Khi đó, trường phải công khai báo cáo toàn bộ chi phí đã chi trả cho hoạt động giáo dục trong thời gian nghỉ dạy trực tiếp và học sinh học online ở nhà.

Nhưng xét đến cùng, cho dù cho các trường có đúng về lý, tôi cho rằng việc thu đủ 100% học phí trong bối cảnh dịch bệnh làm ảnh hưởng nặng nề đến toàn dân như thế này thì không phải một quyết định kinh doanh sáng suốt.

Bởi vì nói gì thì nói, khi học sinh học online, phụ huynh đều phải làm thay nhà trường một số công việc mà khi học trực tiếp họ không phải làm. Như thế, quyền lợi của phụ huynh – đứng trên phương diện là khách hàng – rõ ràng đã bị thu hẹp.

Trong khi đó, hãy nhìn xem, một số trường quốc tế khác đã tranh thủ cơn thất vọng của những phụ huynh nói trên để thông báo miễn 100% học phí trong thời gian nghỉ dịch và giảm đến 25% học phí cho năm học kế tiếp, nhằm thu hút khách hàng về phía mình.

Dịch bệnh nguy hiểm xảy ra là điều bất khả kháng, không ai muốn. Do đó, trong hoàn cảnh khó khăn chung, một thái độ đồng cảm, chia sẻ sẽ luôn được ghi nhận và nó ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ gắn bó lâu dài hay không. Còn sự tận thu một cách lạnh lùng vô cảm sẽ chỉ khiến cho lợi ích của khách hàng bị phương hại và sớm muộn họ cũng sẽ rời bỏ mình mà thôi.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Trường quốc tế “lạnh lùng” thu học phí đầy đủ giữa đại dịch: Phụ huynh bức xúc “cầu cứu” bộ Giáo dục & Đào tạo

Thứ 2, 27/04/2020 | 08:11
Mặc dù việc học bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 nhưng một số trường quốc tế tại TP.HCM vẫn thông báo thu đủ học phí, thậm chỉ đòi tiền sớm hơn, tính phí đóng trễ. Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc bởi chất lượng giáo dục không hề tương xứng, cách trao đổi không tôn trọng và nhân văn.

Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ kiểm tra đột xuất trường quốc tế Việt Úc

Thứ 5, 26/09/2019 | 14:03
Ngày 26/9, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, sẽ kiểm tra đột xuất trường dân lập quốc tế Việt Úc cũng như một số trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM, liên quan vấn đề an toàn thực phẩm, các hoạt động chuyên môn mà Sở quản lý.