Từ chối uống rượu với cấp trên, nhân viên có đáng bị tát?

Một ngân hàng ở Trung Quốc đã phải lên tiếng xin lỗi nhân viên mới sau khi vấp phải sự phẫn nộ của cộng đồng mạng về việc người này bị đánh vì từ chối uống rượu với sếp.

Dương là nhân viên mới của chi nhánh Ngân hàng Quốc tế Hạ Môn tại Bắc Kinh. Trong bài viết kể lại sự tình trên mạng xã hội, anh cho biết mình bị sếp tát vào mặt trong buổi liên hoan cách đó vài ngày. Dương nói với sếp rằng mình không muốn dùng rượu trong bữa tiệc và suốt 10 năm qua anh không đụng tới một giọt rượu nào. Tuy nhiên, sếp vẫn yêu cầu anh đổi đồ uống thường sang rượu. Do không đồng ý, anh bị vị quản lý ngồi cạnh tát và lăng mạ. Dương xin lỗi và rời khỏi nhà hàng. Nhưng khi ra thang máy, một số đồng nghiệp đuổi theo và lao vào đánh anh.

Bài viết của Dương đã gây tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người dùng tỏ sự đồng cảm khi cho rằng đây là thực trạng chung đối với văn hóa thứ bậc trong công sở Trung Quốc và những hệ lụy tiêu cực của những cuộc nhậu. Ngay sau đó, ngân hàng nơi Dương làm việc đã nắm được thông tin và cho biết sẽ kỷ luật hai người sếp có hành vi không đứng đắn nói trên để xoa dịu dư luận

Ở một số quốc gia châu Á, thói quen ép rượu không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người chỉ trích thói quen này bởi nó đi ngược lại mong muốn của cá nhân cũng như gây hại cho sức khỏe. Một số người cho rằng ép rượu là hình thức thể hiện quyền lực với người yếu thế.

Trong khi nhiều người dùng mạng xã hội khen ngợi Dương vì giữ vững lập trường trên bàn nhậu, nhưng những người khác lại lo ngại rằng anh sẽ bị tẩy chay và sự nghiệp sẽ bị hủy hoại ở công ty. Rất có thể sau vụ việc này, mặc dù lấy lại công lý cho mình, nhưng Dương sẽ phải nộp đơn xin việc ở nơi khác.

Tương tự như ở Việt Nam, thời buổi hiện nay, đôi khi uống rượu không phải để thư giãn, vui vẻ, mà là cách phát triển mối quan hệ với đồng nghiệp và con đường thăng tiến nhanh nhất. Người ta nói rằng, có những hợp đồng chỉ được ký trên bàn rượu và những lời hứa đề bạt chỉ đến sau tiếng cụng chén. Đến cả khi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng hỏi thêm câu: “Em có biết nhậu không?” như một kỹ năng không kém phần quan trọng.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát, năm 2018, ước tính người Việt đã tiêu thụ hơn 4,67 tỷ lít bia, một con số khổng lồ giúp Việt Nam vươn lên tầm các quốc gia tiêu thụ nhiều nhất thế giới tính trên tỷ lệ dân số. Uống nhiều rượu không chỉ gây ra bệnh tật mà còn thường xuyên dẫn đến ẩu đả, thậm chí là tử vong. Hay thậm chí có những người miệt mài thăng tiến trên bàn nhậu, để rồi khi ngồi được vào vị trí mong muốn mới phát hiện ung thư giai đoạn cuối.

Có thể ít người sếp nào ở Việt Nam cực đoan đến nỗi nhân viên không uống thì dùng bạo lực như ở Trung Quốc. Nhưng cũng chẳng có mấy nhân viên nào dám “cả gan” ngồi nhậu ngồi với sếp mà lại không mời, không uống nhiều một chút cho không khí buổi tiệc thêm vui vẻ.

Chưa bàn đến việc có đề bạt thăng chức hay ưu ái gì không, nhưng “uống” đã là một điều kiện bắt buộc để giữ “tình cảm” trước đã. Ở mức độ thấp hơn, uống rượu cũng là để giữ hòa khí và gắn bó với đồng nghiệp, nếu không muốn bị nói là “chú không nể anh”.

Ra ngoài đời, với bạn bè, ép rượu cũng trở nên phổ biến theo kiểu “lâu ngày không gặp nhau”, “chẳng mấy khi”, “bạn coi thường tôi à” v.v… Khi men rượu chuếnh choáng, bàn rượu bỗng chốc trở nên nguy hiểm hơn chiến trường và mỗi người nên cẩn thận giữ cái mạng của mình.

Cứ thỉnh thoảng đọc báo lại thấy có vụ giết người ở quán nhậu chỉ vì lý do lãng nhách là mời rượu không uống rồi cự cãi, ẩu đả. Chỉ vì chén rượu mà người lìa đời, kẻ tù tội như trường hợp của Tô Văn Nguyên (20 tuổi, ngụ huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) hồi tháng 3 vừa qua. Uống chút ít để thư giãn hoặc tiếp khách hay giải stress thì có thể chấp nhận được, nhưng đã say xin và quấy nhiễu thì đó được coi là tệ nạn. Hơn cả, ép buộc nhau uống lại càng đáng bị chỉ trích.

Tin buồn đối với những người thích ép bia rượu (dù có là sếp đi chăng nữa) là Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định: - Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Bởi vậy, ép rượu giờ không chỉ bị coi là thiếu văn minh mà còn bị luật pháp trừng phạt.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Tạm giữ thanh niên chém bạn nhậu trọng thương vì ép uống rượu

Thứ 6, 22/05/2020 | 10:13
Chỉ vì xin không uống 1 ly rượu, nam thanh niên bị bạn nhậu vung dao chém liên tiếp khiến nạn nhân trọng thương phải nhập viện cấp cứu.