Xe kinh doanh phải đổi sang biển vàng và những băn khoăn của người trong cuộc

Nguyễn Lâm

Thừa nhận việc chuyển đổi biển số xe màu trắng sang biển số màu vàng sẽ giúp cơ quan quản lý, người dân dễ dàng nhận dạng, hạn chế được tình trạng xe chạy dịch vụ trá hình,… Song, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng quy định này còn một số điểm băn khoăn, bất hợp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Doanh nghiệp đồng thuận

Bộ Công an mới đây đã ban hành Thông tư 58 quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới đường bộ. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1/8 và thay thế thông tư số 15/2014 của bộ Công an quy định về đăng ký xe.

Một trong những nội dung quy định mới của Thông tư lần này là việc cấp, đổi biển số cho xe kinh doanh vận tải. Cụ thể, tại điểm đ, khoản 6, Điều 25 của thông tư quy định biển số ô tô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.

Trao đổi với phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc công ty Vận tải Đất Cảng - cho rằng: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đổi biển số xe kinh doanh từ biển trắng sang biển vàng. Việc nhận diện xe bằng màu biển số sẽ giúp đồng nhất về quản lý với các xe kinh doanh vận tải, từ đó cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm soát hoạt động của các phương tiện này.

Vấn đề tôi quan tâm nhất là sau khi thay đổi, các cơ quan quản lý sẽ thực hiện quy định trên thế nào tránh trường hợp xe biển trắng vẫn kinh doanh. Bởi hiện nay, mặc dù đã có những quy định cụ thể đối với xe kinh doanh vận tải thế nhưng tình trạng xe dù, xe kinh doanh tự phát,… vẫn ngang nhiên tồn tại gây ra bất công, khó khăn cho những đơn vị vận tải”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, đại diện Grab cho biết: “Chúng tôi đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng và các hợp tác xã đang hợp tác để có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến các tài xế nhằm đảm bảo tuân thủ Thông tư 58 của bộ Công an”.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Còn ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin bộ Công an ban hành Thông tư quy định về việc xe kinh doanh vận tải phải đổi từ biển trắng sang biển vàng, Hiệp hội đã tổ chức buổi họp để lấy ý kiến với đại diện các đơn vị kinh doanh vận tải, các hội viên, thành viên.

Tại đây, tất cả đều cho rằng việc thay đổi nền biển số này là cần thiết. Việc này giúp người điều khiển xe có ý thức tốt hơn, không thể tự ý đi vào các tuyến đường cấm, không tùy tiện dừng đón trả khách không đúng nơi quy định; lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông dễ dàng nhận diện để hướng dẫn, điều tiết giao thông cũng như xử lý các vi phạm;…”.

Nhiều băn khăn, bất cập

Đồng thuận với Thông tư 58 của bộ Công an, song các doanh nghiệp, hiệp hội cũng bày tỏ băn khoăn về việc đổi màu biển số xe khiến người kinh doanh dịch vụ vận tải có thể mất nhiều thời gian, chi phí.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng: “Chúng tôi chỉ ủng hộ việc thay đổi nền của biển số xe còn số đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng ký vẫn được giữ nguyên để tránh những vấn đề phát sinh. Ví dụ như trường hợp những đơn vị kinh doanh đang phải thế chấp giấy tờ xe ở ngân hàng để vay vốn sẽ rất khó khăn trong việc rút giấy tờ để đăng ký lại; các quản lý khác của Nhà nước liên quan đến số đăng ký xe như phù hiệu tuyến, chứng nhận kiểm định khí thải, thẻ thu phí tự động không dừng,…

Một vấn đề khác cũng được các đơn vị vận tải quan tâm là giảm thiểu thủ tục, chi phí để hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn hậu Covid-19. Các doanh nghiệp kiến nghị bộ Công an sẽ thu phí đổi biển ở mức thấp nhất”.

Anh Bùi Văn Tuân, tài xế lái xe Grab taxi tại Hà Nội.

Là một tài xế chạy xe Grab taxi trên địa bàn TP Hà Nội, anh Bùi Văn Tuân chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc đổi màu nền biển số đối với những xe kinh doanh vận tải, việc này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý và tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng trong kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng phân vân về việc có nên đổi biển hay không, bởi cá nhân tôi và nhiều tài xế Grab taxi khác chỉ tranh thủ làm việc vào ngày nghỉ để kiếm thêm thu nhập. Có lẽ tới đây, tôi sẽ phải tìm cho mình một công việc mới phù hợp hơn”.

Giải đáp cho những thắc mắc trên của người dân, tại cuộc trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật, Trung tá Phạm Việt Công - Trưởng phòng đăng ký xe (cục CSGT, bộ Công an) thông tin: “Tất cả taxi công nghệ hoạt động thời gian ngắn sẽ phải đổi sang biển số màu vàng. Khi không còn kinh doanh, chủ xe có thể tới các điểm đăng ký xe sẽ làm thủ tục cấp đổi sang biển trắng như ban đầu.

Khi đổi biển số, chủ xe sẽ được chọn 2 phương án, nếu đổi sang bộ số mới sẽ có biển và đăng ký xe ngay khi hồ sơ hợp lệ; trường hợp tài xế muốn giữ số sẽ được phát giấy hẹn trong 1 tuần. Trong 1 tuần đó xe vẫn được lưu thông bình thường. Chi phí đổi biển số sang biển vàng vẫn được giữ nguyên theo Thông tư 229/2016/TT-BTC của bộ Tài chính”.

Trung tá Phạm Việt Công - Trưởng phòng đăng ký xe, cục CSGT, bộ Công an. Ảnh BĐ.

“Trong quá trình chuyển đổi biển số, chủ các đơn vị kinh doanh vận tải không cần phải mang xe, không cần cà số máy, số khung bởi những dữ liệu đó đã có trong hệ thống; chỉ cần khai vào tờ khai, cơ quan đăng ký sẽ tiếp nhận để chuyển đổi.

Khi chuyển đổi biển số, chủ phương tiện phải chứng minh được mình là người muốn chuyển đổi, tránh tình trạng mang xe người khác đi chuyển đổi. Trong trường hợp chủ phương tiện đăng ký biển vàng để kinh doanh vận tải, sau này không có nhu cầu kinh doanh, đơn vị đăng ký sẽ làm thủ tục đổi biển trắng.

Theo Thông tư 229/2016/TT-BTC, chi phí cấp đổi giấy đăng ký kèm theo biển số đối với ô tô là 150.000 đồng; sơ-mi rơ-moóc đăng ký rời, rơ-moóc sẽ là 100.000 đồng” - Trung tá Phạm Việt Công - Trưởng phòng đăng ký xe (cục CSGT, bộ Công an).

N.L