Việt Nam hùng cường

Xem chương trình này trên TV, cũng hơi lõm bõm vì TV không thể đưa hết mọi chuyện trong cuộc đối thoại ấy, tôi cứ thấy như mình đang đứng trước một câu hỏi lớn. Tự mình không giải đáp được nên viết ra đây, mong được chỉ giáo…

img

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 19,1 tỷ USD.

Tôi tin hoàn toàn vào khao khát các doanh nhân nói với Thủ tướng là họ muốn làm giàu, muốn giàu hơn, muốn nhà nước tin họ, tạo cơ chế cho họ làm ăn thuận lợi hơn. Tôi cũng tin lời Thủ tướng, đó là “khát vọng cháy bỏng” ở họ và khoảng vài thập niên nữa có người trong số họ sẽ trở thành người đứng đầu những “tập đoàn khổng lồ” mang tầm vóc quốc tế. Tại sao không?

Đó là khao khát mãnh liệt ở họ và người đứng đầu chính phủ đã tuyên bố sẽ tạo cơ chế để họ làm giàu, giàu hơn. Họ có quyền đòi hỏi vì họ giàu. Đó cũng là quyền con người, không ai ngăn cấm họ. Họ giàu lên, nước cũng có phận nhờ.

Nhưng một nhà giàu cũng chỉ là một nhà giàu, một gia tộc giàu cũng chỉ là gia tộc ấy giàu, một tập đoàn giàu, suy cho cùng là do ông chủ biết làm giàu từ nhiều cách, trong đó có tư tưởng làm ăn lớn, biết thuê người từ cấp cao xuống đến cấp thấp nhất làm giàu cho mình. Ngoài ông chủ, những người còn lại, dù giàu có cũng chỉ là người làm thuê theo các mức khác nhau. Những nước giàu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ, các nước Bắc Âu cũng rất khác nhau về tổ chức xã hội, về văn hoá làm giàu, về chăm lo cho con người. Tôi không biết làm giàu nhưng nhìn họ cũng thấy sáng ra đôi điều và hiểu rằng làm giàu bằng mọi giá là thảm hoạ, từ cấp cá nhân đến cấp quốc gia.

Vài ba chục năm sau, đất nước hùng cường, mừng lắm nhưng lúc ấy chả còn sống để xem cái sự hùng cường ấy thế nào? Tiếc lắm. Và cũng lo vì mấy điều sau:

-Đối thoại về tương lai của đất nước mà chỉ trao đổi với các doanh nhân, nghe nói chuyện làm giàu, tháo gỡ vướng mắc cản đường chuyện làm giàu, cần đấy nhưng chưa hoàn toàn đúng. Một đất nước hùng cường cần giàu có, đúng rồi nhưng giàu có khác giàu mạnh, khác giàu bền vững như ta vẫn nói, vì giàu có chỉ là một mặt thôi. Một gia tộc rất giàu nhưng lâm vào bi kịch đổ vỡ đã than thở “nhiều tiền để làm gì?”. Tiền không thay thế được cái khác thuộc về con người, không mua được hạnh phúc.

-Tại sao không có doanh nhân nào trong chiến lược làm giàu của mình đả động gì đến vấn đề con người, trách nhiệm đảm bảo cho sinh thái nhân văn phát triển bền vững? Những điều này nằm ngoài chú ý của họ? Nếu điều này có mà truyền thông lờ đi thì đó là lỗi của truyền thông.

-Một nước giàu có về tiền bạc và có dân trí, dân khí cao mới là nước hùng cường. Một đất nước trong những hoàn cảnh ngặt nghèo vượt lên được nhiều khi lại tựa vào bản lĩnh của lực lượng đang làm chỗ dựa cho đất nước ấy mà họ không nhiều của cải. Bài học này nhiều lắm, chả cần dẫn ra làm gì.

-Không thấy bóng dáng những trí thức lớn của đất nước ở cuộc gặp này. Chắc người ta có chủ định khác nhưng tôi cứ tiếc. Bởi, trí thức không giỏi tư duy làm giàu nhưng nhờ tư tưởng của họ, xã hội mới phát triển được.

-Tôi cũng mơ đến một Việt Nam hùng cường trong tương lai gần. Một Việt Nam hùng cường thực sự, là chốn bình yên nhất cho nhân dân, trong đó có con cháu tôi. Mơ lắm và mong lắm nhưng có chút tâm tư thế. Chỗ nào chưa phải, mong được chỉ giáo.

PGS.TS. Phạm Quang Long

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.

img