Truy tìm thủ phạm “đốt” ô tô cháy ngùn ngụt giữa đường

Nguyễn Lâm

Thống kê sơ lược phóng viên trong 3 tháng trở lại đây, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra 5 vụ ô tô, xe máy bốc cháy khi tham gia giao thông. Hiện tượng này đẩy lên lo ngại về vấn đề xăng, dầu kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, không được kiểm soát chặt chẽ.

Hệ lụy từ sử dụng xăng, dầu “bẩn”

Phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với kỹ sư Lê Văn Tạch để tìm hiểu những tác hại mà xăng, dầu kém chất lượng gây ra. Chia sẻ với PV, kỹ sư Tạch nhận định: “Trước tiên, có thể khẳng định rằng việc sử dụng xăng, dầu không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ của ô tô, xe máy. Việc này sẽ khiến công suất cũng như tuổi thọ của xe bị giảm đi”.

Trong xăng giả thường có lượng xăng ete và pha dung môi làm tăng trị số Octance (một đại lượng quy ước đặc trưng cho tính chống kích nổ của nhiên liệu). Đặc biệt, nếu xăng giả có chất gây hại cho động cơ thì sẽ làm hao mòn nhanh các chi tiết cơ khí, giảm công suất động cơ, ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và các hệ thống liên quan.

Xăng dầu kém chất lượng khiến các ống kim loại bị ăn mòn dẫn đến nhiên liệu rò rỉ, dễ bị phát tán ra ngoài khiến cho động cơ nóng lên. Khi động cơ hoạt động, chuyển động với nhiệt độ đến một ngưỡng đủ sẽ sinh ra cháy nổ.

Ô nhiễm không khí, gây độc hại với con người cũng là một hệ luỵ mà việc sử dụng xăng, dầu kém chất lượng gây ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu.

Sử dụng xăng, dầu giả có nguy cơ gây cháy ô tô, xe máy. Ảnh minh hoạ.

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - KH&CN) cho rằng, xăng dầu không phải là vấn đề liên quan đến tình trạng cháy nổ ô tô, xe máy.

Ông Tuấn cho biết: “Trước tình trạng nhiều xe máy, ô tô bị cháy nổ khi tham gia giao thông, bộ KH&CN đã thành lập và chỉ đạo các nhóm nghiên cứu của các viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu vấn đề này làm rõ nguyên nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân có thể do sự cố về cơ học, chập điện, các yếu tố khác,… chứ không phải là do xăng, dầu gây ra”.

Thông tin về công tác quản lý chất lượng xăng dầu, ông Tuấn cho biết, trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, đơn vị thường xuyên phối hợp với quản lý thị trường cũng như các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát để chống buôn lậu, gian lận thương mại theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Đồng thời, cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng thành lập các đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

“Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng như chỉ đạo của Chính phủ về việc hạn chế trong công tác kiểm tra, xử lý nên đơn vị chỉ tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh khi nhận được thông tin phản ánh sai phạm” - ông Tuấn nói.

Luật sư Hoàng Tùng, văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Cùng bàn luận về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hòa, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, xăng dầu là một mặt hàng cần thiết phục vụ cho đời sống của người dân. Tuy là mặt hàng bình ổn giá, thế nhưng việc kinh doanh xăng dầu hầu hết luôn đem lại lợi nhuận lớn, nhanh cho người kinh doanh.

“Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh xăng dầu chủ yếu là các đơn vị bán lẻ, chính vì thế mà các hành vi vi phạm xảy ra rất nhiều. Đặc biệt là hành vi pha, trộn xăng dầu để bán thu lợi cao. Khoản thu lời này là khoản lợi bất chính, hành vi trên là hành vi vi phạm pháp luật. Việc pha, trộn làm giảm chất lượng xăng dầu hoặc kinh doanh các loại xăng dầu biết là chất lượng không đảm bảo nhưng vẫn kinh doanh được xác định có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả. Trường hợp có hành vi phạm nghiêm trọng, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình năm 2015 với mức phạt cao nhất là 15 năm tù”, luật sư Tùng cho biết.

Lý giải về việc các tổ chức, cá nhân cố tình buôn, bán xăng giả bất chấp mức xử phạt hiện nay đang rất nặng, luật sư Tùng cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do khoản siêu lợi nhuận mà việc kinh doanh xăng dầu mang lại.

Việc làm này không chỉ gây lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn xâm hại tới quyền lợi của người tiêu dùng. Vì thế, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc và nhanh chóng vấn đề này để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.

Ô tô, xe máy tự bốc cháy: Chủ phương tiện có được nhận tiền bảo hiểm?

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, cháy là một rủi ro được bảo hiểm đối với hầu hết các loại hình bảo hiểm, trừ những trường hợp loại trừ trách nhiệm của công ty bảo hiểm như động đất, núi lửa phun hay những biến động khác của thiên nhiên; Tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt; Những trường hợp cố ý gây cháy, nổ nhằm mục đích đòi bồi thường;….

Ô tô, xe máy tự bốc cháy: Chủ phương tiện có được nhận tiền bảo hiểm?

Tuy nhiên, đối với những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nêu trên, người mua vẫn có thể thoả thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để bổ sung cho hợp đồng của mình.

Theo đó, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Ngoài số tiền được nhận từ bảo hiểm, chủ phương tiện còn được công ty bảo hiểm thanh toán những chi phí cần thiết và hợp lý phát sinh trong tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất phát sinh thêm, bảo vệ và đưa xe thiệt hại tới nơi sửa chữa gần nhất, giám định tổn thất.

“Do đó, người dân nên mua bảo hiểm vật chất cho phương tiện của mình giảm thiểu nhất thiệt hại có thể xảy ra”, luật sư Tùng khuyến cáo.

Được biết, trong quý I/2020, cơ quan quản lý thị trường Đắk Lắk đã xử phạt hành chính 8 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng do các hành vi vi phạm trong kinh doanh

N.L