Từ chối đặc cách và tư thế ngẩng cao đầu bước vào đời

Thi tuyển vào các trường đại học nên luôn là đấu trường sòng phẳng, nhà trường có thể mở rộng hỗ trợ, đặc cách cho học sinh bằng nhiều điều nhưng ngoại trừ điểm. Bởi có như vậy, danh tiếng ngôi trường mới trở thành chiếc "thẻ căn cước" bảo đảm trong việc tạo nên những công dân ưu tú toàn diện.

img

Câu chuyện Ngô Văn Hiếu, cậu học trò suốt 10 năm cõng người bạn khuyết tật đến lớp mỗi ngày bất kể nắng mưa thiếu 0,25 điểm để đạt ước mơ là đỗ Đại học Y Hà Nội khiến dư luận tiếc nuối và thương cảm. Tuy nhiên, trong khi nhiều người đưa ra ý kiến đề xuất Đại học Y Hà Nội cần có cơ chế đặc cách cho nam sinh này, thậm chí có những ý kiến khá gay gắt quy về câu chuyện đạo đức thì Hiếu lại không mong được đặc cách. Cậu học trò không muốn sử dụng 10 năm cõng bạn để mưu cầu một cơ hội vào Đại học Y Hà Nội.

Quan điểm của Ngô Văn Hiếu rất rõ ràng: Thi đại học là đấu trường sòng phẳng. Thí sinh dùng năng lực để cạnh tranh công bằng, không phải dùng tiếng tăm hay mối quan hệ nào để trúng tuyển. Và cậu học trò lo không theo kịp những bạn tự trúng tuyển khi vào trường theo con đường đặc cách.

Biết vì người khác và biết rằng để trở thành bác sĩ giỏi, điều đầu tiên ngay khi bước vào giảng đường y khoa là phải đi trên chính đôi chân của mình. Với tâm sáng và nhận thức tốt như vậy, tin rằng Ngô Văn Hiếu sẽ tiến xa trên con đường phía trước.

Tuyển sinh đại học luôn cần sự công bằng và sự ưu tiên về điểm số chỉ nên có ở một số trường đại học, ngành học phù hợp. Với ngành y, ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, sự khắt khe về điểm số đầu vào, về chỉ tiêu vào trường là điều cực kỳ cần thiết. Nhà trường có thể mở rộng hỗ trợ, ưu đãi học sinh bằng mọi cách, ngoại trừ điểm.

Thực tế, những trường đại học danh giá nhất thế giới vẫn luôn duy trì nguyên tắc tuyển lựa học sinh khắt khe và dường như không có ngoại lệ khi chọn học sinh vào trường cũng như quyết định trao bằng tốt nghiệp. Học viện quân sự Mỹ, West Point là một ví dụ.

Để lựa được học sinh ưu tú nhất thế giới, West Point không chỉ đòi hỏi thí sinh phải vượt qua những bài thi, bài luận siêu khó mà còn phải có màn đối đáp trí tuệ thông thái trong các cuộc trả lời phỏng vấn. Không chỉ có trí tuệ vượt trội, muốn vào được West Point, thí sinh còn phải đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu về thể chất, tính kỷ luật cũng như tố chất lãnh đạo. Không có một ngoại lệ nào được đặt ra so với bảng chuẩn yêu cầu của hội đồng tuyển sinh trường.

Vào được trường đã khó, khi được đeo chiếc nhẫn nổi tiếng của trường ngày tốt nghiệp còn khó hơn. Mỗi năm West Point chỉ tuyển khoảng 1.150-1.200 học viên. Và trong 4 năm học, bắt buộc phải loại thải 10% một năm. Tức năm cuối chỉ còn dưới 1.000 học viên đủ điều kiện ra trường.

Việc tuyển lựa và đào tạo khắc nghiệt tạo nên những công dân ưu tú. Ở Mỹ, người ta nói rằng khi đi xin việc làm, nếu vào thấy có ứng viên tốt nghiệp trường West Point cùng tham gia dự tuyển thì "coi như mình cầm chắc 1 suất rớt".

Và thực tế, nhìn vào thân thế các CEO của các tập đoàn lớn ở Mỹ có thể thấy rõ rất nhiều người tốt nghiệp từ trường West Point. Marsh Carter- chủ tịch sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Alex Gorsky- CEO tập đoàn Johnson & Johnson, Joseph DePinto- CEO 7-eleven, Ken Hicks- CEO Foot Locker... là một số ít trong những nhà quản trị có tiếng thế giới được đào tạo từ West Point.

Tỷ lệ các CEO trên số lượng từ sinh viên tốt nghiệp từ trường West Point bao giờ cũng cao hơn hẳn từ đại học Harvard, Stanford hay Yala. West Point được mệnh danh là lò đào tạo chuyên cung cấp các quản trị cấp cao cho nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Vì lẽ đó mà ngay cả những sinh viên bị loại khỏi West Point sau một thời gian học tập vẫn xuất sắc đến mức cả Đại học Harvard hay MIT cũng đến mời về học. Khi danh tiếng ngôi trường là một chiếc "thẻ căn cước" bảo đảm trong việc tạo nên những công dân ưu tú toàn diện, tấm bằng tốt nghiệp hay thậm chí mới chỉ vượt qua vòng tuyển chọn của trường thôi đã là một báu vật cuộc đời cho các cựu sinh viên từng theo học.

Vũ Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.

img