Xót xa miền Trung quê nhà

Nhìn trẻ thơ ngồi tựa nóc nhà, cha già bất lực trước dòng nước lũ, ai xa xứ có thể cầm lòng để nước mắt không tuôn. Quê mẹ miền Trung ơi! Mong một ngày bình yên...

Tôi sinh ra trên dải đất miền Trung đầy nắng gió, khô cằn, cái nghèo khổ bủa vây bao kiếp người cơ cực. Tôi vẫn luôn tự hào kể với các bạn miền Nam, đất Bắc về giọng nói quê hương.

Những người dân thuần nông chất phác, tuy sống trong cái nghèo lam lũ nhưng tình người nồng đậm yêu thương. Họ bền bỉ và rất giàu nghị lực.

Trong kí ức tuổi thơ tôi in đậm hình ảnh xóm làng đồng ruộng nước băng tràn trắng xóa lúc bão về.

Ngày ấy còn thơ bé, tôi nào đã biết gì đâu, được nghỉ học là thích thú, nghĩ sao mong mưa bão mãi kéo dài để được ở nhà chơi. Cho tới sau này lớn lên, tôi mới thấu hiểu đó cũng chính là đau thương, là mất mát.

Tuổi thơ trong tôi là dáng mẹ ôm con ngồi góc giường, tránh hết chỗ này né chỗ kia để nước đừng rơi xuống ướt người vì nhà dột. Suốt tuần bão lũ quanh quẩn bát cháo loãng hầm mấy hạt ngô.

Những đợt lũ cuốn đi hết tất cả chỉ trông chờ vào mấy gói mì cứu hộ. Có lúc nửa đêm cả làng nhốn nháo bỏ của chạy lấy người đi sơ tán tưởng như quay lại thời chiến tranh.

Có lẽ suốt cuộc đời này, những người con miền Trung như tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những cảnh tượng đau thương ấy hàng năm vẫn bám đuổi quê nhà.

Nhà là nơi để về. Quê hương là nơi nương náu. Chỉ có chúng tôi, những người tha hương mới hiểu được nỗi lòng nhớ quê da diết giữa cuộc sống bon chen bộn bề phố thị.

Ai cũng muốn ở lại nhà, sao chúng tôi phải rời nơi chôn rau cắt rốn ra đi?

Câu nói muôn thuở vẫn hằn sâu trong tôi từ thuở bé: “Các con cố gắng học hành, mai sau kiếm công việc ổn định ở nơi khác. Ở quê mình nghèo khó biết làm gì! Hạn hán thiêu chết cỏ cây, bão giông tràn về mất mùa đói kém sao chịu được!”

Khi trưởng thành, tất thảy thanh niên quê nghèo này ai nấy đều rời xa lũy tre làng, mưu sinh xứ lạ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Tôi cũng lớn lên, ra đi khỏi vùng đất khô cằn sỏi đá, ngày nắng chang chang khô rát gió lào, bão về tiêu điều xơ xác mà lòng luôn đau đáu nhớ thương.

Những ngày qua, nghe tin bão lũ đổ bộ miền Trung đã càn quét nhà cửa của người dân nơi đây. Thử hỏi ai xa xứ như tôi bưng bát cơm đầy mà lòng không thôi suy nghĩ?

Ai dửng dưng, ai bình tâm được trước cảnh lòng dân đang thấp thỏm âu lo. Nhưng làm sao chúng ta có thể chống lại được cơn thịnh nộ của đất trời?

Cám cảnh cho người cha địu con lên nóc nhà mong chờ cứu viện khi bị nước nhấn chìm. Người người bì bõm dắt díu nhau ngược dòng lũ cuốn.

Cám cảnh cho cơ nghiệp bao gia đình bỗng tan hoang sau một đêm oằn mình chống chọi.

Nhanh như chớp, ai mường tượng được ngày hôm qua còn mái ấm, bữa cơm nhà mà nay thắt ruột nhìn toàn cảnh trôi trong biển nước. Bốn bề chỉ còn nước và nước mênh mông.

Trong đêm cả bầu trời tối om, ngọn đèn dầu không thể thắp.

Trẻ con nheo nhóc, đứa khát sữa khóc lóc kêu gào, đứa ôm bụng nằm xoài vì chưa một hạt cơm đến bữa.

Cụ già sống lại kí ức ngày xưa trong cảnh hãi hùng trời đất, trước nhận bát gạo phát ra thời bao cấp, nay nhận cứu viện gói mì ăn vội vã nhìn nước xoáy đục ngầu.

Miền Trung quê tôi, quanh năm trông chờ vào vụ lúa nương khoai, ngày nối tháng tất bật vài ba thửa ruộng. Mấy tháng trời khom lưng cày cấy, chăm bẵm tưới tiêu, thiên tai đến hoành hành cả vụ mùa bỗng nhiên mất trắng.

Bão, lũ cuồng phong nối tiếp nhau càn quét, nhà cửa trường học tốc mái sập sệ, các công trình hư hỏng nặng, cây cối chất chồng ngổn ngang, dây điện tiếp đất chằng chịt, nước mắt hòa lẫn nước sông chảy xiết.

Có những gia đình phải chịu đựng sự mất mát thương tâm. Đau thương bao trùm trước cảnh người bị lũ cuốn trôi, điện giật. Người đi khổ, người ở lại cũng khổ, người xa xứ nặng lòng.

Thiệt hại, tổn thất nặng nề chỉ trong một ngày đêm, người dân miền Trung vẫn kiên cường là thế nhưng sức người nhỏ bé không thể gồng mình chống chọi lại với sức tàn phá mạnh mẽ của thiên nhiên.

Rồi khi bão tan, lũ rút những con người lam lũ, bần hàn ấy lại khốn đốn dựng nhà, tạo lại vườn hoang. Trẻ em tới trường lại bám bẩn bùn lầy, thiếu thốn bàn ghế sách vở.

Kinh tế miền trung lại nối tiếp những ngày dài đầy rẫy khó khăn, rồi tai ương và dịch bệnh.

Nhưng thật ấm lòng vì trên dải đất hình chữ S này, miền Trung không hề đơn độc. Trong từng nhịp đập trái tim, Bắc Trung Nam vẫn hướng về nhau.

Nhân dân cả nước luôn chung tay vì đồng bào lũ lụt, sự đoàn kết sẻ chia thắm thiết, nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một.

Tôi cảm phục những con người vẫn ngày đêm xả thân giúp đỡ dân nghèo miền Trung chống chọi, vượt qua gian lao, khổ nạn.

Những chiến sĩ công an, bộ đội, bác sĩ không quản ngại gió mưa, lội ngược dòng nước lũ cứu cánh nhân dân, xả thân trước gian nan nguy hiểm cận kề.

Tiếc rằng trên mảnh đất dài nhỏ hẹp ấy vẫn luôn phải đương đầu. Bão này chưa lui thì ngoài khơi xa bão khác đã tới. Từng năm tháng, từng cuộc đời con người cứ thế gánh chịu hàng trăm cơn bão ập đến triền miên.

Những cụ già lớn tuổi nơi đây, sống chung thiên tai mấy chục năm qua mà bao nhiêu mùa bão lũ ghé thăm đều thấy lạ. Lần nào đón bão ai nấy lòng vẫn đầy sợ hãi.

Bão cứ ngày dần lớn mạnh, kinh hoàng. Sóng cứ gào thét cuộn tròn mà con người cứ thế già nua.

Làm sao đây cho khúc ruột miền Trung bớt quặn thắt đêm ngày. Bao giờ dân quê tôi mới có thể bình ổn làm ăn. Bao giờ cho khấm khá?

Hy vọng sẽ còn nhiều, nhiều nữa những đôi tay dang ra đùm bọc chở che những số phận đáng thương ấy vượt khó khăn.

Một việc làm nhỏ, một bát cháo ấm lòng khi đói rét, một quyển sách cho các em lên lớp. Chỉ ngần ấy thôi nhưng ngay lúc này đây nó lớn lao và cao cả biết nhường nào.

Mẹ thiên tai, xin hãy ngừng hô phong hoán vũ!

Xin người rủ lòng thương lấy kiếp con dân khổ sở, trả lại bầu trời êm ả bình yên cho trẻ thơ tiếp tục cắp sách tới trường, gia đình trọn tình thương mái ấm, cho quê mẹ miền Trung một ngày được bình an!

Cơn bão số 5 sẽ "hoành hành" từ ngày 2/9, miền Trung sắp đón đợt mưa lũ khủng khiếp

Chủ nhật, 01/09/2019 | 20:20
Trong vòng 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có thể sẽ trở thành cơn bão số 5 "hoành hành" ngày nghỉ cuối cùng trong kỳ nghỉ lễ 2/9. Miền Trung có thể hứng chịu một đợt mưa lũ rất lớn với cường độ 300-500mm.

Người dân ào ra biển Cửa Lò vớt ‘lộc trời’ sau bão số 4

Thứ 7, 31/08/2019 | 20:47
Sau cơn bão số 4, hàng vạn con sò, ốc, ngao biển dạt vào bãi biển Cửa Lò. Trước hiện tượng đặc biệt này, rất đông người dân đã ào ra để vớt “lộc biển”.

Bão số 4 áp sát, Hà Tĩnh xảy ra lốc xoáy kinh hoàng

Thứ 5, 29/08/2019 | 16:56
Một cơn lốc xoáy vừa xảy ra trên địa bàn xã Kỳ Hoa, TX.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh khiến 2 người bị thương, hàng chục ngôi nhà tốc mái.