Vụ nhảy lầu tự vẫn ở TAND tỉnh Bình Phước: Đại diện tòa án nói gì?

Phùng Sơn

Sau khi kết thúc phiên toà phúc thẩm và bị tuyên phạt 3 năm tù vì tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, ông Lương Hữu Phước đã đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử.

Cái chết gây chấn động

Ngày 1/6, Đại tá Dương Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ nhảy lầu tự tử bên trong khuôn viên trụ sở TAND tỉnh Bình Phước. Nạn nhân là ông Lương Hữu Phước (SN 1965, ngụ phường Tân Xuân, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Cơ quan pháp y Công an tỉnh thực hiện xong các thủ tục pháp y và bàn giao thi thể cho gia đình lo hậu sự.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chiều 29/5 nhiều người trong khu vực khuôn viên TAND tỉnh Bình Phước nghe thấy tiếng động lớn ngoài sân. Ngay sau đó, họ phát hiện 1 người đàn ông nằm bất động dưới đất. Người dân gọi bảo vệ toà án đến hỗ trợ đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng người này đã tử vong.

Nhận thông tin, Công an TP.Đồng Xoài, Công an tỉnh Bình Phước nhanh chóng phong toả hiện trường, điều tra làm rõ vụ việc. Qua xác minh, lực lượng công an ghi nhận nạn nhân là Lương Hữu Phước, vừa bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên án 3 năm tù vì tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Không đồng ý với phán quyết này sau khi kết thúc phiên tòa, ông Phước lên mạng xã hội bày tỏ quan điểm tòa xử sai người, sai tội khiến ông bị oan..

Tòa án nói gì?

Sự việc ông Phước tự tử trong khuôn viên TAND tỉnh Bình Phước khiến dư luận xôn xao. Sáng 30/5, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức họp báo thông tin về vụ việc trên.

Bà Phạm Thị Bích Thủy, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước và HĐXXphúc thẩm vụ án liên quan đến ông Phước đã giải đáp hàng loạt các câu hỏi mà dư luận quan tâm.

Tại buổi họp báo, bà Thủy cho biết do tính chất vụ án phức tạp, bị cáo kêu oan nên HĐXX phúc thẩm đã rất thận trọng , tránh bỏ lọt tội phạm cũng như làm oan người vô tội.

Vị đại diện TAND tỉnh Bình Phước cho hay, ở đây chưa thể xác định bị cáo có oan hay không bởi cần phải làm rõ hồ sơ vụ án có phản ánh đúng sự thật khách quan hay không? Và nếu đúng thì hình phạt đối với bị cáo như thế đã phù hợp hay chưa?

Lần xét xử sơ thẩm lần 1, TAND TX. Đồng Xoài (nay là TP.Đồng Xoài) cho rằng bị cáo có tội. Phúc thẩm lần 1, TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy do có nhiều sai sót trong quá trình điều tra, chưa đủ căn cứ cho rằng bị cáo không bật đèn xi nhan, chưa làm rõ hướng va chạm, chưa xác định Lâm Tươi có đi đúng làn đường, mâu thuẫn lời khai của Lâm Tươi...

Xử sơ thẩm lần hai, vẫn còn nhiều điểm chưa sáng tỏ, Lâm Tươi vẫn cho rằng có thấy bị cáo từ từ qua đường... nhưng TAND TX.Đồng Xoài vẫn tuyên bị cáo có tội. Phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước nhận định bị cáo có tội và tuyên y án sơ thẩm..

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi vì sao không khởi tố 2 người gây tai nạn là Lâm Tươi điều khiển chở anh Trị Tiếp (1 người không bằng lái, 1 người có 0,57ml cồn/hơi thở) mà chỉ khởi tố ông Phước?. Bà Lê Hồng Hạnh, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho biết, tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ có 4 yếu tố cấu thành tội phạm, quan trọng nhất là yếu tố lỗi. Trong đó, lỗi trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân. “Chúng tôi xác định được lỗi của bị cáo ở đây là qua đường mà không quan sát, vi phạm khoản 2 điều 15 luật Giao thông đường bộ. Tại phiên tòa, bị cáo cho rằng có quan sát. Nhưng lời trình bày của anh Lâm Tươi và những người có mặt ở hiện trường thì đây là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất”, bà Hạnh nêu.

Cũng theo vị thẩm phán này, tại biên bản hiện trường thể hiện vết cà của xe bị cáo Phước để lại trên đường và xe nằm hoàn toàn bên phần đường bên phải xe của anh Lâm Tươi. “Lên quan đến vụ tai nạn trên, Lâm Tươi bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không có giấy phép lái xe và có nồng độ cồn”, bà Hạnh thông tin. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước cho rằng nguyên nhân vì sao ông Phước tự tử ở tòa thì cần phải có thời gian tìm hiểu. Về vụ án của ông Phước, tòa đã làm đúng pháp luật.

Nhiều điểm cần làm rõ trong vụ án trên

Sau khi ông Phước tử vong, luật sư đại diện bào chữa cho ông Phước là luật sư Dương Vĩnh Tuyến cho biết, ông được mời bào chữa cho ông Phước bắt đầu từ phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất. Trước đó, phiên tòa sơ thẩm không có luật sư.

Sau khi nghe tòa tuyên y án sơ thẩm, tôi cùng anh Phước có bàn chuyện viết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm và hẹn thứ Hai tuần sau cùng đi nộp. Chiều cùng ngày (29/5 – PV), tôi đang làm việc thì nhận được tin báo là anh Phước nhảy lầu và đã tử vong”, luật sư Dương Vĩnh Tuyến chia sẻ.

Người liên quan không bằng lái, có nồng độ cồn nhưng không bị tội:

Tại buổi họp báo, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đặt câu hỏi, tại thời điểm gây tai nạn, Lâm Tươi không có bằng lái xe nhưng lại điều khiển xe máy, đây có chăng là tình tiết bỏ lọt tội phạm? Thẩm phán Lê Viết Hòa, thành viên HĐXX phúc thẩm cho biết, trong trường hợp này Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, lái xe khi có nồng độ cồn. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe Lâm Tươi, Lâm Tươi không lấn đường. Do đó, không có việc bỏ lọt tội phạm”.

Lỗi chính thuộc về bị cáo Phước:

“Ở đây chúng ta phải xác định đó là lỗi trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Qua điều tra, , chúng tôi đã xác định được yếu tố lỗi ở đây đó là phía bị cáo qua đường nhưng không quan sát và điều này vi phạm khoản 2, Điều 15 của luật Giao thông đường bộ. Gây ra cái chết của nạn nhân Trần Hữu Quý không phải là lỗi của Lâm Tươi, do đó, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh này”, thẩm phán Lê Hồng Hạnh, chủ toạ phiên xét xử phúc thẩm nói.

P.S