V.League mùa dịch bệnh: Có nhất thiết phải diễn ra?

Uông Đàm Linh

Cuộc họp trực tuyến giữa công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam(VPF) và đại diện các đội bóng tham dự giải đấu này để "giải cứu V.League" trước đại dịch COVID-19 vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và phải tiếp tục hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường như vậy, chúng ta có nhất thiết phải tiếp tục tổ chức V.League hay hoãn lại và đặt an toàn, sức khỏe lên hàng đầu?

Cuộc họp kéo dài nhưng chưa có hồi kết!

Như chúng ta đã biết, đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt đến rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Điều này buộc họ phải đưa ra những quyết định khó khăn khi hoãn hoặc di dời hàng loạt những giải đấu lớn nhỏ khác nhau như Premier League, Europa League, VCK EURO 2020, Vòng loại World Cup 2022 hay Olympic Tokyo 2020...

Bóng đá Việt Nam cũng không ngoại lệ khi các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia buộc phải hoãn lại để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho Người hâm mộ (NHM) cũng như các vận động viên tham dự, bởi đại dịch COVID-19 có nguy cơ lan rộng ở những nơi tập trung đông người như Sân vận động.

Cho đến nay, việc V.League 2020 phải tạm hoãn vì dịch bệnh buộc các đội bóng thường xuyên phải cho các cầu thủ tập chay để duy trì phong độ, thể lực và cảm giác bóng. Có như vậy, họ mới có được sự chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng chinh chiến khi giải đấu cao nhất Việt Nam chính thức được quay trở lại.

Với mong muốn tiếp tục giải đấu với sự an toàn tối đa cho NHM cũng như các Vận động viên, VPF đã đưa ra nhiều giải pháp trong cuộc họp trực tuyến với đại diện các CLB vào ngày 31/03 vừa qua.

Phương án được VPF đưa ra là tổ chức hết giai đoạn lượt đi theo diện tập trung ở 7 sân vận động. Theo phương án 1 thì thời gian thi đấu dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4/2020 đến ngày 29/5/2020. Còn phương án 2 có thể được áp dụng từ ngày 01/5/2020 đến ngày 28/6/2020.

Tuy nhiên, các phương án mà VPF đề ra trong cuộc họp trực tuyến với các đội bóng vẫn chưa đi đến hồi kết bởi giữa họ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, trong tổng số 13 đội tham dự cuộc họp, chỉ có 8 đội nhất trí với cách làm của ban tổ chức. Còn 3 đội thẳng thắn phản đối việc thi đấu tập trung bao gồm Nam Định, Quảng Nam và SHB Đà Nẵng. Trước đó, dưới chỉ đạo của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, CLB HAGL cũng không tham dự cuộc họp này.

Chính vì vậy, để có thể tiếp tục tổ chức V.League 2020 trong thời điểm dịp bệnh này, có lẽ VPF vẫn còn phải tổ chức nhiều cuộc họp khác với đại diện các đội bóng trong tương lai.

Vẫn còn đó những ý kiến trái chiều

Vấn đề có nên tiếp tục V.League 2020 hay dừng lại cho đến khi nào hết dịch là vấn đề được nhiều người mang ra để bàn luận thậm chí là tranh cãi gay gắt.

Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm rằng hãy để các trận đấu tại V.League tiếp tục diễn ra ở một số địa điểm cụ thể và được kiểm soát sát sao về mọi mặt cũng như không cho khán giả vào sân để đảm bảo về công tác phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng không nên tiếp tục tổ chức V.League ở thời điểm này bởi như vậy là coi thường đến sức khỏe và tính mạng của các VĐV cũng như mất đi sức hấp dẫn của các trận đấu khi chúng ta chỉ được chứng kiến qua màn ảnh nhỏ còn các cầu thủ phải thi đấu ở sân không khán giả dù có ở sân nhà đi chăng nữa.

Bên cạnh đó, việc chúng ta đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh không đồng nghĩa với việc sẽ khống chế thành công nếu nó bùng phát từ chính tại các trận đấu nếu V.League tiếp tục được diễn ra. Bởi vậy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam(VFP) nên học tập theo các giải đấu lớn trên thế giới là tạm hoãn V.League 2020 đến khi nào đại dịch COVID-19 nằm trong sự khống chế.

Ở vị trí ngoài cuộc như NHM Bóng đá Việt Nam còn có những tranh cãi thì những người trong cuộc, những đội bóng tham dự V.League cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề có nên tiếp tục tổ chức V.League hay là không.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch của CLB Bóng đá Thanh Hóa tỏ ra đồng tình và sẵn sàng hợp tác với VPF: "Chúng tôi đồng ý với các phương án mà VPF đề ra. Tuy nhiên, khi nào các cơ quan chức năng thống nhất thì Thanh Hóa sẽ sẵn sàng thực hiện. Tôi lựa chọn phương án 2 áp dụng từ ngày 01/5/2020 đến ngày 28/6/2020. Tuy nhiên, cũng chưa có gì là chắc chắn vì còn phải xem COVID-19 này diễn biến thế nào nữa".

Tuy nhiên, ông bầu của CLB Bóng đá Quảng Nam lại kiên quyết không đồng ý với đề xuất của VPF. Ông Nguyễn Húp cho biết:" Hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, VPF có đưa ra nhiều phương án. Trong đó phương án đá tập trung nhưng CLB Quảng Nam không đồng ý mà chúng tôi sẽ chờ khi nào hết dịch rồi thi đấu thế nào thì tính tiếp. Khi nào Chính phủ công bố hết dịch, chúng ta tổ chức thi đấu có khán giả thì vẫn tốt hơn".

"Phương án VPF đưa ra gần như không CLB nào thực hiện được. Đội Quảng Nam không thể đi thi đấu nếu thiếu sắp xếp y tế để di chuyển và không được sự cho phép của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, việc ra phía Bắc thi đấu là bất lợi cho các đội bóng phía Nam rất nhiều về mặt kinh tế, khán giả", ông Nguyễn Húp cho rằng việc thi đấu tập trung khiến nhiều CLB ở miền nam gặp bất lợi.

Hãy đặt an toàn, sức khỏe của mọi người lên trên hết!

Việc đặt ra thời điểm đưa V.League trở lại cho dù là dự kiến vào thời điểm hết sức nhạy cảm của dịch bệnh COVID-19 là hơi sớm. Bởi lẽ các giải đấu hàng đầu trên thế giới còn sẵn sàng hoãn lại, thậm chí là bỏ giải thì lý do gì mà VPF lại phải cho giải đấu tiếp tục diễn ra?

Trên thực tế cũng có nhiều cách xử lý cho mùa giải hiện nay, thậm chí có thể tính đến cả phương án hủy giải trong năm 2020 nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp.

Về vấn đề này, chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, chuyên gia bóng đá Trần Duy Long cho rằng ở thời điểm hiện nay, V.League 2020 không nên diễn ra: "Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng V.League nên dừng. Bởi lẽ dịch bệnh COVID-19 này diễn biến rất là khó lường và có nguy cơ bùng phát cao."

"Theo tôi, bóng đá thì còn thi đấu dài và không chỉ thi đấu hết giải này là không bao giờ thi đấu nữa. Vì sức khỏe của VĐV, vì sức khỏe của cộng đồng nên chúng ta cứ từ từ, bình tĩnh. Giải hoãn lại một thời gian tuy rằng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các đội bóng và kể cả là Ban tổ chức nhưng tại sao chúng ta không nhìn rộng hơn khi các giải đấu lớn như Olympic, VCK EURO còn hoãn cơ mà", chuyên gia Bóng đá Trần Duy Long cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ông Long còn khẳng định rằng chúng ta không nên học theo nước bạn Belarus khi họ vẫn tổ chức giải vô địch quốc gia: "Chúng ta không nên so sánh một cách khập khiễng như vậy. Nước họ chưa quan tâm đến dịch bệnh là việc của ho. Còn chúng ta, hoãn toàn bộ các giải đấu là bảo vệ cho chính chúng ta trước dịch bệnh COVID-19 cơ mà. Còn khi không có bóng đá, chúng ta còn có nhiều thứ để xem, để tiêu khiển nên tôi nghĩ mọi người không nên quá nặng nề về vấn đề này".

Một vấn đề cũng được quan tâm chính là đề xuất của một số đội bóng là V.League năm nay sẽ thi đấu mà không có đội xuống hạng. Chuyên gia bóng đá Trần Duy Long cho rằng: "Việc xuống hạng hay không xuống hạng là sự chuẩn bị của từng đội bóng. Đừng để giải đấu trở nên phức tạp hơn nữa. Nếu không xuống hạng thì V.League sẽ trở thành giải đấu giao hữu, mất tính chất thi đua. Ở thời điểm này, thiết nghĩ chúng ta nên dừng mọi hoạt động liên quan đến bóng đá để chú tâm hết sức vào công tác phòng chống dịch bệnh. Có như vậy, bóng đá Việt Nam mới trở lại được quỹ đạo vốn có của mình trong thời gian sớm nhất".

Đàm Linh