Văn Hậu chật vật nơi xứ người và hướng xuất ngoại chưa thực sự hợp lý của bóng đá Việt Nam

Uông Đàm Linh

Văn Hậu dù được kỳ vọng rất nhiều trong việc sẽ tỏa sáng trong màu áo CLB SC Heerenveen (Hà Lan). Tuy nhiên gần một năm qua, thời gian thi đấu của anh cho đội hình chính thức là không nhiều. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc chúng ta để các cầu thủ trẻ xuất ngoại quá sớm và bước đi chưa thực sự hợp lý của bóng đá Việt Nam.

Văn Hậu đang thực sự gặp khó nơi "trời Tây"

Sau những thành công trong màu áo các cấp độ ĐTQG Việt Nam và đặc biệt là chiến tích cùng các đồng đội giúp bóng đá Việt Nam nằm trong top 4 đội mạnh nhất Asian Cup 2019, rất nhiều cầu thủ được các CLB nước ngoài để ý mà muốn chiêu mộ.

Ngoài những gương mặt đình đám như Xuân Trường, Công Phượng hay Văn Lâm, Văn Hậu là cái tên tiếp theo được các đội bóng trong và ngoài khu vực để ý sát sao.

Ngay sau khi Công Phượng và Xuân Trường ra nước ngoài thi đấu lần lượt cho CLB Sint-Truidense (Bỉ) và Buriram United (Thái Lan), hậu vệ trẻ Đoàn Văn Hậu cũng chính thức chia tay Việt Nam để ra nước ngoài chinh phục thử thách.

CLB mà Văn Hậu lựa chọn để thử thách bản thân chính là SC Heerenveen hiện đang thi đấu ở giải đấu cao nhất Hà Lan. Đây được xem là điều khá bất ngờ bởi từ trước đến giờ, có rất ít trường hợp của bóng đá Việt Nam được thi đấu ở châu Âu.

Hậu vệ sinh năm 1999 gia nhập SC Heerenveen với một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 01 năm cùng mức giá chuyển nhượng lên đến 1,5 triệu Euro.

Dù nhận được sự kỳ vọng rất nhiều trong việc sẽ tỏa sáng tại Hà Lan trong màu áo CLB mới nhưng tính đến thời điểm hiện tại, sau gần một năm thi đấu nơi trời Âu, Văn Hậu mới chỉ được ra sân đúng một lần ở đội một trong những phút bù giờ ở một trận đấu cúp. Còn lại phần lớn thời gian, hậu vệ cánh người Việt Nam chủ yếu ngồi dự bị hoặc tập luyện và thi đấu cho đội trẻ.

Có vẻ như Văn Hậu dù rất nỗ lực nhưng anh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mà Ban huấn luyện Heerenveen đề ra và tư duy chiến thuật giữa hai nền bóng đá Việt Nam và Hà Lan có nhiều khác biệt khiến Hậu chưa thực sự bắt nhịp được.

Chính việc không được ra sân thường xuyên khiến hậu vệ cánh gốc Thái Bình phần nào đó không còn giữ được phong độ và cảm giác bóng tốt nhất ở những trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2022 diễn ra vào cuối năm ngoái.

Thêm vào đó, các cầu thủ nơi hàng phòng ngự của Heerenveen cũng đang có phong độ khá cao cùng với việc Văn Hậu gặp nhiều hạn chế trong việc giao tiếp nên điều này khiến anh đang thực sự gặp khó trong việc cạnh tranh một vị trí đá chính.

Để các cầu thủ trẻ xuất ngoại sớm là nước đi sai lầm của bóng đá Việt Nam?

Tình cảnh nơi trời Âu lúc này của Văn Hậu là không thực sự sáng sủa khi giải đấu mà anh đang tham dự đang phải tạm hoãn vì đại dịch COVID-19 mà hợp đồng của anh không còn dài đồng nghĩa với việc cơ hội thi đấu của Hậu càng hẹp lại.

Thêm vào đó, trong một cuộc thăm dò ý kiến mới đây đa số các CĐV của SC Heerenveen không muốn giữ Văn Hậu lại trong đội hình CLB ở mùa giải kế tiếp.

Đây là một thông tin không hề vui chút nào đối với NHM bóng đá Việt Nam nói chung và cho cá nhân Đoàn Văn Hậu nói riêng bởi khao khát được thi đấu, được thể hiện tài năng nơi trời Âu của hậu vệ trẻ gốc Thái Bình này vẫn đang còn vẹn nguyên và hừng hực khí thế.

Chứng kiến một cầu thủ trẻ, tài năng của đất nước đang phải đối diện với một tương lai khá mờ mịt tại nước ngoài, nhiều người yêu bóng đá Việt Nam đang đặt ra một nghi vấn rằng liệu có phải chúng ta đã quá vội vã khi để các cầu thủ trẻ xuất ngoại quá sớm?

Nghi vấn này cũng không phải là thiếu đi căn cứ vì trước Văn Hậu, bóng đá Việt Nam cũng đã có những trường hợp xuất ngoại không thành công như mong đợi.

Điển hình nhất vẫn là trường hợp của bộ ba Xuân Trường, Công Phượng và Tuấn Anh. Họ từng là những cầu thủ trẻ xuất sắc và cực kỳ triển vọng của bóng đá Việt Nam sau khi nổi lên trong màu áo của U19 Việt Nam năm 2014.

Chính những thành công trong màu áo U19 Việt Nam đã giúp họ được những CLB ở Nhật Bản và Hàn Quốc chiêu mộ. Nếu Tuấn Anh và Công Phượng lựa chọn giải hạng hai Nhật Bản (J.League 2) để thi đấu thì Xuân Trường lại có quyết định mạo hiểm hơn khi lựa chọn CLB Inchoen United (K.League) để thi đấu.

Được kỳ vọng trong việc sẽ tỏa sáng là thế nhưng lần lượt những Xuân Trường, Công Phượng hay Tuấn Anh liên tục phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị vì không thể cạnh tranh được một vị trí thi đấu chính thức.

Điều này đã khiến họ đánh mất đi phong độ và phải mất một quãng thời gian rất dài để tìm lại bản thân. Sau đó Công Phượng và Xuân Trường còn có cơ hội xuất ngoại thêm một lần nữa.

Lần này, Xuân Trường lựa chọn Buriram United (Thai League) còn Công Phượng lại đến CLB Sint-Truiden (Bỉ) để đầu quân. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, thành công và may mắn lại chưa mỉm cười với họ khi bộ đôi này liên tục phải ngồi dự bị và trở về nước sớm hơn dự kiến.

Trở lại trường hợp của Văn Hậu, anh cũng được ra nước ngoài thi đấu khi tuổi đời còn khá trẻ. Thế nhưng, có vẻ như hậu vệ người Thái Bình lại đang đi đúng vào vết xe đổ mà Công Phượng và Xuân Trường để lại.

Bởi vậy, dù mục địch để các cầu thủ trẻ xuất ngoại sớm là tốt vì có thể giúp họ được thi đấu ở môi trường đỉnh cao hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nói chung cũng như các CLB nói riêng và đặc biệt là chính các cầu thủ vẫn chưa thực sự chuẩn bị tốt nhất cho việc xuất ngoại.

Cần có những sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng nếu muốn xuất ngoại!

Trên thế giới, việc để các cầu thủ trẻ xuất ngoại là xu hướng không còn quá mới lại với chúng ta nhưng điều quan trọng nhất là các cầu thủ của họ trước khi được xuất ngoại đã được thi đấu và làm quen khá lâu với môi trường đỉnh cao.

Còn tại V.League, những cầu thủ trẻ được thi đấu cho đội hình một của các CLB là không nhiều ngoại trừ những trường hợp thực sự tài năng nên cơ hội cọ xát là không nhiều.

Thêm vào đó, dù cho những cầu thủ trẻ đã chứng minh được năng lực như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh và mới đây nhất là Văn Hậu gặp khó tại nước ngoài là bởi tại mỗi nền bóng đá khác nhau sẽ kèm theo sự khác biệt về văn hóa trong cách ứng xử, giao tiếp. Đặc biệt là ngoại ngữ chưa được chúng ta thực sự chú trọng nên các cầu thủ sẽ gặp khó trong việc trao đổi thông tin.

Nhìn vào thực tế, dù bóng đá Việt Nam sở hữu một lứa cầu thủ tài năng nhưng họ chưa đủ giỏi, chưa đủ xuất sắc, toàn diện để đặt đâu cũng có thể chơi tốt.

Muốn các cầu thủ trẻ có thể giỏi hơn, đẳng cấp hơn và đạt trình độ quốc tế thì V.league phải cải thiện, thay đổi vì giải đấu cao nhất của bóng đá Việt nam hiện tại có chất lượng thấp, yếu tố cạnh tranh cũng chưa thực sự cao.

Có thể các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường hay Văn Hậu có thể thi đấu giỏi, tỏa sáng tại V.league và trong màu áo ĐTQG nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa là gì nếu so với trình độ của bóng đá thế giới. Vậy nên muốn xuất ngoại, các cầu thủ của chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa và chỉ xuất ngoại khi họ thực sự sẵn sàng về mọi mặt.

Đ.L