Xe biển xanh đón Phó bí thư Phú Yên tại chân máy bay: Lại “nóng” vấn đề tiêu chuẩn xe công cho lãnh đạo

Minh Minh

Liên quan đến vụ xe biển xanh vào tận cầu thang máy bay đón Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên – ông Lương Minh Sơn - và gia đình hôm 14/6 (bị lan truyền trên mạng xã hội tối 6/7), sự việc tuy không sai về mặt pháp luật nhưng có nhiều ý kiến chê trách ông Phó bí thư vì sự quan cách, thiếu gần gũi giản dị của người lãnh đạo. Đặc biệt, thông tin về giá trị chiếc xe Toyota Prado nhập khẩu đời 2012 được cấp cho vị này đến nay vẫn đang làm dư luận xôn xao…

Không có quy định xe công đón lãnh đạo tận chân máy bay

Đây là quan điểm của ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội - khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật về vấn đề nêu trên.

Ông Hoà nhận định, với chức danh Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo quy định tại Nghị định 04/2019/NĐ-CP (hiệu lực từ 25/2/2019) của Chính phủ (về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công), ông Lương Minh Sơn đủ tiêu chuẩn sử dụng xe công đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe. Trước đó, Điều 6 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (hiệu lực từ 21/9/2015) cũng quy định nội dung này.

Chiếc xe công đón Phó Bí thư Phú Yên và người nhà hôm 14/6

“Tuy không sai nhưng hình ảnh ông Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng gia đình bước xuống máy bay đã có xe biển xanh chờ sẵn tận cầu thang máy bay, ít nhiều để lại ấn tượng không đẹp trong mắt người dân. Trong một số trường hợp, xe công đón lãnh đạo được ưu tiên qua cửa an ninh sân bay nhưng tôi chưa thấy có điều khoản nào quy định phải đón tận chân máy bay” - đại diện ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.

Trước đó, tối 6/7/2020, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin xe biển xanh vào tận cầu thang máy bay ở sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) đón ông Lương Minh Sơn và người nhà vào hôm 14/6 đã làm xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng ông Sơn sử dụng xe công vụ sai mục đích, trái với quy định của Chính phủ.

Sáng 7/7, ông Lương Minh Sơn lên tiếng xác nhận với báo chí, mình là người trong hình ảnh mạng xã hội lan truyền. Theo ông Sơn, hôm đó ông đi TPHCM khám sức khỏe (để phục vụ việc tham dự Đại hội Đảng sắp tới) cùng một số người trong Ban Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên theo yêu cầu của ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương và có công lệnh. Lúc xuống sân bay, ông Sơn có người thân cùng đi khám bệnh từ TPHCM ra nên họ đi chung trên chiếc xe công vụ Toyota Prado 2012 mang biển kiểm soát 78A - 001.14.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng việc xe biển xanh vào cầu thang máy bay đón mình là không trái quy định của Chính phủ, căn cứ trên Nghị định số 04/2019. Ngoài ra, chiếc xe công vụ nói trên đã được cảng vụ Hàng không miền Trung cấp thẻ kiểm soát an ninh hàng không, được ra vào khu vực hạn chế trong sân bay Tuy Hòa.

Tiếp đó, ông Phạm Ngọc Kình - Giám đốc cảng Hàng không Tuy Hòa cũng lên tiếng xác nhận các chức danh Bí thư tỉnh ủy, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc công an tỉnh là những người được cảng Hàng không Tuy Hòa đảm bảo công tác an ninh an toàn khi ra vào sân bay. Chiếc ôtô Toyota Prado 78A - 001.14 cũng đã được làm đầy đủ các thủ tục cần thiết hôm 14/6/2020.

“Chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;…

(trích Khoản 1, Điều 7, Nghị định 04/2019/NĐ-CP (hiệu lực từ 25/2/2019) của Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công)

“Sốc” vì thông tin xe Toyota Prado đời 2012 nhập khẩu trị giá 490 triệu đồng

Trong dòng sự kiện nói trên, thông tin chiếc xe Toyota Prado đời 2012 nhập khẩu đang đưa đón Phó Bí thư tỉnh Phú Yên Lương Minh Sơn có giá trị khấu hao còn hơn 490 triệu đồng, do lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Cụ thể, theo nguồn tin nói trên thì chiếc xe này được mua năm 2012 để phục vụ dự án tại sở Y tế Phú Yên. Đến năm 2016, nó được đưa về văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên và giá trị khấu hao lúc đó còn hơn 490 triệu đồng. Sau đó, văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên điều chiếc xe trên đưa đón Phó Bí thư Thường trực Lương Minh Sơn.

Tuy nhiên, chỉ cần gõ cụm từ “Toyota Prado TXL 2.7L – 2012” vào công cụ tìm kiếm Internet là bạn sẽ nhận được hàng loạt thông tin rao bán xe cũ trên các trang mạng. Theo đó, phiên bản xe nói trên đang được thị trường định giá từ 1,2 - 1,6 tỷ đồng.

Thế thì không biết vì lý do gì từ nguyên giá lúc nhập khẩu năm 2012 (giá hãng khoảng 2,3 tỷ đồng), sau 4 năm phục vụ dự án (nghĩa là không sử dụng nhiều như xe kinh doanh nên không bị trượt giá quá sâu), nó lại chỉ được định giá hơn 490 triệu đồng để phù hợp tiêu chuẩn xe công dưới 920 triệu đồng của Phó Bí thư tỉnh ủy?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, kỹ sư Lê Văn Tạch – nguyên kỹ sư ô tô của hãng Toyota Việt Nam, một người khá nổi tiếng trong cộng đồng người dùng ô tô Việt Nam – cho hay, thông thường đối với ô tô Toyota và các dòng xe phổ thông thì khấu hao sau mỗi năm là khoảng 10% tổng giá trị xe.

PV cũng liên hệ với một người quản trị (admin) trang Xehay.vn – là chuyên trang thông tin, đánh giá xe ô tô, xe máy của công ty TNHH Xe Hay – và được chia sẻ rằng, đối với dòng xe nhập khẩu Toyota Prado TXL 2.7L đời 2012 đến nay sau 8 năm sử dụng thì giá cũng đã “giảm sâu sâu rồi”, tuy nhiên khó mà mua được giá 490 triệu đồng, trừ phi là xe từng bị/gây tai nạn.

“Định giá một chiếc ô tô cũ là công việc phức tạp, cần phải đánh giá thông qua hình thức, số ki-lô-mét lăn bánh, mật độ sử dụng, lịch sử lăn bánh…, tuy nhiên trừ trường hợp đã từng bị/gây tai nạn, thông thường dòng xe nói trên đến thời điểm hiện tại giá trị vẫn phải là tiền tỷ chứ không có giá trăm triệu. Đối với thời điểm năm 2016 thì giá của nó còn cao hơn” – vị này cho hay.

Tỷ lệ khấu hao của ô tô phổ thông 10% sau mỗi năm, theo quy định của pháp luật hiện hành, cũng là thông tin được ông La Văn Thịnh – Cục trưởng cục Quản lý Công sản (bộ Tài chính) - chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật vào chiều 9/7/2020.

Như vậy, nếu căn cứ vào tỷ lệ khấu hao 10% này thì chiếc Toyota Prado TXL 2.7L vào thời điểm năm 2016 vẫn phải còn giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng – là khoảng cách khá xa so với con số 490 triệu đồng vào năm 2016 mà văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên chia sẻ với báo chí.

Ngoài ra, việc chiếc xe công cấp cho dự án của sở Y tế Phú Yên năm 2012 được “đưa về” văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên năm 2016 cũng là một vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Chia sẻ với PV, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết, việc xử lý tài sản là xe ô tô phục vụ công tác quản lý dự án được quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 Thông tư số 198/2013/TT-BTC (nay là Điểm d, Khoản 2, Điều 7 Quyết định số 32/2015/QĐ- TTg). Theo đó, khi dự án kết thúc, xe ô tô trang bị phục vụ công tác quản lý dự án của ban quản lý dự án phải bàn giao cho cơ quan tài chính (sở Tài chính đối với dự án địa phương quản lý) để xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

“Cụ thể, các hình thức xử lý tài sản của dự án bao gồm: Giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng; Điều chuyển; Bán; Thanh lý hoặc tiêu hủy” - luật sư Truyền nói.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, hồi đầu năm 2019, bộ Y tế có văn bản hỏi bộ Tài chính về việc xử lý tài sản dự án Phòng, chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn 2 và được Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản theo quy định tại Điều 103 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Khoản 1 Điều 93 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Đáng lưu ý, tại văn bản trả lời này, Bộ Tài chính cũng lưu ý, nếu tài sản là xe ô tô, thì việc tiếp nhận phải đảm bảo tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Từ các căn cứ trên, dư luận đặt ra vấn đề, việc chiếc xe Toyota Prado cấp cho dự án của sở Y tế Phú Yên năm 2012 được “đưa về” văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên năm 2016 không rõ là điều chuyển hay bán, thanh lý và đơn vị nào đứng ra thẩm định giá trị tài sản sau khấu hao để có giá 490 triệu đồng như vậy?

Ưu tiên xe Phó Bí thư tỉnh ủy, vậy còn xe của Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách thì sao?

Đây là câu hỏi của ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội – trước tình huống lãnh đạo cảng Hàng không Tuy Hòa ưu tiên cho xe của Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đón ông Phó Bí thư và người nhà tận cầu thang máy bay.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

Ông Hòa nêu quan điểm, tại sao cán bộ quản lý với nhau lại không thi hành công vụ trên phương diện luật pháp mà phải có sự ưu ái riêng? Theo như thông tin báo chí phản ánh thì lãnh đạo cảng Hàng không Tuy Hòa (Phú Yên) xác nhận sự việc xe biển xanh vào tận chân cầu thang máy bay đón ông Lương Minh Sơn là đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải và phát biểu rằng vì Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc Công an tỉnh… đã hỗ trợ rất nhiều cho sân bay nên sân bay cũng rất quan tâm.

“Ngang cấp với Phó Bí thư Tỉnh ủy còn có Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách, vậy nếu ưu tiên xe của Phó Bí thư thì xe các vị kia có ưu tiên không, tôi không thấy lãnh đạo cảng Hàng không Tuy Hòa nhắc đến” – ông Hòa nói.

Thưa ông, là Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội, xin ông nêu ý kiến nhận định việc xe công đón ông Lương Minh Sơn tại chân máy bay là đúng hay sai?

Về quy định pháp luật thì không sai nhưng theo tôi là không nên, không đẹp, thậm chí còn là hơi phản cảm. Nó thể hiện hình ảnh một người lãnh đạo quan cách, không gần gũi nhân dân, khó gây được thiện cảm trong mắt người dân bình thường.

Tôi đã qua lại sân bay Tuy Hòa nhiều lần thì thấy sân bay nhỏ, khoảng cách đi lại rất gần chứ không phải xa xôi gì. Quy định xe được qua cửa kiểm soát an ninh thì có thể đỗ đâu đó trên sân bay rồi lãnh đạo bước thêm vài bước có lẽ hợp lý hơn là đỗ ngay tận chân máy bay. Rồi một mình Phó Bí thư thì không sao, đây lại có cả người nhà. Đành rằng cũng không nên cứng nhắc đến mức yêu cầu người nhà phải đi xe riêng nhưng dù sao nếu tế nhị hơn một chút thì sự việc không đến nỗi ầm ĩ như vậy.

Ông có bình luận gì về giá trị chiếc xe công 2,3 tỷ đồng được khấu hao sau 4 năm còn 490 triệu đồng mà ông Lương Minh Sơn đang sử dụng?

Về giá trị chiếc xe và thủ tục xử lý khấu hao tài sản thì tôi không bình luận vì đây là công việc của đơn vị chuyên môn, nhưng tôi thấy một vấn đề là hiện nay tình trạng quan chức sử dụng xe công vượt quá tiêu chuẩn là khá phổ biến, không riêng tỉnh thành nào. Vì vậy rất cần mạnh tay rà soát, xử lý để đảm bảo công bằng hợp lý trong sử dụng tài sản Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Minh Minh(thực hiện)