Lê Liên

Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay, nhất là ở các đô thị lớn vẫn còn nhiều bất cập. Giải pháp không thiếu, nhưng để thực thi lại là một câu chuyện khác.

Những ngày qua, người dân sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) lại chặn xe rác vào bãi, vì việc đền bù cho những hộ bị ảnh hưởng chậm tiến độ. Kể từ khi bãi rác Nam Sơn được hình thành năm 1999 đến nay, đã có tới 7 lần dân chặn xe rác.

Mỗi lần như vậy, người dân nội thành lại khổ sở vì hàng ngàn tấn rác dồn ứ, bốc mùi giữa phố. Dọc các con phố lớn nhỏ của Hà Nội, đâu đâu cũng là rác ứ đọng như núi. Người dân đi qua đều bịt mùi và đi thật nhanh để thoát khỏi khu ô nhiễm.

Đợt vừa qua, theo ghi nhận của PV, các điểm tập kết rác trong nội thành như trên đường Trần Hữu Dực, đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm),… những núi rác ngổn ngang vẫn đang được công nhân vệ sinh môi trường căng mình thu dọn. Nhiều công nhân đã phải tăng ca ngày đêm để cố gắng xử lý hết những núi rác khổng lồ này.

Thế nhưng, người dân sống gần bãi rác Nam Sơn còn khổ hơn nhiều. Họ đã phải trải qua hơn 20 năm chung sống với mùi hôi thối, nguồn nước bị ô nhiễm mà vẫn chưa được giải quyết quyền lợi.

PV có mặt tại xã Nam Sơn sau 5 ngày người dân thông đường chặn xe lần gần đây nhất. Chạy dọc Quốc lộ 3 vào xã Nam Sơn, chúng tôi đã bắt đầu cảm nhận được mùi khó chịu theo gió bốc ra từ khu xử lý rác thải Nam Sơn.

Càng lại gần, mùi hôi thối càng nồng nặc và khó chịu. Thậm chí, trên đường vương vãi nước rỉ từ những xe chở rác cũng bốc mùi. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, nhiều người dân phải đóng kín cửa để bớt đi mùi khó chịu đó mà khổ ải vẫn hoàn khổ ải.

Bà Nguyễn Thị N. (75 tuổi), một trong những người dân có nhà nằm cạnh bãi rác Nam Sơn bán kính 500m, chia sẻ: “Hơn 20 năm nay, chúng tôi đã phải sống trong bầu không khí và nguồn nước ô nhiễm.

Việc 7 lần chặn xe rác là vì quá bức xúc. Chính sách giải quyết của huyện những năm qua khiến chúng tôi không đồng tình. Lần chặn xe rác thứ 7 này là lần chúng tôi bức xúc nhất. Giờ nếu không giải quyết thì đóng cửa bãi rác, trả lại cuộc sống bình yên cho chúng tôi. Những năm qua, chúng tôi đã sống trong ô nhiễm quá nặng nề rồi”.

Cũng theo bà N., sau lần đối thoại của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, người dân tại Nam Sơn rất kỳ vọng vào lời hứa của Thành phố, sớm giúp dân thoát khỏi cảnh trớ trêu này.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - đánh giá, nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên do phương thức thu gom chủ yếu là đổ đống rồi chôn lấp thủ công. Từ những đống rác chất cao, nước thải rỉ ngấm xuống lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống.

Ngoài ra, theo ông Sỹ, việc xử lý rác thải ở Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ được coi là ngành nghề sinh lời. Cơ chế chính sách phức tạp, khó khăn nên rất khó để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tiền của.

Thêm nữa, việc phân loại rác chưa trở thành thói quen với người dân. Trong khi các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến đòi hỏi việc phân loại rất kỹ càng để tối đa được năng suất xử lý và đảm bảo an toàn cho môi trường. Kinh phí đầu tư cho các công nghệ hiện nay thiếu, lựa chọn công nghệ không phù hợp.

Đồng quan điểm, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường (bộ TN&MT) - nhận định, từ vụ bãi rác Nam Sơn chúng ta mới thấy công nghệ chôn lấp rác thải là quá lạc hậu, cũ kỹ.

Một thành phố hướng đến hình mẫu đô thị thông minh, kiểu mẫu của cả nước nhưng xử lý rác thải theo công nghệ của thế kỷ trước là rất bất cập. “Quỹ đất của các thành phố có hạn, trong khi đó còn phải dành ra hàng chục héc-ta để chôn lấp thì rất lãng phí”, ông Tùng nêu quan điểm.

Đưa ra giải pháp ngắn hạn, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết, hiện nay Việt Nam đã có chiến lược về việc quản lý tổng hợp chất thải rắn, chúng ta đang cố gắng tái sử dụng những thành phần có trong rác càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được nếu rác thu gom đến đâu ủ và xử lý đến đấy. Và phương pháp này cũng chỉ thực hiện được với quy mô nhỏ và trung bình.

Về giải pháp lâu dài, vị Phó Giáo sư đưa ra, hiện nay nhiều địa phương đang tính đến việc sử dụng lò đốt chất thải phát điện. Nếu làm được điều đó sẽ giảm tải chất thải rất nhanh.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách về phí xử lý rác hợp lý, nếu làm được thì rất tốt. Người dùng thải nhiều thì phải trả tiền nhiều. Đặc biệt, người thu nhập thấp nếu bị trả tiền nhiều, sẽ tìm cách hạn chế ít nhất lượng rác phát sinh. Đây là định hướng tốt cho người dân trong việc giảm rác thải tại nguồn.

“Người dân đóng phí vừa là hoàn thành bổn phận của mình, vừa giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc thu phí cần có lộ trình phù hợp khi mức sống, thu nhập người dân chưa đồng đều. Cần đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này vì hiện giờ cơ chế Nhà nước bao cấp cho thấy không hiệu quả", ông Sỹ cho hay.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Trung ương hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nguyên Vụ trưởng vụ Môi trường (bộ TN&MT) - nhận định, trước hết giải pháp trước mắt là giải quyết vấn đề của những người dân sống gần bãi rác.

Ví dụ như với vấn đề bãi rác Nam Sơn, chúng ta phải giữ lời hứa và giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn đọng, gây bức xúc cho người dân.

Cuối cùng hai vị chuyên gia đều đưa ra kết luận, muốn các giải pháp thực hiện một cách hiệu quả người dân phải song song đồng hành cùng chính quyền, mỗi một gia đình, mỗi một hộ làm sao tự mình thực hiện theo các yêu cầu của Thành phố, sử dụng không quá nhiều rác, phải tự phân rác tại nguồn, nếu không phân khó xử lý.

Ông Phạm Văn Đức: Sau 5 ngày thông xe, bãi rác Nam Sơn đã trở về trạng thái bình thường, xe chờ rác vẫn ra vào đều. Tại các quận nội thành do chúng tôi quản lý: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, ngay sau khi thông xe, rác đã được dọn sạch sẽ không còn tình trạng rác ùn ứ.

Ông Phạm Văn Đức: Quy chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh là do bộ Xây dựng đưa ra, chúng tôi luôn chấp hành đúng. Tuy nhiên, phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh không thể loại bỏ hoàn toàn mùi của rác thải. Lượng rác thải vận chuyển vào bãi mỗi ngày rất lớn nên không tránh khỏi việc phát tán mùi.

Khi chôn lấp rác vẫn phải có khoảng hở để tiếp nhận rác, từ khoảng hở này không tránh khỏi có mùi. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước rỉ rác còn tồn đọng khá nhiều, chưa xử lý hết nên gây mùi là đương nhiên.

Ông Phạm Văn Đức: Phương pháp xử lý đốt phát điện đang được xây dựng tại bãi rác Nam Sơn đang được nhiều người kỳ vọng. Vì đây là phương pháp tiên tiến, nhiều nước đã áp dụng, nếu hoàn thành đúng tiến độ thì hơn 4.000 tấn rác sẽ được xử lý thay vì chôn lấp. Điều này rất tốt cho tiêu chí đảm bảo môi trường.


L.L