Từ ý tưởng của thi sĩ ở "lưng chừng trời" bàn chuyện giải... "án oan thế kỷ"

Hương Lan

Nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa đưa ra quan điểm "nếu xử oan sai một vụ án thì người xử oan phải chịu 50% mức tù mà chính người đó đã tuyên và phải trả 50% tiền bồi thường cho nạn nhân"… Xung quanh đề xuất này, trao đổi với PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định: Đó là đề xuất "lưng chừng trời", có thiên hướng trừu tượng...

Tiền bồi thường lấy ở đâu ra?

PV: Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, ông nhận định sao về đề xuất của nhà thơ Trần Đăng Khoa?

Ông Hồ Quốc Thái: Trần Đăng Khoa là nhà thơ vì thế tư duy của ông ấy có thiên hướng trừu tượng nhiều hơn là tư duy cụ thể. Tuy nhiên, tư tưởng trong đề xuất của nhà thơ Trần Đăng Khoa là trong hoạt động tố tụng hình sự không được làm oan người không có tội và tiến tới chấm dứt mọi oan sai; người làm ra cái sự oan sai đó phải chịu trách nhiệm hình sự và phải bỏ tiền ra để bồi thường cho người bị oan chứ không được lấy tiền đóng thuế của dân cho dù người đó thực thi nhiệm vụ Nhà nước..

Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn là một trong những vụ án oan sai gây chấn động

Đề xuất của nhà thơ Trần Đăng Khoa chỉ ở "lưng chừng trời" chứ chưa lên đến "trên trời" bởi không có một Nhà nước nào hiện nay trên thế giới mà không có chuyện gây ra oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, điều quan trọng là oan nhiều hay ít và tính chất của sự oan sai đó như thế nào. Việc bồi thường cho người bị oan cũng vậy, người gây ra oan sai cho người khác cũng tùy vào tính chất của việc oan sai mà vấn đề bồi thường được áp dụng khác nhau.

PV: Lâu nay, dư luận bức xúc chuyện oan sai do cán bộ Nhà nước gây ra nhưng lại lấy tiền thuế của dân để đền bù. Nhiều ý kiến cho rằng, công chức gây oan sai phải bỏ tiền túi để bồi thường, như vậy mới giảm án oan sai, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Thái: Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người gây ra oan sai trong tố tụng phải: "Hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại".

Án oan, sai để lại hệ lụy lớn (ảnh minh họa)

Quy định như vậy là rất nhân văn với lý do: Người thực thi công vụ chỉ thu nhập bằng tiền lương, chế độ tiền lương ở Việt Nam hiện nay đối với công chức, viên chức chỉ đủ sống ở mức trung bình vì thế nếu buộc họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra oan sai thì khó khả thi và đẩy họ vào đường cùng.

Chỉ có Nhà nước mới đáp ứng một cách nhanh nhất (có thể) và đủ nhất khoản tiền bồi thường cho người bị oan-người đã bị kiệt quệ cả vật chất lẫn tinh thần cho những ngày tháng bị oan- sau khi hai bên đã đạt được thỏa thuận hoặc có phán quyết có hiệu lực của Tòa án. Nhà nước mới có thể xoa dịu nỗi đau cho người bị oan kịp thời nhất bằng việc bồi thường một lần.

Minh bạch, công khai "quy chế nghiệp vụ"

PV: Thực tế, có nhiều vụ án oan kéo dài, điển hình như vụ ông Huỳnh Văn Nén được mệnh danh là "người tù thế kỷ", nếu bồi thường oan sai mà cứ “của bà vãi đãi ông sư” thì dư luận càng bức xúc? Những vụ án oan sai bắt nguồn do đâu, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Thái: Án hình sự oan xuất phát từ các lý do: thứ nhất, không có sự kiện phạm tội nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại coi là tội phạm. Thứ hai, hành vi không cấu thành tội phạm mà chỉ là các quan hệ pháp luật Dân sự, Hành chính, Kinh tế.... Thứ ba, không chứng minh được người bị tình nghi phạm tội khi đã hết mọi thời hạn điều tra mà bộ luật Tố tụng Hình sự quy định. Mọi án oan từ những lý do trên hoàn toàn do năng lực và trách nhiệm của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Hai lý do thứ nhất và thứ hai thường gây ra hệ lụy nặng nề nhất cho người bị oan đồng thời gây ra hệ lụy xã hội rất lớn, làm chứ suy giảm lòng tin của người dân không chỉ đối với cơ quan Tư pháp nói riêng mà còn cho cả nền công lý.

Có thể khẳng định rằng, không bao giờ và không có Nhà nước nào xóa bỏ được sự oan sai trong tố tụng hình sự mà chỉ có thể giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ án oan, cũng như số vụ án có người bị oan. Thập kỷ 60 của thế kỷ 20, trong một lần làm việc với Tòa án và VKSND Tối cao đồng chí Lê Duẩn đã nói: "Nếu làm oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống của người Cộng sản". Không chỉ người Cộng sản mà người có lương tri nào cũng đều bị cắn rứt lương tâm.

Trong thực tiễn hoạt động tố tụng, số án oan do người tố tụng kém chuyên môn, sự thiếu trách nhiệm khi tiến hành tố tụng không nhiều nhưng gây ra hệ lụy lớn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ do tiêu cực gây ra (như nhiều vụ trong chuyên án Năm Cam, ở đây người tiến hành tố tụng cố ý làm hỏng vụ án để kẻ phạm tội lọt ra ngoài vòng pháp luật).

Mức bồi thường khi bị oan, sai được xác định thế nào?

PV: Theo ông, để khắc phục tình trạng này, cần bắt đầu từ đâu?

Ông Hồ Quốc Thái: Đây là vấn đề khó nhưng không phải không làm được. Theo quan điểm của tôi, ngăn chặn và giảm thiểu án oan trước hết là việc xây dựng pháp luật. Nếu trong bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rằng: "Mọi chứng cứ được thu thập, đánh giá và áp dụng không đúng trình tự, thủ tục quy định trong bộ luật Tố tụng Hình sự sẽ không có giá trị chứng minh" thì điều đó sẽ làm cho trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải cố gắng học tập nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của mình.

Vụ án Hồ Duy Hải tuy chưa có thể nói là oan nhưng do nhiều chứng cứ không hợp pháp đã gây ra những hệ lụy cho gia đình bị hại, bị cáo và gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận.

Ngoài việc xây dựng pháp luật bộ luật Tố tụng Hình sự, cần thiết phải công khai hóa, minh bạch hóa các "quy chế nghiệp vụ" của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hầu hết các cơ quan tư pháp đều có quy chế nghiệp vụ. Ở đó quy định rất cụ thể chế độ nghiệp vụ của từng nghiệp vụ mà mỗi một cơ quan tư pháp được pháp luật trao cho. Ví dụ ở ngành kiểm sát có các quy chế về kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, dân sự, kiểm sát xét xử phúc thẩm… Việc minh bạch, công khai sẽ giúp cho người dân và đặc biệt là các cơ quan báo chí có thể thực hiện quyền giám sát của mình. Ngay cả chế độ kỷ luật nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất chặt chẽ và nghiêm khắc nhưng do không được minh bạch, công khai mà người dân không biết dẫn đến "xử lý nội bộ êm ái".

Trong một số đạo luật hiện nay người ta vẫn dùng thuật ngữ: "đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh oan sai". Theo tôi, chúng ta phải thay cụm từ “tránh oan sai” bằng “kiên quyết không để xảy ra oan sai”. Luật là phải rõ ràng, không mơ hồ.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Có kỳ họp Quốc hội thảo luận râm ran về sử dụng camera và có luật sư khi hỏi cung... mới đảm bảo tính khách quan. Mới đây, nhà thơ Trần Đăng khoa cũng đã đề cập vấn đề này. Khi còn là kiểm sát viên Kiểm sát điều tra tôi thường tặng cho những điều tra viên có biểu hiện bức cung, mớm cung, dụ cung tên gọi là "nhà lái cung vĩ đại" và tôi khuyên họ (kể cả đồng nghiệp của tôi) rằng: Nếu trái tim chưa hoàn thiện đừng nên làm cán bộ tư pháp vì không vướng vòng lao lý do thiếu trách nhiệm thì cũng "sứt mẻ" vì làm oan cho người vô tội”, ông Hồ Quốc Thái nhấn mạnh.

H.L