Xét xử vụ gian lận thi cử Hòa Bình: Hé lộ cách thức nâng điểm của “liên minh ma quỷ”, một tay che cả bầu trời

Tư Viễn

Những tưởng hành vi “đi đêm” của mình sẽ không bị phát hiện, nguyên Trưởng phòng Khảo thí sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới can thiệp, nâng điểm bài thi cho thí sinh đến số điểm cần đạt mới thôi. Giật mình hơn, có những thí sinh được nâng tới 9,25 điểm/1 môn thi. Song, “cái kim trong bọc rồi cũng sẽ lòi ra”. Ngày hầu tòa, một số bị cáo đã bật khóc.

Hé lộ đường dây nâng tới 9,25 điểm/1 môn thi

TAND tỉnh Hòa Bình đang xét xử vụ án gian lận thi cử từng gây rúng động tỉnh này trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 và 2018.

Bị đưa ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm các bị cáo: Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình); Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên phó Hiệu trưởng trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy); Diệp Thị Hồng Liên (nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí); Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên phòng Khảo thí); Khương Ngọc Chất (nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình); cùng các bị cáo nguyên là Trưởng phòng giáo dục huyện, giáo viên, Hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn.

Các bị cáo tại tòa.

Riêng bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn còn bị truy tố về tội Nhận hối lộ, bị cáo Hồ Chúc (giáo viên trường THPT Thanh Hà) bị truy tố tội Đưa hối lộ.

Ngày đầu tiên xét xử, 15 bị cáo đã có mặt, rất nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 5/17 luật sư bào chữa có đơn xin xử vắng mặt.

Quá trình kiểm tra căn cước, vì lần đầu ra chốn cồn đường nên nhiều nữ bị cáo đã bật khóc.

Hai bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung (nguyên giáo viên trường THPT Ngô Quyền, TP.Hòa Bình) và Bùi Thanh Trà (nguyên giáo viên trường THPT Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) vừa mếu máo khai về nhân thân, vừa lau nước mắt.

Trước khi bước vào phần xét hỏi, đại diện VKS công bố cáo trạng. Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì vụ lợi, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để câu kết, can thiệp nâng điểm bài thi cho các thí sinh tham gia kỳ thu THPT Quốc gia năm 2017 và 2018, tạo điều kiện để các thí sinh xét tốt nghiệp THPT và xét trúng tuyền vào các trường đại học, cao đẳng.

Trong vụ án, Nguyễn Quang Vinh được xác định có vai trò chủ mưu. Bị cáo đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn và đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo điều kiện thuận lợi để các bị cáo Mạnh Tuấn và Khắc Tuấn can thiệp nâng điểm 145 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh.

Mặc dù đã can thiệp nâng điểm, nhưng quá trình chấm thi, Mạnh Tuấn phát hiện một số bài thi của thí sinh chưa đạt số điểm nâng theo yêu cầu nên tiếp tục can thiệp; sau đó dùng máy tính quét lại bài thi, ghi đè lên file ảnh đã quét, đổi ngày giờ trên máy tính và gửi kết quả về bộ GD&ĐT.

Kết quả giám định kết luận: Có 145 bài thi của 58 thí sinh bị can thiệp tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án; các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng 1 người tô ra.

Căn cứ kết quả giám định, bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định số bài thi này, kết quả xác định 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh (có danh sách kèm theo) được can thiệp nâng điểm, số điểm nâng từ 0,2 điểm đến 9,25 điểm/1 môn thi.

Làm theo chỉ đạo, nghĩ: “Có khi đến cốc nước cũng không có”

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, Mạnh Tuấn thừa nhận: Đầu tháng 5/2018, trong 1 lần xuống sở GD&ĐT công tác, bị cáo có qua phòng của Nguyễn Quang Vinh uống nước (có thời gian Tuấn làm ở phòng bị cáo Vinh).

Tuấn khai: “Tại đây, bị cáo Vinh trao đổi với bị cáo rằng năm nay có một số trường hợp con em cán bộ trong ngành, của người thân thi tốt nghiệp THPT, muốn bị cáo nâng, sửa điểm thi cho các học sinh này”.

Bị cáo Nguyễn Quang Vinh tại phiên xét xử sơ thẩm.

Sau 1 hồi suy nghĩ, Mạnh Tuấn trao đổi lại “việc này rất quan trọng và khó khăn, nếu làm thì phải để bị cáo sửa trực tiếp vào bài thi gốc của thí sinh”. Bị cáo Vinh đồng ý với cách làm này của Tuấn.

Mạnh Tuấn cũng là người đề nghị Vinh tìm hiểu kỹ quy chế chấm thi và chuẩn bị chìa khóa phòng niêm phong bài thi cho bị cáo; còn các dụng cụ khác thì Mạnh Tuấn chuẩn bị.

Sau đó, khi “tạt” vào thăm Khương Ngọc Chất ở sở GD&ĐT, Mạnh Tuấn tiếp tục được Chất đặt vấn đề tương tự như Nguyễn Quang Vinh.

Không thực hiện 1 mình, Mạnh Tuấn đã bàn bạc và lôi Khắc Tuấn vào cuộc. Đến khi vào phòng niêm phong bài thi, Mạnh Tuấn “buông” một câu xanh rờn: “Vào đến đây rồi, không muốn làm cũng không được”.

Đối chất về nội dung này, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn thừa nhận những gì Mạnh Tuấn khai là đúng. Lý do Khắc Tuấn thực hiện việc nâng điểm cho thí sinh được bị cáo khai: “Do bị cáo nể nang, chính anh Mạnh Tuấn là người giúp bị cáo lên Sở”. Bị cáo Khắc Tuấn vẫn nhớ câu nói của Mạnh Tuấn: “Làm vì quan hệ, có khi làm cũng không được cốc nước nào đâu nhưng vẫn phải làm”.

Tỏ vẻ mệt mỏi, Khắc Tuấn nói: “Vì chuyện này, có lần 2 anh em đã cãi nhau trong phòng, thực tâm bị cáo không muốn làm”.

Sau khi lắng nghe lời khai của đồng phạm, bị cáo Nguyễn Quang Vinh phủ nhận hoàn toàn cáo buộc của VKS. “Bị cáo không tạo điều kiện, không đưa chìa khóa cũng như danh sách thí sinh cần nâng điểm cho bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn. Bị cáo không phải là chủ mưu trong vụ án”, nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở trình bày.

Bị cáo Vinh chỉ nhận trách nhiệm là Trưởng ban thư ký Hội đồng thi đã để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia và nói sẽ nhận trách nhiệm về việc này. Bị cáo không đồng ý với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như cáo buộc của VKS.

T.V