Xuất khẩu gạo thời Covid: Chuyện phiếm lúc 0 giờ

Tổng cục Hải quan bất ngờ mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo vào 0h ngày 12/4 khiến cho 400.000 tấn gạo được thông quan “chớp nhoáng” khi toàn dân đang say ngủ (!). Đáng chú ý là trong số ít ỏi những DN đăng ký xuất khẩu gạo thành công đợt đầu lại có cả những DN trước đó đã bỏ thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia… Thanh tra Chính phủ vừa chính thức vào cuộc.

Đen: Này, bác đã biết tin gì chưa? Thanh tra Chính phủ vừa ban hành quyết định điều tra vụ xuất khẩu gạo vừa rồi đấy.

Đá: Tôi vừa đọc báo rồi, mừng quá! Hoan nghênh sự quyết liệt, kịp thời của Chính phủ. Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã khó khăn trăm bề, không thể để họ bị thao túng, xử ép (nếu có).

Đen: Dưới góc độ cá nhân, bác có cho rằng có sự không rõ ràng, minh bạch trong vụ mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo lúc 0h đêm 12/4 không?

Đá: Sai phạm hay không thì phải chờ quá trình thanh tra kéo dài 35 ngày làm việc, sau đó kết luận chính thức. Nhưng cá nhân tôi thấy có rất nhiều điểm khó hiểu ở vụ thông quan 400.000 tấn gạo trong vài tiếng buổi đêm đó.

Đen: Ý bác nói là cái thời gian 0h đêm ấy à?

Đá: Phải rồi. Lẽ ra sau 18 ngày dừng xuất khẩu để nắm lại sản lượng nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm, quyết định của Thủ tướng cho phép xuất gạo với hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4/2020 phải là một tin mừng với họ, nhưng nhiều DN ngỡ ngàng khi sáng 12/4 hay tin gạo của mình vẫn chất đống mà Hải quan đã đóng cửa khẩu vì hết hạn ngạch.

Đen: Là vì đa số DN không thể lường trước được là cơ quan hải quan lại mở tờ khai vào cái giờ oái oăm đó. Khác nào “đánh úp” doanh nghiệp? Quyết định có xuất khẩu gạo hay không, Chính phủ phải họp lên họp xuống nhiều ngày, quan trọng như thế, lẽ ra họ phải thông báo trước nhiều ngày và tiếp nhận đăng ký vào giờ hành chính cho công khai, minh bạch chứ?

Đá: Ôi dào, thì sau đó họ có giải thích đó thôi. Họ nói không có chuyện công chức hải quan được can thiệp vào quy trình vì việc thông quan được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống thông quan tự động do Chính phủ Nhật tài trợ.

Đen: Họ nói thế mà cũng nghe được nhỉ? Máy móc gì thì cũng chỉ là công cụ của con người. Máy móc chẳng qua chỉ như một dạng “nhân viên đặc biệt” mà thôi, lẽ nào nhân viên làm việc chưa chuẩn thì lãnh đạo lại không chịu trách nhiệm?

Đá: Bác nói đúng đấy. Những DN không được xuất gạo trong tháng 4 này cứ “hồn nhiên” tin rằng ai xếp hàng trước thì sẽ được ưu tiên thông quan trước, ai dè… Mà kể cũng lạ, công chức Nhà nước mình nhiều nơi 8 rưỡi, 9h sáng mới đến cơ quan, phong thái đủng đỉnh, mà cơ quan này lại “mau mắn” thế, làm việc cả lúc nửa đêm. Giá việc gì cũng được mau mắn như vậy thì đạo đức công vụ tuyệt vời biết bao (!).

Đen: Hihi, bác thâm thuý quá! Xuất khẩu gạo mà khó khăn, “kịch tính” như canh mua vé bóng đá của đội tuyển quốc gia Việt Nam ấy nhỉ. Có DN còn phản ánh là đúng lúc cao điểm canh hải quan điện tử để mở tờ khai thì hệ thống lại báo lỗi “erro” cơ…

Mà tôi nghe đâu trong số những DN đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo lần này còn có 4 DN đã “xù” kết quả đấu thầu cấp gạo dự trữ quốc gia khiến Bộ Tài chính “lao đao” nữa đấy.

Đá: Đấy, tôi đang định nói chuyện này. Sao lại có chuyện ngẫu nhiên khó hiểu thế nhỉ? Phải chăng có sự rò rỉ thông tin về việc cho phép xuất khẩu gạo nên 4 DN đó sau khi trúng thầu cấp gạo dự trữ quốc gia lại “xù đẹp” kho gạo dự trữ mà “tấp tểnh” mang gạo bán ra ngoài?

Đen: Nói chung là quá nhiều nghi vấn trong vụ xuất khẩu gạo này. Vậy nên cần thiết phải thanh tra đến nơi đến chốn, giải toả khúc mắc cho DN và người nông dân. Nếu qua thanh tra mà phát hiện có sai phạm, lợi ích nhóm thì phải xử lý triệt để. Minh bạch, sòng phẳng trong sân chơi chung chính là hỗ trợ lớn nhất mà DN cần có ở cơ chế.

Đá: Đúng thế. Nhưng qua vụ này tôi thấy là dường như dư luận cứ mải chĩa “mũi dùi” vào vụ thông quan của Tổng cục Hải quan và quên đi cái bị động trong tham mưu chính sách của một số cơ quan khác.

Đen: Phải rồi, Việt Nam được dự báo có sản lượng gạo dồi dào trong năm 2020, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước thì vẫn có thể xuất khẩu tới 6,5 – 6,7 triệu tấn. Nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 thì dòng chảy xuất khẩu gạo bỗng trở nên “loạn nhịp” vì những tham mưu chồng chéo của Bộ Công Thương, sự phối hợp thiếu nhuần nhuyễn giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Đá: Ý bác nói đến vụ dập dình đề xuất dừng xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương xong lại đề xuất dừng việc dừng xuất khẩu gạo của chính bộ này?

Đen: Đúng rồi. Về nguyên tắc các DN xuất khẩu gạo đều có chế độ báo cáo định kỳ lên Bộ Công Thương, nhưng không hiểu sao Bộ này lại hấp tấp đề xuất dừng xuất khẩu gạo rồi sau khi lập đoàn kiểm tra liên ngành tình hình sản xuất, cung ứng, xuất khẩu, dự trữ gạo thì lại đề xuất tiếp tục cho xuất khẩu gạo? Dư luận gọi việc tham mưu hấp tấp này là hành động “vác đá ghè chân mình” (!)

Đá: Hihi, sau đó Bộ này đã giải thích là do có sự “vênh số liệu”…

Đen: “Vênh” sản lượng bao nhiêu mà từ đề xuất dừng xuất khẩu đến để xuất tái xuất khẩu, đủ thấy công tác số liệu lỏng lẻo, không nắm được dòng chảy cung cầu như thế nào rồi.

Đá: Lại còn thế này nữa chứ: Sau khi Bộ Công Thương ra quyết định về hạn ngạch xuất khẩu gạo (ngày 10/4), Bộ Tài chính lại phát đi một văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương đề nghị chỉ cho xuất gạo nếp, không cho xuất khẩu gạo tẻ đến hết 15/6. Dân tình mới nói vui rằng DN lại phải chơi trò Tấm Cám, nhặt riêng gạo nếp gạo tẻ để xuất khẩu.

Đen: Thì đó, chính vì những DN đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia hôm 4/3 nhưng đến thời hạn ký họp đồng cung cấp lại “xù đẹp” kho gạo quốc gia, không chịu ký hợp đồng cung cấp (rồi sau đó lại đăng ký xuất khẩu thành công hôm 12/4) nên kho gạo dữ trữ lại không đảm bảo sản lượng.

Đá: Nhưng nghe đâu trong đoàn kiểm tra liên ngành được Bộ Công Thương thành lập để đánh giá lại tình hình sản lượng, cung ứng, xuất khẩu gạo, có cả thành viên từ Bộ Tài chính cơ mà?

Đen: Tôi chịu, hihi…

Đá: Nói chung là có quá nhiều vấn đề cần làm rõ trách nhiệm trong vụ xuất khẩu gạo thời Covid này bác nhỉ? Hay là tôi và bác cược với nhau một phen đi!

Đen: Cược làm gì? Nói ra thì nghe có vẻ “thuyết âm mưu” nhưng tôi thấy đa phần những lùm xùm dẫn đến phải thanh tra thì đều sẽ ra kết quả không làm dư luận thất vọng. Chúng ta cùng chờ xem thôi.

Đá: Vâng bác, hihi…(!!)

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Ông tên Cảm nhưng rất... vô cảm (!!)

Thứ 6, 24/04/2020 | 11:09
Xưa nay quan tham "ngã ngựa" không phải hiếm, song người có thể nảy sinh lòng tham khi "bóng đen" dịch bệnh bao trùm, người lao động mất việc, trẻ em bị tước quyền đến trường, người nghèo đội mưa nắng đi nhận từng cân gạo cứu trợ... thì chỉ có thể là ông Nguyễn Nhật Cảm.

Dạy học online và những bất cập chưa có lời giải!

Thứ 5, 23/04/2020 | 07:54
Sĩ số lớp học rất đông, có khi lên đến 50-55 học sinh khiến giáo viên gặp khó trong việc kèm cặp từng em, là một trong những bất cập của dạy học trực tuyến hiện nay.

Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo

Thứ 4, 22/04/2020 | 15:52
Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo 163/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về công tác triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020; giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Cái sai của chị bán rau ở phường Bãi Cháy

Thứ 4, 22/04/2020 | 08:57
Vụ việc “lùm xùm” giữa chị bán rau và vị nữ Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) hôm 18/4 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cái thiếu chuẩn mực của bà Phó Chủ tịch phường thì đã rõ, song thật đáng buồn khi vẫn có luồng dư luận bảo vệ cho sự vô pháp của người bán rau này.

Bị bộ Tài chính nói "không tiếp thu" trong xuất khẩu gạo, bộ Công Thương giải thích "sợ tham nhũng"

Thứ 3, 21/04/2020 | 18:45
Trong văn bản mới của đây bộ Công Thương, bộ này đã có những "phân trần" xung quanh các ý kiến và đề xuất liên quan phương án điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Vụ "mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm": Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an vào cuộc

Thứ 2, 20/04/2020 | 16:30
Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc quản lý xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm.